Làm gì để “vực dậy” chất lượng dạy, học ngoại ngữ ?

GD&TĐ -Trong quá trình triển khai Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân (giai đoạn 2008 - 2020), một số địa phương, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa gặp khó khăn về trình độ đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất phục vụ cho dạy - học ngoại ngữ cũng như môi trường giao tiếp ngoại ngữ hạn chế khiến chất lượng đào tạo chưa cao.

Học sinh và giáo viên hào hứng bắt đầu tiết học chương trình tiếng Anh tương tác “i-Learn Smart Start”
Học sinh và giáo viên hào hứng bắt đầu tiết học chương trình tiếng Anh tương tác “i-Learn Smart Start”

Thiếu hụt GV tiếng Anh
Thực tế hiện nay, định mức biên chế tiểu học vẫn chỉ là 1,5 giáo viên/lớp như trước đây, cho nên không thể tuyển tăng định mức giáo viên ngoại ngữ. Như tỉnh Bến Tre vẫn còn thiếu hơn 100 giáo viên ngoại ngữ tiểu học.

Còn tại quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ chỉ có 24 giáo viên tiếng Anh/23 trường tiểu học. Nguyên nhân thiếu giáo viên được lãnh đạo Phòng giáo dục xác định là suốt 2 năm qua không tăng biên chế giáo viên tiểu học trên địa bàn.

“Do thiếu giáo viên nên cấp tiểu học chỉ triển khai học tiếng Anh từ lớp 3 đến lớp 5. Còn cấp THCS hiện gặp nhiều khó khăn do thiếu trang thiết bị và phòng học tiếng Anh”, ông Nguyễn Văn Liếng - Phó Phòng GD&ĐT huyện Vĩnh Thạnh, cho biết.

Bên cạnh đó, một số địa phương vẫn còn khó khăn do thiếu giáo viên đạt chuẩn theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc đồng thời điều kiện về môi trường ứng dụng ngoại ngữ hạn chế… Do đó, nhiều mục tiêu trong đề án không đạt được, chất lượng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên vẫn chưa đạt yêu cầu.

Theo ông Trần Thanh Văn - Phó trưởng Phòng GD&ĐT huyện Đầm Dơi, Cà Mau: Đội ngũ giáo viên tiếng Anh tham gia giảng dạy ngoại ngữ hệ thống trường tiểu học trong huyện còn ít. Do vậy phải hợp đồng giáo viên bậc THCS và xin chủ trương tuyển giáo viên theo hình thức hợp đồng. Khó nhất là nhân lực đào tạo đảm bảo chuẩn theo Thông tư 01 hiện nay chưa đáp ứng yêu cầu, thiếu giáo viên tiếng Anh tiểu học.

Là một trong những địa phương triển khai có hiệu quả Đề án ngoại ngữ 2020, ông Nguyễn Văn Huấn - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Bến Tre, chia sẻ kinh nghiệm: Một trong những nội dung quan trọng là chọn lựa đối tác đào tạo, bồi dưỡng cho giáo viên có năng lực, uy tín, chất lượng.

Sử dụng các chứng chỉ quốc tế để đánh giá chuẩn năng lực giáo viên nhằm bảo đảm chất lượng bồi dưỡng nâng chuẩn; khuyến khích giáo viên tự bồi dưỡng, sớm đáp ứng chuẩn năng lực giáo viên theo yêu cầu của lộ trình Đề án ngoại ngữ 2020 đề ra…

“Giáo viên, đặc biệt là giáo viên ngoại ngữ không thể nâng chuẩn trong thời gian ngắn. Vì vậy nên cần thiết phải kết hợp 2 hình thức bồi dưỡng: Tăng cường tự học dưới hình thức online, sau đó học tập trung trong dịp hè…

Để gỡ khó vấn đề thiếu giáo viên, cần xây dựng thông tư về định mức biên chế cán bộ quản lý, giáo viên ở các trường phổ thông công lập (thay thế Thông tư liên tịch số 35 giữa Bộ GD&ĐT và Bộ Nội vụ). Trong đó nâng tỷ lệ giáo viên/lớp ở tiểu học mới có thể định mức cho giáo viên dạy ngoại ngữ, tin học ở cấp tiểu học...”, ông Huấn, kiến nghị.

Cần phát huy nguồn lực xã hội

Để hướng tới một sự đột phá, đạt được mục tiêu như Đề án 2020 đề ra, ngành giáo dục cần một cú hích, cần một tác động tổng thể, mang tính hệ thống, nhằm phát huy tốt nhất tiềm năng học tập ngoại ngữ của học viên. 

Có nghĩa là thầy trò chủ động trong việc thay đổi hành vi và phương pháp giảng dạy và học tập. Song song đó là khung chương trình, giáo trình, tài liệu, phần mềm hỗ trợ, giáo cụ và phương pháp giảng dạy cần định hướng lấy việc giao tiếp là trung tâm.

Để làm được việc này, không chỉ ngành Giáo dục mà phải có sự tham gia của xã hội, đặc biệt là sự tham gia của doanh nghiệp. Sự phối hợp giữa ngành giáo dục và các doanh nghiệp sẽ là “chìa khóa” nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ.

Hiện nay, trên toàn quốc, có rất nhiều những doanh nghiệp cung cấp các giải pháp giảng dạy và học tập tiếng Anh rất tốt, không ít các doanh nghiệp rất tâm huyết và kiên định, vượt qua rất nhiều thách thức với mong mỏi góp phần đóng góp vào việc phát triển tiếng Anh, nâng cao trình độ tiếng Anh cho học sinh, sinh viên và cả giáo viên tại Việt Nam.

Có doanh nghiệp đã đạt được những thành tựu nhất định và đóng góp cụ thể cho nền giáo dục Việt Nam, đặc biệt ở nhiều cấp học khác nhau.

Ở bậc học phổ thông, sự hướng dẫn, tham gia của thầy cô giáo vẫn là một trong những yếu tố quan trọng trong việc truyền tải kiến thức, thúc đẩy sự tự tin và năng lực cá nhân học viên.

Nhận diện được tầm quan trọng của vấn đề, trong nhiều năm trở lại đây, các trường học ở bậc phổ thông, các trung tâm ngoại ngữ vẫn tìm kiếm những giải pháp, phương pháp giảng dạy đồng bộ, được chuẩn hóa nhằm phát triển toàn diện khả năng học tập và tiếp cận ngôn ngữ của học viên…

Hoạt động Đào tạo giáo viên tiếng Anh cho nhiều địa phương Tập đoàn Giáo dục Đại Trường Phát
Hoạt động Đào tạo giáo viên tiếng Anh cho nhiều địa phương Tập đoàn Giáo dục Đại Trường Phát 

Năm học 2016 - 2017 là năm thứ 2 ngành giáo dục tỉnh Đồng Nai tiếp tục thực hiện Chương trình tiếng Anh “i-Learn My Phonics” dành cho học sinh lớp 1 và lớp 2 ở một số trường bậc tiểu học. Đây là chương trình học tiếng Anh quan trọng giúp học sinh tiếp cận nền tảng kiến thức tiếng Anh thật tốt để tiếp tục học tập môn học này và định hướng phát triển nghề nghiệp trong tương lai.

Chương trình tiếng Anh “i-Learn My Phonics” do Công ty cổ phần giáo dục Đại Trường Phát triển khai tại Đồng Nai theo hình thức xã hội hóa giáo dục, được ngành giáo dục cho phép triển khai giảng dạy cho học sinh lớp 1 và lớp 2.

Chương trình được thiết kế theo phương pháp hiện đại, bao gồm các hoạt động trò chơi, kể chuyện và các bài hát vui nhộn giúp học sinh dễ ghi nhớ và thích thú với việc học tiếng Anh; học sinh luyện phát âm đúng, nhận diện và viết đúng các chữ cái từ tiếng Anh, phát triển 4 kỹ năng nghe - nói - đọc - viết.

Theo cô Đào Thị Lý - Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tân Mai 2, TP Biên Hòa, Đồng Nai): Lúc đầu khi triển khai chương trình học tiếng Anh “i-Learn My Phonics”,  vẫn có một vài ý kiến phụ huynh cho rằng học sinh còn nhỏ chưa phù hợp việc học Anh văn, nhưng sau một học kỳ tất cả phụ huynh đều đồng thuận về chương trình này.

Chương trình học, giáo trình phù hợp với các em, những bài học đều có hình ảnh minh hoạ phong phú, vui nhộn.

Xây dựng và triển khai các chương trình dạy và học ngoại ngữ cho một số môn khoa học tự nhiên như Toán, Vật lý, Hóa học là một trong những nhiệm vụ được nêu rõ trong Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020.

Đồng hành cùng với chủ trương này, Tập đoàn Giáo dục Đại Trường Phát đã và đang phối hợp với nhiều trường quốc tế và song ngữ trên toàn quốc, góp phần nâng cao hiệu quả triển khai định hướng nêu trên ở nhiều phạm vi khác nhau thông qua những cuộc hội thảo.

Những hội thảo với các chủ đề thiết thực với các giảng viên là những chuyên gia kỳ cựu, nhiều kinh nghiệm đến từ các NXB quốc tế đã thu hút các giáo viên đến từ nhiều trường quốc tế, song ngữ, từ nhiều địa phương như TPHCM, Cần Thơ, Đồng Nai đã tham dự.

Với những phương pháp giảng dạy là sự kết hợp giữa lý thuyết trên giáo trình và những bài học thực hành thực tế, sự kết hợp giữa các nhóm thành viên, hội thảo mang lại cho giáo viên những kinh nghiệm thực tế, thu hút và có thể áp dụng ngay vào công tác giảng dạy hàng ngày.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ