Ký ức không chỉ của một thời - một đời...

GD&TĐ - Hiểu và nhớ về quá khứ để chúng ta sống tốt hơn với hiện tại, tương lai. Cho tới nay, cuộc thi “Ký ức thời đi học” đã đi hết chặng đường. Tòa soạn đã nhận được hơn 9.000 bài gửi tới dự thi. Những tác phẩm có chất lượng cao  đã được chọn vào chung khảo.

Một số bài dự thi.
Một số bài dự thi.

So với cuộc thi trước đây viết về “Cô giáo của tôi”, cuộc thi này  có độ mở hơn về thời gian, nhân vật và những sự kiện. Khi ký ức được mở ra, và cảm xúc trào dâng, các tác giả đã đưa người đọc vào thế giới của dĩ vãng ngọt ngào, gian nan, ký ức của một thời đèn sách với biết bao kỷ niệm, âu lo, mà sự giới hạn của đề tài  không chỉ là nhà trường, thầy cô-mà đề tài còn được mở bởi những người thân trong gia đình, hay những người bạn thưở ấu thơ. 

Nhìn chung, câu chuyện các bạn kể đều là những câu chuyện xúc động. Xúc động bởi tình thầy cô, tình bạn bè thân thiết. Và hơn hết dấu ấn về gia đình, những người mẹ, người cha… đã để lại cho các tác giả những ấn tượng và cảm xúc không phai mờ.

Cuộc thi lần này đã thu hút các tác giả ở lứa tuổi xưa nay hiếm. Có cụ đã đi qua chiến tranh, nhớ về lớp bình dân học vụ của mình với sự chan chứa tình người. 

Trong tiếng bom rơi, đạn nổ - có những người bạn ra đi chiến đấu và vĩnh viễn nằm lại đất mẹ, để lại thương nhớ khôn nguôi cho người ở lại.

Tác giả Nguyễn Văn Ninh, ngoài 70 tuổi đã gửi tới BBT hơn 10 bài dự thi. Ông tâm đắc với cuộc thi này, bởi nhờ cuộc thi, ông đã thực sự được kể và viết về quá khứ một thời gian khổ khó khăn trong chiến tranh với cảm xúc da diết, thương nhớ khôn nguôi. 

Ông viết về những người bạn vong niên, lụi cụi đi tìm nhân chứng cho câu chuyện xúc động thời thơ ấu của mình. Các bài viết đã cho thấy thế hệ  thơ ấu và tuổi trẻ ngày trước sống cuộc sống gian khổ và hào hùng như thế nào.

Bằng nét chữ viết tay đều tăm tắp, cụ Xuyên Huyền, 78 tuổi, nguyên cán bộ giáo dục nghỉ hưu ở Ninh Bình đã chia sẻ một thời bom rơi đạn nổ của ký ức ấu thơ xa xăm. Rất tiếc, ký ức chân thực và xúc động trong bài viết của cụ - vì thời gian, chúng tôi đã không kịp sử dụng bài dự thi trên báo.

Nhiều  tác giả vừa qua tuổi học trò hoa phượng, gửi đến tòa soạn nỗi nhớ man mác về một ánh mắt đắm say tuổi học trò mà các bạn đã mang theo suốt cuộc đời mình. 

Nỗi nhớ ấy, giờ chỉ còn gửi vào gió và những trang viết dằn vặt muộn mằn. Cũng có tác giả, trăn trở về nghề sư phạm, trong câu chuyện ẩn hiện những nỗi niềm canh cánh với buồn, vui một thuở…

Mỗi câu chuyện, mỗi trang ký ức là một thông điệp của quá khứ, của cuộc sống. Triết lý qua mỗi câu chuyện đều là triết lý về cái đẹp, cái thiện và sự nhân văn thông qua nỗi nhớ và tâm trạng vui buồn của mỗi con người.

“Ngày hôm qua đã là quá khứ, ngày mai là một điều bí ẩn, Còn hôm nay là một món quà.   Đó là lí do vì sao mà nó được gọi là hiện tại”.  Tuy nhiên, quá khứ nếu chúng ta quên đi,  hành  trang đi về phía trước sẽ thiếu vắng rất nhiều giá trị về đạo đức, lẽ sống, nhân sinh...

Các tác phẩm đoạt giải vì thế không chỉ là câu chuyện của một thời, một người mà của là câu chuyện của một đời, nhiều thời.

Cuộc thi có ý nghĩa nhân văn và sức lan tỏa đặc biệt trong cộng đồng

Cuộc thi viết “ Ký ức thời đi học” do báo Giáo dục và Thời đại tổ chức là một cuộc thi rất hay và có ý nghĩa. Ai cũng một thời được cắp sách tới trường và những ký ức thời đi học bao giờ cũng là những kỷ niệm đẹp, hồn nhiên và lắng đọng nhất. 

Cuộc thi chính là nơi để chúng ta làm sống lại những những kỷ niệm buồn vui dưới mái trường thân yêu, nơi có bạn bè hồn nhiên ngây thơ với các trò chơi tinh nghịch, có các thầy cô miệt mài, dạy dỗ chúng ta nên người.

Từ những cảm xúc đó, chúng ta thấy có trách nhiệm hơn bằng việc tạo dựng một môi trường giáo dục tốt nhất cho các thế hệ con em chúng ta, có trách nhiệm hơn trong việc giáo dục truyền thống uống nước nhớ nguồn, tôn sư trọng đạo cho các em. 

Với nhận thức đó, Trường Trung cấp Dược Hà Nội đã tài trợ cho cuộc thi với hy vọng ý nghĩa nhân văn của nó sẽ có sức lan tỏa mạnh trong xã hội.  

Việc tổ chức cuộc thi của Báo là một việc làm rất có ý nghĩa. Nó đặc biệt có ý nghĩa hơn trong bối cảnh chúng ta đang tiến hành đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo theo tinh thần Nghị quyết 29. 

Việc đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo có thành công hay không, theo tôi nghĩ, phụ thuộc rất nhiều vào thái độ, tinh thần trách nhiệm của toàn dân, toàn hệ thống chính trị và dựa trên nền tảng của các giá trị truyền thống văn hóa.

Chủ đề cuộc thi có nội hàm rộng, gần gũi với tất cả các giai tầng trong xã hội nên đã có rất nhiều độc giả của Báo tham gia.  Với ý nghĩa và xúc cảm đặc biệt khi tham gia cuộc thi, độc giả sẽ có một thái độ thân thiện hơn, trách nhiệm hơn với sự nghiệp giáo dục và đào tạo của nước nhà.

TS NGUYỄN QUANG MINH - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Trường Trung cấp Dược Hà Nội, Đơn vị tài trợ cuộc thi

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Giáo viên Trường THCS Thụy Liên (Thái Thụy, Thái Bình) trong giờ dạy môn Khoa học tự nhiên.

Giúp dạy học hiệu quả môn tích hợp

GD&TĐ - Sau 3 năm triển khai, các nhà trường đã rút ra những kinh nghiệm để triển khai dạy học hiệu quả môn tích hợp, nhất là môn Khoa học tự nhiên.
Minh họa/INT

Bóng ma hạt nhân ở Trung Đông

GD&TĐ - Tình hình Trung Đông đã đột ngột căng thẳng kể từ đêm 13/4 rạng sáng 14/4 khi Iran lần đầu tiên trong lịch sử thực hiện một cuộc không kích quy mô lớn.