Người mẹ thứ hai

GD&TĐ - Thay cha mẹ dạy kiến thức, kĩ năng sống, những bài học làm người… và thậm chí chia sẻ tâm tư thầm kín nhất của học trò - Đó là những công việc mà các cô giáo vùng cao hàng ngày gánh vác, đối diện. Với sự tâm huyết, tận tụy, họ thực sự trở thành người mẹ thứ hai của học sinh dân tộc.

GD dân tộc luôn đòi hỏi thầy cô sự tâm huyết, vượt khó.  Ảnh: Thanh Long
GD dân tộc luôn đòi hỏi thầy cô sự tâm huyết, vượt khó. Ảnh: Thanh Long

Dạy từ “con kiến… đến củ khoai”

Nhiều cô giáo vùng cao nói rằng, nhiệm vụ của họ không chỉ dừng lại ở dạy kiến thức, kĩ năng… bởi học sinh của họ chủ yếu là người dân tộc, hoàn cảnh kinh tế khó khăn, lạc hậu từ suy nghĩ tới kĩ năng kiến thức. Nhà trường chính là ngôi nhà để chăm sóc và phát triển toàn diện cho HS khi các em tới trường. Và như vậy, thầy cô không chỉ là người dạy kiến thức mà đồng thời trở thành những người mẹ hướng dẫn giúp đỡ các em mọi mặt trong đời sống.

Cô giáo Lê Thị Đặng – Hiệu trưởng Trường TH Số 1 Mường Mươn – Điện Biên Phủ cho biết: Học sinh của trường khá đa dạng về thành phần dân tộc (Kinh, Thái, Mông). Mỗi dân tộc lại có một tập quán thói quen sinh hoạt khác nhau. Chính vì vậy, năm học mới khi học sinh bắt đầu nhập trường là thời điểm cả BGH và các cô giáo vô cùng vất vả với biết bao nhiệm vụ, công việc không nằm trong giáo án. Từ việc quản lý không để học sinh bán trú bỏ học vì nhớ nhà, việc ổn định trật tự đoàn kết giữa HS các dân tộc… tới việc hướng dẫn học sinh biết cách vệ sinh, chăm sóc thân thể.

Năm đầu tiên bước vào môi trường bán trú tập thể hầu hết HS dân tộc đều thiếu những kĩ năng sống cơ bản nhất. Quần áo, chăn màn luôn trong tình trạng được vo tròn xếp một góc. HS dân tộc cũng không có thói quen tắm, giặt quần áo bẩn bằng xà phòng. Từ vệ sinh thân thể tới giặt quần áo chỉ cần vò qua nước sạch là hoàn thành.

Sáng thức giấc chỉ vục tay vào nước rồi lau lên mặt mà không đánh răng hay dùng khăn rửa mặt. Thậm chí, bát đũa cá nhân ăn xong cũng chỉ nhúng qua chậu nước rồi cất đi mai dùng tiếp chứ không rửa tráng sạch sẽ úp vào nơi quy định… Những phòng ở nội trú ngày đầu học sinh nhập trường gần như luôn trong tình trạng bốc mùi hôi và đất cát bẩn thỉu bởi HS chưa thay đổi thói quen sinh hoạt cũ bằng những kĩ năng giữ gìn vệ sinh.

Tất cả phong tục tập quán, nền nếp sinh hoạt ấy đều được các thầy cô nắm bắt uốn nắn, chỉnh sửa cho tới khi HS thay đổi tiến bộ. Để có sự thay đổi tích cực từ học trò, bản thân các cô phải lập ra nguyên tắc sinh hoạt, cách hướng dẫn hợp lý để HS có thể tiếp thu học hỏi. Từ việc sắp xếp giày dép, đồ dùng cá nhân, sách vở tới cách đánh dấu bàn chải đánh răng, khăn mặt ra sao để không nhầm lẫn… đều được dạy lại từ đầu.

Nếu không rèn lại nền nếp từ nhỏ tới lớn thì chắc chắn khó hình thành cho HS nền nếp sinh hoạt sạch sẽ gọn gàng khi các em đã mang nặng trong mình thói quen, phong tục lạc hậu. Thậm chí, tình trạng áp dụng thói quen cũ vào môi trường tập thể mới hoàn toàn có thể diễn ra.

Với HS dân tộc cũng chịu nhiều ảnh hưởng từ phong tục tập quán nên thay đổi một nếp nghĩ, hành động không dễ dàng với những người làm thầy. Đơn cử HS dân tộc có phong tục kết hôn sớm nên tình trạng HS bỏ học lấy vợ, chồng vẫn thường xuyên xảy ra. Giáo viên chủ nhiệm thiếu sự nắm bắt tâm lý kịp thời sâu sắc sẽ không thể giải thích, tuyên truyền để các em hiểu vấn đề.

Truyền kiến thức bằng yêu thương

Cô giáo như mẹ hiền. Ảnh: Thanh Long
Cô giáo như mẹ hiền. Ảnh: Thanh Long 

Thực tế kinh nghiệm giáo dục từ những cô giáo dạy học vùng cao cho thấy, nếu hành trình giáo dục của người thầy khuyết đi sự tâm huyết, yêu nghề, yêu trò, không khắc phục khó khăn vượt lên hoàn cảnh... thì không thể có được những thành quả giáo dục mong muốn.

Cô Đinh Loan Vân – Hiệu trưởng Trường PTDTBT TH Nghĩa Thuận (Quản Bạ, Hà Giang) tâm sự: Với học sinh vùng cao, học sinh dân tộc sự tiếp thu, nhận thức luôn được đánh giá ở mức chậm hơn so với học sinh vùng thuận lợi, thành phố. Tiếng Việt vẫn là ngôn ngữ thứ hai bên cạnh tiếng dân tộc được sử dụng chủ yếu nên khi học tập trên lớp bằng ngôn ngữ tiếng Việt thì khả năng tiếp thu bị hạn chế, diễn đạt kém bởi vốn từ không phong phú. Để việc giáo dục hàng ngày đạt hiệu quả cơ bản giáo viên sẽ mất thời gian hơn nhiều lần để giải thích ngữ nghĩa, hướng dẫn chi tiết từng vấn đề học sinh tiếp thu.

Đến nay, giáo dục dân tộc đã có sự chuyển biến tích cực và đạt được thành tích đáng kể, học sinh đã được làm quen và học tiếng Việt từ sớm song để học đọc thông viết thạo là cả một nỗ lực không nhỏ với người thầy. Mặt khác, trong một lớp học có tới 2- 3 thành phần học sinh dân tộc cũng buộc người thầy phải hiểu, phải học nói đủ ngần ấy ngôn ngữ dân tộc để giải thích, giảng giải giúp HS dễ dàng tiếp thu bài học. Kiến thức chuyên môn của người thầy cần một thì sự nhiệt huyết, kiên nhẫn với trò lại đòi hỏi gấp nhiều lần.

Cô giáo của HS dân tộc cũng cho biết, khi nói tới HS dân tộc thì đặc tính tự ái, tự trọng cao của các em khá nổi trội. Chỉ vì một lời nói nặng, thiếu cảm thông từ thầy cô, bạn bè, các em cũng sẵn sàng bỏ học, không hợp tác trong quá trình lên lớp. Bởi vậy, thầy cô không chỉ đóng vai trò người truyền thụ kiến thức mà phải trở thành người cha, mẹ, người thân để vừa dạy vừa dỗ, vừa động viên khuyến khích vừa chia sẻ để các em học tập.

Với người thầy vùng cao, để vận động HS tới trường thì việc hỗ trợ sách vở, bữa ăn, quần áo… cho các em là điều không hiếm. Bên cạnh những giờ phút trên lớp, các thầy cô cũng phải bỏ thêm thời gian công sức để bồi dưỡng học sinh yếu kém mà không hề nghĩ tới thù lao hay tiền trách nhiệm. Thậm chí, nhiều thầy cô phải ứng trước tiền lương để đóng học, để mua sách vở khi vào năm học mới rồi phụ huynh trả sau. Nhiều trường hợp, PHHS quá nghèo thì thầy cô lại hỗ trợ hoàn toàn miễn sao để HS tới lớp đầy đủ.

Trong bản năng của mỗi người thầy vùng cao, sự hy sinh, vượt khó, yêu nghề mến trẻ… là điều tất yếu. Dẫu chỉ một vai nhưng họ lại gánh vác nhiều nhiệm vụ. Họ đã thực sự trở thành người cha người mẹ thứ hai không chỉ truyền thụ kiến thức kĩ năng mà còn chăm sóc, dạy dỗ HS bằng tình yêu thương trách nhiệm vô bờ.

Giáo dục cho HS dân tộc luôn mang những đặc thù và khó khăn riêng cho người làm thầy. Không thấu hiểu, tâm huyết, kiên trì và thiếu đi tình yêu thương với học trò thì hành trình giáo dục không hiệu quả, khó phát huy được tích cực của học trò. Từ đó sẽ ảnh hưởng tới quá trình giáo dục toàn diện mà đổi mới giáo dục đòi hỏi. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa: ITN

Cách cảm thụ một câu thơ hay

GD&TĐ - Nhà thơ sáng tạo nên câu thơ hay bằng cách nào? Người đọc cảm thụ câu thơ hay cần chú ý những phương diện sáng tạo nghệ thuật nào của nhà thơ?