Ký ức tuổi thơ đi học ấm áp, nhân văn

GD&TĐ - Ai cũng có ký ức tuổi thơ, nhưng ký ức tuổi thơ đi học thì phải bút mực, cắp sách đến trường mới có. Có, rồi viết ra được với nỗi xúc động da diết, dào dạt khiến bạn đọc đồng cảm chia sẻ thì không phải ai cũng làm được. 

Ký ức tuổi thơ đi học ấm áp, nhân văn
 Nhà văn Sương Nguyệt Minh

Tôi đọc các tác phẩm dự thi “Ký ức thời đi học” trên báo Giáo dục và Thời đại trong niềm vui đón đợi, hứng khởi và rưng rưng..., 

Cái cảm giác được sống lại tuổi thiếu thời buồn vui lẫn lộn không dứt, nhưng lý trí nhà văn lại mách bảo tôi rằng phải vượt qua tình cảm “yếu mềm” để nhận ra vẻ đẹp thật sự của ký ức thời đi học ẩn khuất dưới làn sương kỉ niệm.

Tác phẩm “Tờ quyết định đặc biệt” (Mã số 19) không chỉ là kỷ niệm của cậu học trò trong một lần bị tuột quai dép, liền bỏ đấy tiếp tục chỉ huy duyệt nghi thức đội, rồi mất dép, và bỏ học vì liên đội trưởng mà đi chân trần đến lớp là vi phạm nội quy. 

Một tờ quyết định đặc biệt do thầy hiệu phó viết tay, ký, đóng dấu đỏ cho phép cậu học trò được đi chân trần đến lớp... là quyết định độc đáo, thay đổi thân phận một con người. Học hành dở dang, nửa đường đứt gánh, hay tiếp tục đến lớp là bài toán khó... tìm lời giải cho cậu bé hoặc ở làng làm người nông dân hoặc được chắp cánh bay tới chân trời mới. 

Chưa hết, thầy còn rất tinh tế, thay vì cho học trò đôi dép sẽ làm cậu bé tổn thương, không nhận..., thì thầy giúp trò học may để sau đó một tháng, đôi chân trần có dép mua bằng sức lao động của mình... đến lớp như là sự nâng đỡ, tiếp thêm nghị lực, mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc.

“Tờ báo tường đoạt giải nhất” (Mã số 97) lại hay ở tính triết lý con người không mấy ai hoàn hảo, phải phát huy sức mạnh tổng hợp, sử dụng tài năng và hạn chế khiếm khuyết vào công việc như thế nào cho hợp lý. 

Câu chuyện triết lý nhân sinh thời hiện đại lồng trong câu chuyện ngụ ngôn xưa mang tính giáo dục thiết thực, mà không hề khiên cưỡng vì được thể hiện bằng một giọng kể có duyên, chân thật.

“Ánh đèn khuya” (Mã số 90) cũng là ánh sáng tâm hồn người cha tóc bạc không còn nhu cầu học nữa, cũng đêm đêm ông mang Pháp văn ra học lại, để thức cùng, học cùng đứa con đang cuối mùa thi. 

Ánh đèn khuya soi rọi tri thức, chở nặng tình cảm để tiếp sức, bao bọc, nâng đỡ bước chân non trẻ bước vào đời. Vượt qua kỉ niệm cha con thời đi học, “Ánh đèn khuya” còn mang ý nghĩa bồi dưỡng, chăm sóc thế hệ sau.

“Bài văn viết dưới mái nhà dột” (Mã số 50) xúc động bởi sự hi sinh của người mẹ nghèo “đứng giữ tấm liếp thay cho cái chống cửa vừa bị gió thổi bay, rơi ở ngoài sân” để lấy ánh sáng cho đứa con học bài. 

Người mẹ giữ liếp trong mưa rét dường như đã trở thành hình ảnh nghệ thuật ám ảnh đi suốt tuổi thơ, và làm giàu tâm hồn cô bé. Sự thành đạt của con người tích hợp từ lao động quá khứ và cả những kỉ niệm tuổi thơ đi học xúc động như thế.

Có một ký ức xao xuyến thời tuổi xanh “nằm trang trọng trong một góc nhỏ trái tim” người đi học ấy là “Hộp nhạc”... Đám con trai thả tiền chơi “trên cơ” để được nghe trước những bản nhạc của Schubert, Mozart... trong nỗi giận buồn vu vơ của đám con gái học trò. 

Để rồi, một ngày không có tên, các nàng cảm thấy trống vắng, hẫng hụt, không thấy “bọn họ” đến quán nghe nhạc nữa; hóa ra họ đã bắt đi quân dịch hết. Không bao giờ gặp nhau nữa, nhưng kỉ niệm thời đi học ấy trở thành tài sản tinh thần làm giàu có đời sống tâm hồn, khiến con người sống tốt hơn, đẹp hơn.

Thành ngữ “Nhất quỷ nhì ma thứ ba... học trò” hiển hiện rõ nét nhất trong tác phẩm “Bác bảo vệ già và cái lỗ thủng hàng rào” (Mã số 153). Nhưng trò chui rào, phá phách, nổi loạn... thì thời nào cũng có và thuộc về những học trò dầy cá tính hành động mạnh. Cũng chui rào, học trò cũng tếu táo nói xấu sau lưng, rồi bị bắt quả tang đến hai lần,... sau đó là ân hận, sám hối. 

Tình yêu thương nhân hậu của bác bảo vệ già như trận mưa rào đầu mùa làm mát mẻ, làm mềm mại những tính cách học trò nổi loạn, ương bướng, khô cứng. Thời gian dài đã úa vàng, nhưng yêu thương đã cứu rỗi lỗi lầm.

Có người con gái nào lớn lên không muốn dựa vào bờ vai rắn chắc của người cha? “Nín đi con, có bố đây rồi” (Mã số 194) như một trụ vững, một cột cái trong nhà chở che cho những con chim ra ràng lớn lên và từ đó bay xa. 

Người cha, cứ 5 giờ sáng xách đèn chai đưa con gái sợ ma đi học qua cánh đồng, đi hết nửa đường vừa lúc trời sáng, chờ con đi tiếp rồi mới quay về nhà... là hình ảnh rất đẹp. Cô bé học trò đã bước đi bằng những bước chân của người cha, để rồi đi xa cũng từ bước chân người cha...

Không thể kể hết các câu chuyện thời tuổi thơ đi học đẹp như ánh vàng lấp lánh của những tác giả khác trong bài viết ngắn này, đó là điều rất đáng tiếc; dù tôi đã đọc hết 32 tác phẩm dự thi vào Chung khảo. 

Cảm nhận rất rõ nét khiến lòng tôi da diết và tin yêu thêm người Việt, ấy là tinh thần ham học, hiếu học, tìm mọi cách, làm mọi điều, đổ mồ hôi, nước mắt, thậm chí hi sinh cả tính mạng cho con em, cho học trò để đi hết... đường học của người Việt Nam. 

Đọc các tác phẩm dự thi, tôi cũng nhận ra nhiều giọng kể, thuộc nhiều lứa tuổi, nhiều vùng đất, ở các thời kì thăng trầm khác nhau của nền giáo dục quốc gia, nhưng tác giả nào cũng trĩu nặng hồi ức, thao thức; 

Kỉ niệm có thể chạm nhẹ là nỗi buồn lan tỏa, kí ức có thể hằn sâu vì làm thay đổi thân phận con người; nhưng cảm xúc chung là không u ám, nặng nề, người viết luôn hướng đến ý nghĩa nhân văn, hoặc chạm đến bài học giáo dục, hoặc chỉ đơn giản là như tiếng thì thầm chia sẻ một câu chuyện ám ảnh, không quên thời tuổi thơ đi học.

Danh sách tác phẩm -tác giả đoạt giải thưởng trong cuộc thi“ Ký ức thời đi học”:

1. 01 Giải Nhất

Tác phẩm Tờ quyết định đặc biệt của tác giả Đỗ Phú Thọ, Báo Quân đội nhân dân.

2. 02 Giải Nhì

- Tác phẩm Tờ báo tường đoạt giải nhất của tác giả Nguyễn Trí Hiếu, huyện Gia Lâm, Hà Nội.

- Tác phẩm Ánh đèn khuya của tác giả Nguyễn An Cư, thành phố Bến Tre, tỉnh Bến Tre.

3. 05 Giải Ba

- Tác phẩm Hộp nhạc của tác giả Nguyễn Thị Ngọc Hà, phường 9, quận 3, thành phố Hồ Chí Minh.

- Tác phẩm Bài văn viết dưới mái nhà dột của tác giả Nguyễn Thị Diệp, Trường THCS Di Trạch, huyện Hoài Đức, Hà Nội.

- Tác phẩm Bác bảo vệ và cái lỗ thủng hàng rào của tác giả Nguyễn Minh Tư, Trường ĐHSP Thể dục thể thao Hà Nội.

- Tác phẩm Bố...và mùa thi của tác giả Đinh Quang Hoạch, Cục X13, Tổng cục III, Bộ Công an.

- Tác phẩm Nín đi con, có bố đây rồi của tác giả Nguyễn Thị Tươi, Trường ĐH Quy Nhơn.

Giải thưởng gồm Giấy chứng nhận của Báo Giáo dục & Thời đại, kèm theo tiền thưởng mỗi giải là:

Giải Nhất: 10.000.000 đồng (Mười triệu đồng).

Giải Nhì: 4.000.000 đồng (Bốn triệu đồng).

Giải Ba: 3.000.000 đồng (Ba triệu đồng)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

U23 Việt Nam được AFC ngợi khen sau chiến thắng ấn tượng trước Kuwait.

AFC khen ngợi tuyển U23 Việt Nam

GD&TĐ - Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) đăng tải bài viết nhận xét về kết quả màn so tài giữa U23 Việt Nam và U23 Kuwait.