Nghị lực của cô giáo trẻ

GD&TĐ - Dù gắn bó với nghề chưa đầy 10 năm nhưng cô Thạch Thị Búp Pha đã tạo động lực, truyền cảm hứng cho nhiều học sinh đồng bào dân tộc Khmer ham học, hiếu học, giúp các em hướng tới tương lai tươi sáng.

Cô Búp Pha.
Cô Búp Pha.

Hành trình 40km đến trường

Cô Búp Pha sinh năm 1989 trong gia đình nông dân nghèo ở ấp Sóc Bưng, xã Thạnh Phú, huyện Mỹ Xuyên (tỉnh Sóc Trăng). Vốn yêu thể thao và mê nghề dạy học nên Búp Pha đã nuôi ước mơ trở thành cô giáo dạy thể dục. Để thực hiện “ước mơ xanh” của mình, Búp Pha đã có nhiều cố gắng. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, cô vừa học vừa phụ giúp cha mẹ việc nhà cửa, đồng áng, cố gắng tranh thủ thời gian để học tập. 

Sau khi tốt nghiệp THPT, năm 2009, Búp Pha thi vào chuyên ngành Sư phạm giáo dục thể chất, Trường CĐ Sư phạm Sóc Trăng. Năm 2012, tốt nghiệp ra trường, cô được phân công về công tác tại Trường Tiểu học Tuân Tức 2 (xã Tuân Tức, huyện Thạnh Trị, tỉnh Sóc Trăng), ngôi trường ở xã vùng sâu, vùng xa, khó khăn của huyện với trên 60% dân số là đồng bào dân tộc Khmer. 

Chia sẻ về ngày đầu nhận công tác, cô Búp Pha cho biết: “Thời gian đầu, tôi khá phân vân vì từ nhà đến trường ngót nghét 20km. Nhưng là người dân tộc Khmer nên khi về ngôi trường có đông HS là con em đồng bào dân tộc, cuộc sống của người dân còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, trẻ em ở đây cũng thiệt thòi hơn, tôi rất thương, đồng cảm với các em. Từ đó mọi phân vân, lo lắng đều tan biến”.

Nhiệt huyết của tuổi trẻ, tinh thần cầu tiến, sự chăm chỉ, ham học hỏi, tình yêu thương HS đã giúp cô Búp Pha vượt qua những khó khăn khi mới vào nghề. Được phân công giảng dạy bộ môn Giáo dục thể chất, dạy thêm bộ môn Khoa học và kiêm nhiệm thêm chức danh Tổng phụ trách Đội TNTP, dù bận rộn nhưng cô Búp Pha không quản khó khăn vất vả, đều đặn đến lớp truyền lửa đam mê cho HS thân yêu của mình.

“Đoạn đường từ nhà đến trường gần 20km, vừa có quốc lộ, vừa có đường nông thôn, với nam giới là trở ngại nhưng với nữ càng khó khăn hơn. Những ngày nắng, ngày mưa đều vất vả nhưng nghĩ đến các em HS thân yêu tôi lại thấy vui, có động lực tiếp tục công việc của mình”, cô Búp Pha chia sẻ. 

Và các em học sinh.
Và các em học sinh.

Hết lòng vì học sinh nghèo 

Ngoài giảng dạy chuyên môn, được lãnh đạo nhà trường tin tưởng giao nhiệm vụ Tổng phụ trách Đội, cô Pha đã cố gắng hết mình với công việc này, tìm những hình thức sinh hoạt, những hoạt động thiết thực tạo sân chơi bổ ích cho các em theo phương châm “vừa học, vừa chơi”.

Do phần lớn HS là người dân tộc Khmer, gia đình khó khăn, việc duy trì sĩ số là vấn đề hết sức nan giải. Nhiều em luôn đối diện với nguy cơ bỏ bọc giữa chừng. Trước thực trạng đó, cô Búp Pha bàn với lãnh đạo nhà trường vận động các nhà hảo tâm, mạnh thường quân hỗ trợ vật chất giúp các em có điều kiện đến trường qua suất học bổng, phần quà thiết thực như sách vở, quần áo, dày dép. Vì vậy, nhiều năm liền tỉ lệ HS bỏ học, nghỉ học giữa chừng ở Trường Tiểu học Tuân Tức 2 giảm.

Thầy Thái Văn Thảo, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tuân Tức 2 cho biết: Cô Thạch Thị Búp Pha có năng lực chuyên môn vững vàng, tư cách đạo đức tốt, sống hòa đồng với mọi người, nhiệt tình trong công tác... Cô là người rất giàu tình yêu thương HS, nhất là những HS vùng sâu vùng xa, HS nghèo, có hoàn cảnh khó khăn. Nhiều em đã trở lại trường học đầy đủ sau khi được cô Búp Pha vận động, giúp đỡ quần áo, sách vở, học bổng.

Chính sự gần gũi của cô đã tạo được niềm tin để gia đình quan tâm hơn đến việc học hành của con em mình. Ngoài ra, cô Búp Pha cũng tích cực tự học để nâng cao trình độ chuyên môn, hiện nay cô đang học đại học sư phạm. Nhiều năm liền, cô Búp Pha luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, Liên đội TNTP của trường luôn đạt danh hiệu Liên đội Xuất sắc”.

Cô Thạch Thị Búp Pha là một trong những GV được tuyên dương trong chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2020. Chương trình do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phối hợp với Bộ GD&ĐT, Ủy ban Dân tộc, Tập đoàn Thiên Long thực hiện, nhằm vinh danh các thầy cô giáo đang trực tiếp giảng dạy tại những lớp học thuộc các trường mầm non, tiểu học, trung học ở vùng sâu, vùng xa…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa: ITN

Cách cảm thụ một câu thơ hay

GD&TĐ - Nhà thơ sáng tạo nên câu thơ hay bằng cách nào? Người đọc cảm thụ câu thơ hay cần chú ý những phương diện sáng tạo nghệ thuật nào của nhà thơ?