Lợi ích của doanh nghiệp khi đào tạo nghề

GD&TĐ - Trong 10 năm (2010 - 2019), đã có 9,6 triệu lao động nông thôn (LĐNT) được học nghề. Số người học nghề phi nông nghiệp chiếm 64%. Quá trình thực hiện cho thấy, gắn kết với doanh nghiệp để đào tạo nghề cho LĐNT là một vấn đề cần được cải thiện.

Một lớp đào tạo nghề công nghệ ô tô cho LĐNT ở Nghệ An
Một lớp đào tạo nghề công nghệ ô tô cho LĐNT ở Nghệ An

Thiếu lao động dù ít người học

Ông Đào Văn Tiến – Vụ trưởng Vụ Đào tạo Thường xuyên, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho biết, số LĐNT được doanh nghiệp tuyển dụng để đào tạo theo hình thức tập nghề và có việc sau đào tạo ngay tại doanh nghiệp rất lớn. Đặc biệt là các ngành thu hút nhiều lao động như: May mặc, điện tử, da giày… Tuy nhiên, đây là những ngành nghề có yếu tố độc hại và tuổi nghề không cao.

Không ít LĐNT tham gia vào nhóm việc làm này sau một thời gian khoảng 5 – 6 năm làm việc đã nghỉ làm và trở thành thất nghiệp. Đây là một vấn đề trong đào tạo lại. Dù vậy, nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước thuộc các lĩnh vực cơ khí chế tạo, hàn, cắt gọt kim loại, ô tô đang rất thiếu lao động, nhưng rất ít người đăng ký học.

Theo Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, việc đào tạo nghề nông nghiệp gặp khó khăn hơn so với nghề phi nông nghiệp. Cụ thể, việc xác định danh mục nghề đào tạo cho LĐNT, nhất là danh mục nghề nông nghiệp ở một số địa phương tuy đã được hướng dẫn rà soát hàng năm, tuy nhiên vẫn còn dàn trải, chưa xuất phát từ quy hoạch sản xuất nông nghiệp, quy hoạch xây dựng nông thôn mới và yêu cầu làm nông nghiệp tiên tiến hiện đại gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp dẫn đến hiệu quả sau học nghề không cao.

Cũng theo ông Đào Văn Tiến, học nghề phi nông nghiệp, LĐNT sẽ có việc làm ngay sau học nghề tại các vị trí mà doanh nghiệp cần tuyển dụng. Trong khi đào tạo nghề nông nghiệp thì khó khăn hơn, bởi việc lựa chọn nghề để đào tạo. Tại các vùng nông thôn, người dân đã rất quen thuộc với các nghề trồng lúa, cây ăn quả, và chăn nuôi gà, lợn… những kỹ thuật thông thường trong các lĩnh vực này họ vẫn làm được mà không cần học.

Theo tinh thần và mục tiêu của Đề án 1956, là đào tạo cho LĐNT để làm nông nghiệp tiên tiến hiện đại. Triển khai đào tạo cũng chỉ lựa chọn một số hộ nhất định, có đủ điều kiện để sản xuất theo hướng quy mô lớn, như vậy đào tạo nghề cho LĐNT mới hiệu quả.

Tìm giải pháp thu hút doanh nghiệp tham gia

Nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo nghề cho LĐNT trong cả hai lĩnh vực đào tạo nông nghiệp và phi nông nghiệp, việc gắn kết với doanh nghiệp luôn luôn là yếu tố quyết định. Thực hiện Đề án 1956 cũng đặt ra yêu cầu, chỉ tổ chức đào tạo khi xác định được nơi làm việc và mức thu nhập cho LĐNT. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng không mặn mà và ít quan tâm đến vấn đề này, dẫn đến sự kết nối lỏng lẻo, thậm chí gần như không có.

Theo Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, mặc dù đã có những quy định, định hướng tạo điều kiện kết nối sự tham gia của doanh nghiệp vào đào tạo nghề, song thực tế cho thấy đang còn một khoảng cách đáng kể khi doanh nghiệp chưa thực sự thấy được lợi ích của mình trong đó.

Thu hút doanh nghiệp tham gia đào tạo nghề cho LĐNT, trong đó cần xác định được nhu cầu nhân lực của doanh nghiệp thông qua sự liên kết, trao đổi thường xuyên, liên tục. Xây dựng quy trình khép kín trong đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực. Trong đó, tập trung đào tạo nghề theo vị trí làm việc trong doanh nghiệp, các khu công nghiệp, làng nghề, thu hút doanh nghiệp đầu tư về nông thôn, nông nghiệp; đào tạo nghề phát triển hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa, gắn với thực hiện “Chương trình mỗi xã một sản phẩm – Chương trình OCOP” và đào tạo nghề cho người đi làm việc ở nước ngoài.

Bộ LĐ-TB&XH cũng đang đề nghị xây dựng Nghị định quy định cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Theo đó, doanh nghiệp tham gia đào tạo sẽ được ưu đãi về các loại thuế, được giao đất, cho thuê đất, xây dựng cơ sở vật chất liên quan đến hoạt động giáo dục nghề nghiệp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Đối tượng Nguyễn Minh Trường thời điểm bị bắt giữ và tang vật.

Triệt phá 'lô cốt' ma túy

GD&TĐ - “Bà trùm” chia nhỏ ma túy, giao cho “chân rết” là những “quái xế” vận chuyển bằng xe máy với tốc độ cao nhằm hạn chế giám sát của lực lượng chức năng.