NGUY CƠ “XÓA SỔ” NGÔI TRƯỜNG THCS&THPT HAI BÀ TRƯNG (VĨNH PHÚC) PGS.TS Trần Xuân Nhĩ: “Phá bỏ môi trường giáo dục vốn tốt đẹp là một cái tội rất lớn”!

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ – nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam – nhấn mạnh như vậy khi nói về nguy cơ xóa bỏ ngôi trường THCS&THPT Hai Bà Trưng  có bề dày truyền thống dạy và học 25 năm và thành tích nhất nhì tỉnh Vĩnh Phúc.

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ cho rằng mô hình liên cấp như trường THCS&THPT Hai Bà Trưng có lợi về nhiều mặt.
PGS.TS Trần Xuân Nhĩ cho rằng mô hình liên cấp như trường THCS&THPT Hai Bà Trưng có lợi về nhiều mặt.
Thưa PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, ông đánh giá như thế nào về mô hình liên kết THCS&THPT hiện nay?

Mô hình liên cấp lí tưởng nhất là liên cấp giữa Tiểu học và THCS. Đây là mô hình đem lại nhiều lợi ích nhất. Thậm chí ở các nước tiên tiến như Nhật Bản, nhiều nước còn liên cấp từ Tiểu học đến THPT mà không có một sự phân cấp nào cả.

Một quyết định nóng vội ảnh hưởng đến cả một tương lai
GS Phạm Tất Dong – Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam: Với một mô hình dù là không phổ biến nhưng đang hoạt động hiệu quả thì cần có những nghiên cứu và đánh giá chất lượng một cách kĩ lưỡng trước khi đưa ra quyết định. Bất cứ 1 sự quyết định nóng vội nào cũng có thể ảnh hưởng đến cả một tương lai, đặc biệt là trong môi trường giáo dục.
Còn đối với mô hình liên cấp THCS&THPT cũng cho thấy nhiều thuận lợi. Thứ nhất phải kể đến cái lợi về cán bộ quản lý, chỉ cần 1 bộ máy mà điều hành được 2 hệ thống giáo dục như vậy sẽ tiết kiệm rất nhiều về nhân lực, về kinh tế. Thứ hai, về cơ sở vật chất có thể dùng chung như bể bơi, sân vận động, thư viện, phòng vi tính, phòng thí nghiệm...

Đặc biệt, với đặc tính học theo bộ môn, nếu liên thông, sức mạnh về chuyên môn cũng được tăng cao qua việc giáo viên dạy từ cấp 2, lên cấp 3 sẽ nắm chắc kiến thức của mỗi em để trau dồi và phát triển đúng chỗ. Ngoài ra, việc dạy các kĩ năng sống ở độ tuổi gần nhau cũng dễ dàng hơn.

Liệu rằng liên cấp THCS&THPT có gây khó khăn trong quản lý không thưa ông?

Việc khó khăn chỉ là đánh giá chủ quan của các cấp lãnh đạo phân chia như vậy. Thực tế có một sự phân cấp tại các địa phương theo kiểu học sinh Tiểu học, THCS thuộc cấp xã, cấp huyện quản lý còn trường THPT thuộc về cấp tỉnh quản lý. Chính đây được cho là rào cản trong quản lý nhưng cũng chỉ là do tự mình đặt ra.

Thường thì học sinh học theo bộ môn và việc dạy các kĩ năng sống ở độ tuổi gần nhau cũng dễ dàng. Nên nếu phối hợp tốt, phá bỏ rào cản về quan niệm quản lý thì sẽ rất phát triển và có hiệu quả. Tôi khẳng định là trường liên cấp có lợi.

Đối với sự việc tách và sáp nhập trường THCS&THPT Hai Bà Trưng (Vĩnh Phúc), ông cho rằng chủ trường tách trường có chất lượng tốt để sáp nhập vào trường có chất lượng trung bình có là một chủ trương đúng đắn?

Hiện tại, đất nước chúng ta đang chú trọng phát triển kinh tế thị trường, giáo dục cũng thế. Mà đã là thị trường thì phải có cạnh tranh, ai làm tốt thì phải tạo điều kiện để vươn lên. Đơn vị nào chưa tốt thì cần có sự so sánh để vươn lên.

Khi đã xây dựng được một cơ sở có chất lượng giáo dục tốt như vậy, đã được tất cả các đơn vị từ chính quyền, phụ huynh, học sinh đều khẳng định tốt thì đó mới là cái đánh giá khách quan. Ý kiến chia tách trường thể hiện sự chủ quan của người quản lý. Phá bỏ môi trường giáo dục vốn tốt đẹp, chia cắt để làm yếu đi sức mạnh vốn đã trường bền và phát triển là một cái tội lớn!

Trước đó Báo Lao Động điện tử đã đăng tải loạt bài viết về nguy cơ "xóa sổ" ngôi trường 25 tuổi THCS&THPT Hai Bà Trưng có bề dày truyền thống, đạt nhiều thành tích trong công tác dạy và học, từng được nhà nước trao tặng Huân chương lao động hạng Ba, nhận quyết định tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. 

Tách hay sáp nhập cần đặt yếu tố chất lượng hàng đầu

TS Lê Trường Tùng – Chủ tịch HĐQT Đại học FPT: UBND tỉnh Vĩnh Phúc cần có những cân nhắc để sắp xếp mô hình, mạng lưới giáo dục như thế nào cho hợp lí. Tuy nhiên, riêng với mô hình liên cấp là mô hình về mặt nguyên tắc được tồn tại theo văn bản pháp lý. Đây là một cách thức tổ chức có thể giảm được bộ máy công chức quản lý và đảm bảo chất lượng tốt hơn. Việc tách hay sáp nhập cần đặt yếu tố chất lượng lên hàng đầu.

Theo laodong

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ