“Ngôi trường” 1 lớp học trong trại giam

GD&TĐ - Bên trong căn phòng nhỏ và 4 bức tường cũ kỹ tại Trại giam Quyết Tiến (Tuyên Quang), Bon - cậu bé tròn 1 tuổi có gương mặt rất sáng cùng 4 em nhỏ khác ngơ ngác, sợ sệt khi người lạ tới thăm “nhà trẻ” của mình.

Bon cùng các bạn trong lớp.
Bon cùng các bạn trong lớp.

Đứa trẻ “đi tù” cùng mẹ

Trại giam Quyết Tiến đang chăm sóc cho 5 em bé dưới 3 tuổi là con của các nữ phạm nhân đang thi hành án tại đây. Gọi là “trường” nhưng thực chất đó chỉ là một căn phòng cũ, thiếu thốn đồ dùng, đồ chơi của trẻ. Các bé đến “lớp” cũng là quãng thời gian để cho mẹ đi cải tạo. Còn, “cô giáo” của lớp học đặc biệt này là những nữ phạm nhân cải tạo tốt được Ban giám thị phân công nhiệm vụ.

Hằng ngày, Bon cùng các bạn được mẹ đưa đến “lớp” để các “cô giáo” trông nom. Mẹ của Bon là Hoàng Thị Duyên (quê Hà Đông, Hà Nội) từng phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Làm giả con dấu”. Người phụ nữ 37 tuổi vào tù mới biết trong bụng mình đã hình thành một sinh linh.

“Khi biết mình mang thai, cảm xúc của tôi vừa cô đơn, vừa buồn và suy nghĩ khá nhiều về bản án nên rất căng thẳng. Một người phụ nữ bình thường khi mang thai cần rất nhiều nhu cầu để bồi bổ cho đứa bé trong bụng. Còn tôi lúc đó đang ở Trại tạm giam Hỏa Lò, chưa bị tuyên án nên việc liên hệ với gia đình khá khó khăn”.

Sau khi chuyển về Trại giam Quyết Tiến thụ án, Hoàng Thị Duyên nhận được rất nhiều giúp đỡ từ các quản giáo trong quá trình mang thai và đến khi sinh con tại bệnh viện.

Duyên kể rằng, từ khi có Bon, cuộc sống của chị thay đổi hoàn toàn. Đêm đêm, ôm con trai bé bỏng trong lòng, tâm trạng của nữ phạm nhân lại giằng xé.

“Đầu tiên là cảm xúc buồn, tôi rất day dứt về tội lỗi của mình, vì mình mà con phải chịu thiệt thòi, phải theo mẹ vào trong trại giam, tôi thấy có lỗi với con. Con vào trong môi trường này dù sao cũng bị hạn chế rất nhiều so với sinh sống ở ngoài xã hội. Vì vậy, ngoài giờ cải tạo, tôi dành hết tình cảm cho cháu”, Duyên tâm sự.

Duyên kể, cách đây mấy hôm Bon tròn 1 tuổi, sinh nhật đầu tiên trong cuộc đời của cậu bé nhưng không bố, ông bà, các chị bên cạnh. Điều này càng khiến Duyên xót xa.

“Hôm trước là sinh nhật con, tôi đan xen rất là nhiều cảm xúc, con thiệt thòi nhiều nhưng may mắn được tập thể cán bộ và các chị em trong trại quan tâm tổ chức sinh nhật cho cháu ở trong buồng giam.

Có lẽ đây là kỷ niệm thực sự khó quên trong cuộc đời tôi”. Duyên vừa khóc vừa kể, cô không ngăn nổi dòng nước mắt vì đã không làm tròn trách nhiệm của một người mẹ tử tế với con mình.

Bon như sức mạnh tinh thần giúp Hoàng Thị Duyên vượt qua những đêm cô độc trong phòng giam lạnh lẽo và thôi thúc khát khao cuộc sống tự do, cố gắng cải tạo thật tốt mong một ngày sớm được trở về với xã hội, bù đắp lại cho con...

Nhưng khi hỏi về tương lai sau này của Bon, Duyên vẫn quả quyết, khoảng vài tháng tới đợi cậu bé cứng cáp hơn, Duyên sẽ làm đơn để gửi bé về với gia đình.

Mặc dù, những em bé sống trong trại giam cùng mẹ được hỗ trợ tiền ăn, bỉm, sữa, được đưa đi tiêm phòng định kỳ và được đưa tới “lớp” nhưng với Duyên, cái thiệt thòi của các con là không đáng có.

Duyên vẫn mong muốn con mình và các cháu trong Trại giam Quyết Tiến này sẽ có một môi trường tốt hơn, được đến trường với thầy cô và các bạn. Và hơn hết, Duyên mong các cháu được ăn học để trở thành những công dân có ích cho xã hội.

“Tôi nghĩ là các bé sống trong môi trường ở ngoài xã hội thì sẽ đủ điều kiện hơn, có cơ hội để phát triển về tư duy cũng như thể chất nhiều hơn so với trong này. Cho nên sắp tới, con được về với gia đình thì tôi mừng cho cháu nhiều hơn chứ không ích kỷ giữ con lại.

Tôi nghĩ rằng con tôi không đáng để mất tuổi thơ ở trong này. Tôi mong muốn con mình được đến trường, đến lớp và vui đùa với các bạn cùng trang lứa để cháu trưởng thành trong một môi trường tốt nhất”, Duyên khẳng định.

Mẹ con Bon trong trại giam Quyết Tiến.
Mẹ con Bon trong trại giam Quyết Tiến.

“Cô giáo tiểu học” chuộc lại lỗi lầm

Theo quy định, 6 giờ sáng hàng ngày, nữ phạm nhân đưa con đến nhà trẻ và có 30 phút để cho các con ăn sáng rồi đi cải tạo. Đến 9 giờ, những nữ phạm nhân có con nhỏ được cán bộ quản giáo tạo điều kiện 15 phút về cho con ăn.

Đến 11 giờ sẽ được về sớm khoảng 5 phút để đón con về buồng giam nghỉ ngơi. 13 giờ lại đưa con vào nhà trẻ, sau đó 15 giờ được về cho các con ăn cháo và 17 giờ về đón con mình.

Nữ phạm nhân cải tạo tốt sẽ được phân công làm “cô giáo” của nhà trẻ. Trần Thị Ngọc Tuyết (47 tuổi, quê Vĩnh Phúc) là một trong hai phạm nhân được chọn là người trông trẻ.

Ít ai biết rằng, trước khi phải mặc áo tù nhân về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, Tuyết từng là cô giáo khoác lên mình bộ áo dài thướt tha với giáo án và hàng ngày vui đùa cùng những đứa trẻ.

Tuyết kể, năm 2017, Tòa án Nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc tuyên phạt em 18 năm tù. Nhưng trước đó em đã bị bắt tạm giam từ năm 2015. Những tháng ngày vướng vòng lao lý em mới nhận ra sự tự do nó quý giá biết nhường nào.

Lúc mới bị bắt, lương tâm của em day dứt vô cùng. Thấy mình có lỗi với gia đình, có lỗi với ngành sư phạm mà mình đã từng khao khát và hơn hết đó là sự dằn vặt trong tận đáy lòng đối với các thế hệ học trò, trong đó có cả con mình.

Sau khi được chuyển về thụ án tại trại giam Quyết Tiến, Tuyết vẫn nhớ bảng đen, phấn trắng, nhớ tiếng nô đùa của đám học trò tinh nghịch. Rồi, do có ý thức cải tạo tốt nên Tuyết được quay trở lại làm nghề dạy trẻ, chỉ khác “lớp học” là một nơi rất đặc biệt - trong trại giam.

Niềm vui lớn nhất của Tuyết là hàng ngày được nhìn thấy những đứa trẻ mạnh khỏe, ăn ngủ đúng giờ để người mẹ yên tâm cải tạo.

“Khi nghe thấy tiếng trẻ nhỏ càng làm tôi nhớ về khoảng thời gian còn là cô giáo tiểu học và lúc chăm sóc con cháu mình ở nhà. Ở trong môi trường cải tạo mà được nghe thấy tiếng cười con trẻ khiến tôi cảm giác gần gũi với xã hội, gần gũi với gia đình, điều này càng khiến tôi mong ngóng ngày trở về”, Tuyết tâm sự.

Quá trình thụ án của Tuyết vẫn còn dài và con đường trở lại làm giáo viên đã khép lại nhưng với Tuyết những tháng ngày chuộc lại lỗi lầm trong trại giam, cô sẽ cố gắng cải tạo thật tốt.

Tuyết cũng tự hứa với lòng mình, sẽ chăm sóc những đứa trẻ như chính con ruột của mình để các cháu phần nào vơi đi cái thiệt thòi mà người lớn chót vương trên tuổi thơ của các con.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Nên hay không?

GD&TĐ - Trong xu thế tự chủ đại học, nhiều cơ sở đào tạo đã chủ động xét tuyển sớm.