Ký ức dạy tiếng Việt trên đất Campuchia

Ký ức dạy tiếng Việt trên đất Campuchia

Dạy tiếng Việt tạo nền tảng ngôn ngữ cho các SV Campuchia tiếp thu những môn khoa học kỹ thuật của giảng viên Việt Nam là một nhiệm vụ cấp bách lúc bấy giờ.

Lúc ấy, lực lượng cán bộ sang Campuchia dạy tiếng Việt phần lớn là giảng viên (GV) đến từ các trường: ĐH Tổng hợp Hà Nội, ĐH Tổng hợp TPHCM (nay là Trường ĐH KHXH&NV), ĐH Sư phạm Hà Nội... Một số GV ngày đó mới tốt nghiệp ĐH được giữ lại trường để hình thành tổ tiếng Việt trong khoa Ngữ văn, đã hăng hái nhận nhiệm vụ sang giúp nước bạn.

Cô Minh Hằng (phải) chia tay các SV trước ngày về nước. Ảnh: NVCC
 Cô Minh Hằng (phải) chia tay các SV trước ngày về nước. Ảnh: NVCC

Ký ức khó phai

Đã hơn 30 năm kể từ chuyến xuất ngoại đầu tiên sang Campuchia giảng dạy tiếng Việt, nhưng hình ảnh về con người, đất nước chùa Tháp vẫn còn in đậm trong tâm trí TS Lê Thị Minh Hằng - GV tiếng Việt, Khoa Việt Nam học thuộc Trường ĐH KHXH&NV TPHCM.

Ngày ấy, cô Hằng vừa mới ra trường được vài năm, đang làm công việc giảng dạy tiếng Việt tại Khoa Ngữ văn, Trường ĐH Tổng hợp TPHCM. Theo lời cô, việc cử giáo viên sang Campuchia làm nghĩa vụ quốc tế của Trường ĐH Tổng hợp TPHCM bắt đầu từ năm 1986. Theo lịch trình, cô được phân công đi chuyến đầu tiên. Nhưng do có bầu nên phải sau khi sinh em bé được 14 tháng, cô mới gửi con cho gia đình và lên đường sang nước bạn làm nhiệm vụ.

“Tôi và 3 thầy cô của khoa (thầy Huỳnh Chương Hưng, Trần Ngọc Hồng, cô Huỳnh Thị Thanh Xuân) đi chuyến thứ hai, tức là năm học 1988 - 1989, thay cho các thầy cô khác của khoa đi chuyến thứ nhất vừa hoàn thành nhiệm vụ trở về. Lúc đó, nhiệm vụ được giao của chúng tôi là giúp đỡ nhân dân Campuchia xây dựng lại đất nước sau thời kỳ đen tối dưới chế độ Khmer Đỏ, về lĩnh vực giáo dục”.

Lúc bấy giờ, phương tiện đi lại còn hạn chế nên phần lớn các GV sang dạy tiếng Việt ở Campuchia di chuyển bằng đường bộ. “Chúng tôi đến Campuchia bằng chuyến xe khởi hành lúc 7 giờ sáng mà mãi đến 5 giờ chiều mới đến nơi vì thủ tục kiểm tra tại cửa khẩu Mộc Bài khá phức tạp, nhất là khâu kiểm tra hành lý, hàng hóa trên xe. Cuối cùng chúng tôi cũng được đưa đến trường để gặp gỡ các vị trong Ban giám hiệu và bắt đầu nhận công việc mới” - cô Hằng nhớ lại.

Sau khi tới trường nhận nhiệm vụ, cô Hằng và các đồng nghiệp được bố trí ở trong khu nhà của chuyên gia Việt Nam (gần đó là khu chuyên gia Liên Xô) cùng với các thầy cô giáo của các trường: ĐH Sư phạm, Tổng hợp Hà Nội. “Một vài thầy cô công tác ở đây đến 5 năm, nói tiếng Campuchia rất giỏi. Lúc đầu thì có bếp ăn tập thể do một cô gái người Campuchia nấu, sau thì mọi người nấu ăn riêng cho hợp khẩu vị…” - cô Hằng kể.

Ngôi trường mà cô Hằng và các đồng nghiệp tham gia giảng dạy là Trường ĐH Tổng hợp Phnompenh có diện tích khá rộng, nằm cách trung tâm Phnompenh khoảng 10 km. “Trong khuôn viên trường có một hồ sen rất lớn. Hồ sen này đẹp đến nỗi khi nhớ về ngôi trường này là tôi nhớ ngay đến nó. Tôi cũng luôn nhớ con đường đến trường, hai bên đường là hai hàng cây hoàng hậu tím ngắt. Khi nhìn thấy chúng, tôi đã thốt lên: Ồ, không ngờ Phnom Penh lại đẹp đến vậy...” - cô Hằng chia sẻ.

GS.TS.NGND Bùi Khánh Thế
 GS.TS.NGND Bùi Khánh Thế 

Ngày nào cũng mặc áo dài đi dạy

Lần đầu sang nước bạn đi dạy, cô Hằng không hình dung được việc mặc trang phục như thế nào để đứng lớp, nên mang sẵn áo dài từ Việt Nam sang. Ngày nào đi dạy cô cũng mặc áo dài. “Những ngày đầu lên lớp rất bỡ ngỡ, nhưng rồi tất cả cũng vào quy củ. Tôi dạy tiếng Việt, cũng không biết một chữ tiếng Campuchia và không có hỗ trợ phiên dịch nhưng tới lúc kết thúc khóa học thì thấy tiếng Việt của các em có tiến bộ rất nhiều” - cô Hằng cho biết.

Khu nhà cô Hằng và các thầy cô Việt Nam ở, không lúc nào vắng bóng học trò. Các em thường xuyên đến chơi, mang bánh trái, mật ong biếu, hoặc đưa các thầy cô đi tham quan các cảnh đẹp trong thành phố. Có khi các em kể chuyện gia đình, hầu như không gia đình nào trong các em là không có người thân bị giết hại, phải tận tai nghe thì mới hiểu người Campuchia phải chịu khổ như thế nào.

“Tôi đã tận mắt thấy các vết máu của người Campuchia bị tra tấn còn sót lại trong các bức tường của các căn nhà và cũng đã đến thăm nhà tù Toul Sleng, để rồi rùng mình trước tội ác của chế độ Khmer Đỏ. Chúng tôi được lệnh không ra khỏi nhà sau 9 giờ tối. Tuy vất vả nơi đất khách xứ người, nhưng bù lại tôi và các đồng nghiệp được nhà trường đối xử rất trọng thị, được tạo mọi điều kiện trong giảng dạy và sinh hoạt, được đi thăm Angkor Wat, Angkor Thom bằng máy bay, được đưa về nước bằng đường hàng không”, cô Hằng cho biết.

Thời gian nhanh chóng trôi qua, khóa học kết thúc, cô Hằng cùng các đồng nghiệp về nước, mang theo những lưu luyến khi phải rời xa nơi này. “Vào những ngày cuối cùng tôi thấy thật buồn, như là mình đã để lại cả một ‘con tim’. Các em sinh viên tổ chức tiệc lớn, tiệc nhỏ chia tay thầy cô, cùng những điệu múa Khmer truyền thống, có hoa, có quà và có cả… lệ rơi” - cô Hằng tâm sự.

“Đất nước Campuchia thời điểm đó hầu như tan nát không còn gì, bởi tất cả các giá trị tri thức bị chế độ Khmer Đỏ hủy diệt hết. Chúng tôi cùng một số trí thức của chính quyền Campuchia mới thành lập, đi tìm những người có trình độ còn sống sót để đưa về đào tạo gầy dựng lực lượng trí thức nòng cốt, tái thiết lại Trường ĐH Tổng hợp Phnom Penh.
Trong đó, việc dạy tiếng Việt cho SV Campuchia là một nội dung quan trọng, vì khi biết tiếng Việt thì các em mới tiếp cận được các môn KHKT khác của giảng viên Việt Nam. Ngày Trường ĐH Tổng hợp Phnom Penh khánh thành, hoạt động trở lại, tôi là người chấp bút soạn diễn văn bằng tiếng Việt và được một Thứ trưởng của Bộ Giáo dục Campuchia lúc bấy giờ dịch sang tiếng Campuchia”.
GS.TS.NGND Bùi Khánh Thế (nguyên Trưởng đoàn chuyên gia giáo dục Trường ĐH Tổng hợp TPHCM ở Campuchia từ 1986 đến 1989)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ