Lặng thầm hy sinh tuổi xuân

GD&TĐ - Điểm trường nóc Ông Ruộng - Trường TH Trà Vân (huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam) nằm heo hút, tách biệt giữa núi rừng. Để vào được điểm trường đứng chân dạy học, giáo viên nơi đây phải đánh cược cả mạng sống khi vượt hàng chục cây số đèo dốc hiểm trở, núi lở, mưa nguồn đầy bất trắc.

Điểm trường nóc Ông Ruộng nằm giữa thăm thẳm núi rừng
Điểm trường nóc Ông Ruộng nằm giữa thăm thẳm núi rừng

Vậy mà, từ thế hệ này đến thế hệ khác, bằng tình thương yêu học trò, nhiệt huyết của tuổi trẻ và cả khát vọng được cống hiến, những người thầy vẫn âm thầm vượt qua gian khổ, hiểm nguy “bám trường, bám lớp”, gieo chữ cho con em đồng bào dân tộc thiểu số giữa miền rừng núi sâu thẳm.

Không bỏ nghề vì HS quá nghèo

Sau một hành trình dài đầy gian khó, nóc Ông Ruộng đón chúng tôi bằng cơn mưa rừng xối xả. Vượt tiếp con đường dốc ngược mặt núi, điểm trường nóc Ông Ruộng hiện ra sau làn mưa trắng. Vào thăm các lớp học, thấy người lạ, lũ trẻ ngơ ngác, nép vào vai nhau. Những cô bé, cậu bé dân tộc Xê Đăng mặt mũi nhem nhuốc, đôi chân đen nhẻm, không giầy, không dép ngồi co ro trong làn gió lạnh.

Trước khi vào tới đây, chúng tôi được thầy Hiệu trưởng Hồ Văn Hạnh cho hay, điểm trường lẻ nóc Ông Ruộng nằm giáp với xã Sơn Bua (tỉnh Quảng Ngãi). Năm học 2018 - 2019, điểm trường có 3 lớp với 37 HS, trong đó lớp 1 có 15 em, lớp 2 có 10 em và lớp 3 có 12 HS. Các phòng học đều được làm bằng gỗ đang trên đà xuống cấp. Còn căn phòng ở tạm dùng chung cho 3 giáo viên nay cũng ọp ẹp, xuống cấp.

Cả 3 giáo viên đứng chân dạy học nơi đây đều ở dưới xuôi. Người ít thâm niên cũng đã được 4 năm, còn người lâu cũng đến chừng hơn 20 năm. Mỗi người mỗi quê, mỗi hoàn cảnh nhưng đến với nghề giáo, với vùng cao bằng tấm lòng yêu trẻ, khát vọng được cống hiến sức mình cho sự nghiệp giáo dục vùng khó.

Trò chuyện với chúng tôi, cô giáo Nguyễn Thị Hồng Thủy – phụ trách giảng dạy lớp 3, chia sẻ: Sau khi tốt nghiệp Trường ĐH Quảng Nam, cô tình nguyện lên huyện miền núi Nam Trà My công tác. Về Trường TH Trà Vân dạy học, cô được phân công về các điểm trường. Trong suốt 6 năm gắn bó với giáo dục miền núi Nam Trà My, thì cũng chừng đó thời gian cô lăn lộn hầu khắp các điểm trường lẻ.

Cô giáo Nguyễn Thị Hồng Thủy ân cần chỉ dạy HS trong buổi học phụ đạo
  • Cô giáo Nguyễn Thị Hồng Thủy ân cần chỉ dạy HS trong buổi học phụ đạo

“Buổi đầu đến với các điểm trường dạy học, vượt hàng chục km đường đèo núi hiểm trở, khi đến nơi nhìn thấy điểm trường, cảnh sống của người dân mà rớt nước mắt, tôi chỉ muốn quay trở về ngay. Khó khăn nhất vẫn là nguồn nước sinh hoạt và điện chiếu sáng bữa có, bữa không vì sử dụng nhờ nhà dân.

Nhưng nghĩ lại, nếu ai cũng muốn dạy học ở những điểm trường thuận lợi thì lấy ai nuôi dạy các cháu ở đây? Điều đó đã níu giữ chân tôi ở lại với trường, với lớp. Ngày ngày gắn bó với người dân, con em HS nghèo khó nơi đây, như càng thôi thúc bản thân tôi cố gắng nỗ lực hơn nữa trong công tác chăm sóc, giảng dạy, nhằm mong muốn sẽ bù đắp một phần thiệt thòi cho các em HS”, cô Thủy xúc động nói.

Có gần 20 năm gắn bó với giáo dục huyện miền núi Nam Trà My, thầy Lưu Văn Hóa – phụ trách lớp 2, tâm sự: Một khi xác định tâm thế đến với vùng sâu, vùng xa dạy học, điều quan trọng của người giáo viên như chúng tôi là phải mang hết cái tâm, cái đức của mình truyền đạt cho học trò. Xem các cháu như con em ruột thịt của mình. Ngoài dạy học trên lớp, người giáo viên phải biết sống gần gũi với dân, với HS để nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của bà con, chia sẻ khó khăn, gian khổ với họ. Như thế, đồng bào mới tin thầy giáo, mới cho con đi học cái chữ.

Gieo con chữ, xóa đói nghèo, lạc hậu

Ở đây, người Xê Đăng có tập tục, hễ nhà nào có người ốm, bà con đều phải làm lễ cúng. Lễ cúng không chỉ tổ chức khi bị ốm đau, mà còn diễn ra sau khi người ốm lành bệnh. HS sau khi lành bệnh phải được gia đình cho phép mới trở lại trường học tập. Chính vì những hủ tục đó mà công việc của người giáo viên vốn đã khó khăn, càng thêm gian nan hơn. Ngày ngày, ngoài việc chăm lo công tác chuyên môn, chăm chút dạy bảo HS, họ còn là những tuyên truyền viên tích cực trong cuộc chiến với đói nghèo, lạc hậu, góp sức xây dựng đời sống văn hóa mới cho bà con dân bản.

Nói như vậy để thấy rằng, ngoài điều kiện đi lại hết sức khó khăn, những giáo viên nơi đây có cuộc sống không chỉ thiếu thốn về vật chất lẫn tinh thần, mà còn đối diện với những tục lệ hết sức xa lạ và lạc hậu. Điều đó đã ảnh hưởng không nhỏ đến sinh hoạt hằng ngày, cũng như việc tổ chức dạy học tại điểm trường nóc Ông Ruộng. Ấy vậy mà tình cảm của giáo viên dành cho HS, với sự nghiệp giáo dục vẫn luôn đong đầy.

Cơ sở vật chất của điểm trường còn rất thiếu thốn với nhà vách gỗ lợp mái tôn
  • Cơ sở vật chất của điểm trường còn rất thiếu thốn với nhà vách gỗ lợp mái tôn

Hơn 4 năm gắn bó với giáo dục huyện Nam Trà My, cô giáo trẻ Trà Thị Thu Hiền vừa mới lập gia đình gần 2 năm. Ước mong sớm có đứa con, cứ kéo dài theo cùng năm tháng bởi những cách trở ngược xuôi. Giấu nỗi buồn vào trong, cô ngày ngày nỗ lực “bám bản, bám trường” dạy học.

Nói về chuyện nghề, cô Hiền bày tỏ: “Có lẽ, ban đầu trong suy nghĩ của tôi cũng như nhiều thầy cô giáo khác khi đến với địa bàn vùng sâu, vùng xa dạy học vì cần có một công việc để mưu sinh. Nhưng rồi, ngày qua ngày, tháng qua tháng, năm qua năm, khi càng gắn bó với mảnh đất này, đối mặt với bao gian khó, hiểm nguy, trực tiếp giảng dạy những HS khốn khó, thấm hiểu những nỗi vất vả, thiệt thòi của con em, đồng bào dân tộc nơi đây… trong tôi đã nảy nở tình yêu thương thật sự. Vùng đất xa lạ năm nào, bỗng hóa thành quê hương tự lúc nào mà tôi không hay biết!”.

Dẫu biết rằng, cuộc sống của những người giáo viên “cắm bản” ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở đâu cũng khó khăn, thiếu thốn. Nhưng có đến trực tiếp điểm trường nóc Ông Ruộng được lắng nghe những lời tâm sự của những người giáo viên nơi đây, chúng tôi thực sự khâm phục ý chí cũng như tấm lòng của họ. Cho dù, sống trong điều kiện vật chất vô cùng khó khăn nhưng ngọn lửa yêu nghề vẫn không hề vơi đi, tâm hồn họ vẫn vẹn nguyên tấm lòng yêu trẻ, nặng lòng với sự nghiệp giáo dục vùng khó.

Nói như thầy giáo Võ Đăng Thuận – Trưởng phòng GD&ĐT huyện Nam Trà My, con đường phát triển của giáo dục huyện miền núi Nam Trà My là hành trình của cuộc chiến đấu với “giặc dốt” của bao thế hệ đội ngũ cán bộ, giáo viên. Là cuộc trường chinh của những thầy cô giáo từ miền xuôi mang ánh sáng văn hóa đến với tất cả các bản làng xa xôi ở tận cùng miền núi phía Tây tỉnh Quảng Nam. Những thành quả của ngành GD-ĐT huyện miền núi Nam Trà My hôm nay có thể đong đếm được, nhưng sự hy sinh thầm lặng vượt qua bao hiểm nguy, gian khổ, cống hiến cả tuổi thanh xuân của các thế hệ cán bộ, giáo viên thì không thể đong đếm hết được.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Quảng bá di sản

GD&TĐ - Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, đã được hơn 10 năm (6/12/2012).