Mục tiêu, nhiệm vụ hoạt động xuyên suốt của công đoàn

GD&TĐ - Thực hiện nhiệm vụ của ngành trong năm học mới, Công đoàn GD Việt Nam hướng dẫn công đoàn cơ quan Bộ GD&ĐT, các đơn vị trực thuộc Công đoàn GD Việt Nam, Công đoàn GD các tỉnh, thành phố triển khai hoạt động công đoàn trong năm học 2018 - 2019.

Mục tiêu, nhiệm vụ hoạt động xuyên suốt của công đoàn

Đề cao danh dự, nhân phẩm, quyền, lợi ích của nhà giáo

Năm học 2018 - 2019 diễn ra trong bối cảnh toàn ngành thực hiện đổi mới. Điều này đồng nghĩa với việc tổ chức công đoàn cũng phải đổi mới toàn bộ hoạt động, lấy quyền lợi của đoàn viên là mục tiêu, nhiệm vụ hoạt động xuyên suốt trong năm học mới cũng như cả nhiệm kỳ.

Trong 5 trụ cột được Công đoàn GD Việt Nam thực hiện trong thời gian tới, chức năng đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của cán bộ nhà giáo, người lao động, bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín nhà giáo được xác định là mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm. Do vậy, ngay từ đầu năm học, Công đoàn GD Việt Nam yêu cầu Công đoàn GD đơn vị trực thuộc, Công đoàn GD các tỉnh, thành kiểm tra, giám sát việc thực hiện chế độ chính sách đối với cán bộ, nhà giáo, người lao động (CBNGNLĐ) về các vấn đề như tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp tại các đơn vị.

Bên cạnh đó, Công đoàn GD Việt Nam cũng yêu cầu Công đoàn các cấp chú ý các biện pháp đảm bảo an toàn, bảo vệ danh dự, nhân phẩm cho CBNGNLĐ trong các nhà trường. Thực hiện việc rà soát các nội dung hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc của CBNGNLĐ; Phát hiện những điều khoản bất cập, trái quy định để kiến nghị với người sử dụng lao động chỉnh sửa, bổ sung, đảm bảo đúng các quy định của pháp luật; Tổ chức tư vấn về hợp đồng lao động cho người lao động mới được tuyển.Tiến hành khảo sát điều kiện làm việc cụ thể của các đối tượng trong đơn vị; kiến nghị với chuyên môn đồng cấp quan tâm, chăm lo cải thiện điều kiện làm việc cho CBNGNLĐ…

Đổi mới hoạt động để đáp ứng nhu cầu đoàn viên

Năm học mới, toàn ngành Giáo dục tiếp tục tập trung thực hiện hoàn thành mục tiêu của Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, cùng với việc rà soát quy mô mạng lưới trường lớp, sắp xếp lại bộ máy, tăng cường tự chủ, tinh giản biên chế theo Nghị quyết Trung ương VI khóa XII. Thực trạng trên đặt ra yêu cầu đổi mới với tổ chức công đoàn ngành cũng như công đoàn cơ sở.

Theo Chủ tịch Công đoàn GD Việt Nam - TS Vũ Minh Đức, ngoài việc bồi dưỡng, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ công đoàn, Công đoàn GD Việt Nam sẽ có những cách làm mới. Thay vì chạy theo vụ việc như hiện nay, tổ chức công đoàn sẽ chú trọng hơn đến việc làm thế nào để các nhà giáo có kiến thưc về pháp luật để tự bảo vệ được mình; có kỹ năng đảm bảo việc làm lâu dài, nâng cao năng lực nghề nghiệp…; chuẩn bị cho người lao động khi đối mặt với việc tính giản biên chế…

Do vậy, ngoài việc bảo vệ danh dự, nhân phẩm, quyền và lợi ích hợp pháp, Công đoàn GD Việt Nam sẽ đặc biệt chú trọng đến các trụ cột tiếp theo là thực hành dân chủ trong trường học; Phát huy vai trò công đoàn trong môi trường tự chủ; Tham gia nâng cao kỹ năng, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức nhà giáo; xây dựng môi trường làm việc thân thiện, sáng tạo.

    - Tổ tư vấn pháp luật của Công đoàn GD Việt Nam luôn sẵn sàng lắng nghe, hỗ trợ, tư vấn CBNGNLĐ khi cần. 
- Xây dựng đội ngũ cộng tác viên tư vấn pháp luật cho công đoàn cơ sở ở những nơi có điều kiện. Xây dựng hoặc bổ sung, tăng cường tài liệu cho Tủ sách pháp luật tại các công đoàn cơ sở, đảm bảo mỗi công đoàn có 1 tủ sách pháp luật với những tài liệu cần thiết như: Hiến pháp, Bộ luật Lao động, Luật Công đoàn, Luật Dân sự, Luật GD, Bảo hiểm…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ