Nghĩ về nghề giáo

GD&TĐ - Dân tộc Việt Nam vốn có truyền thống tôn sư, trọng đạo. Nghĩa là tôn kính thầy cô giáo, những người đã có công khai tâm, mở trí cho mọi người.

Trong giờ học của thầy và trò Trường THCS Hải Thượng (huyện Hải Lăng, Quảng Trị)
Trong giờ học của thầy và trò Trường THCS Hải Thượng (huyện Hải Lăng, Quảng Trị)

Chính Comenxki đã từng khẳng định: “Dưới ánh mặt trời không có nghề nào cao quý hơn nghề dạy học”. Nghề dạy học là một nghề cao quý, vì lối sống thanh bạch, giản dị, tâm hồn trong sáng của bản thân thầy cô giáo. Mọi người tôn kính thầy cô giáo vì từ thầy cô giáo mà hình thành được nhân cách, lối sống cho thế hệ trẻ, tạo nên tiền đề phát triển cho xã hội.

Trải qua nhiều thế hệ, nghề dạy học cũng có lúc thăng trầm nhưng phẩm chất của thầy cô giáo vẫn luôn được giữ vững. Truyền thống nhà giáo không cho phép thầy cô giáo thay đổi lối sống, thay đổi nhân cách để chạy theo cơ chế thị trường. Bởi vì để dạy cho học sinh trở thành những người chân chính, trước nhất thầy giáo cô giáo phải là những người chân chính.

Lòng tự trọng của nghề giáo là một chuẩn mực có tính chất truyền thống, hình thành từ ngàn xưa, chảy trong dòng máu của tất cả những người làm nghề dạy học. Tự trọng đối với xã hội, đối với học sinh, đối với đồng nghiệp và quan trọng hơn hết là tự trọng đối với bản thân mình.

Lòng tự trọng không cho phép thầy cô giáo thiếu trách nhiệm đối với giờ dạy của mình dù có ai kiểm tra hay không; không cho phép thầy cô giáo gian dối, trù dập, thiên vị trong việc đánh giá bất cứ học sinh nào dù học sinh đó giàu hay nghèo, đẹp hay xấu, con của ai, thuộc thành phần nào trong xã hội. Để hoàn thành sứ mệnh thiêng liêng và cao cả của mình, mỗi thầy giáo, cô giáo hôm nay phải vượt qua được chính bản thân mình ngày hôm qua để vươn tới sự hoàn thiện, truyền thụ điều gì với học sinh thì chắc chắn điều đó phải chính xác, khoa học.

Nghề dạy học không cho phép thầy cô giáo làm những điều trái với đạo đức xã hội, trái với đạo lý truyền thống của dân tộc để cho xã hội phải phê phán. Quan trọng là cái “tâm” của nhà giáo. Cái “tâm” được hình thành từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường: Học sinh nhìn hình tượng của các thầy cô giáo trên bục giảng, hình tượng tạo nên ước mơ và hành động cho tuổi trẻ, hình thành nhân cách, cá tính, bản lĩnh cho mỗi con người, hình thành cái “tâm” cho mỗi học sinh. “Tâm” có sáng hay không còn tùy thuộc vào sự tiếp thu của mỗi học sinh nhưng nhất định hình tượng thầy cô phải sáng, phải rực rỡ tỏa ánh hào quang bởi vì ánh hào quang này có khi sẽ còn theo đuổi mỗi học sinh suốt cuộc đời.

Không phải ngẫu nhiên mà xã hội tôn sư, trọng đạo. “Đạo” làm người đã khó, “đạo” làm thầy còn khó hơn. Chọn nghề giáo tức là đã chọn cho mình con đường đi đến chân lý, con đường đi đến sự hoàn thiện. Con đường này không dễ dàng cho những ai vốn không có cái “tâm”, không vững vàng trước nghịch cảnh, không chịu đựng được gian khổ, mềm lòng trước vật chất, tiền tài của xã hội phù hoa.

Xã hội càng phát triển càng đòi hỏi người thầy phải nâng cao phẩm chất và năng lực của mình, giữ vững cái “tâm” của mình để thực hiện “đạo” làm thầy. “Tâm” có sáng thì “đạo” mới sáng; “đạo” sáng thì hình tượng mới tỏa ánh hào quang huy hoàng.

Nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam, tôi muốn nói lên đôi điều để chúng ta cùng suy ngẫm. Nếu chúng ta không đổi mới, không bổ sung nguồn vốn kiến thức của mình, không cập nhật hiểu biết của mình thì sẽ cạn kiệt năng lực, và không dạy được, không đáp ứng được cái mà người học cần, và chưa nói đến dạy sai, dạy sót.

Chính vì thế, đánh giá một nhà giáo là đánh giá ở 3 chuẩn: Văn bằng, phẩm chất, tay nghề. Nếu là nghề khác thì tiêu chí để đánh giá là “Năng suất, chất lượng, hiệu quả”. Còn đối với nghề dạy học thì tiêu chí thật đơn giản nhưng lại vô cùng thâm thúy: “Nhìn trò, biết thầy”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ