Kỹ năng quyết định tương lai việc làm của Việt Nam

GD&TĐ - Thông qua cải thiện kỹ năng của lực lượng lao động, mở rộng độ bao phủ an sinh xã hội và hiện đại hóa các thiết chế quan hệ lao động, Việt Nam đang hướng tới một tương lai việc làm tươi sáng hơn.

Đào tạo những kỹ năng tương lai đang là vấn đề được chú trọng.
Đào tạo những kỹ năng tương lai đang là vấn đề được chú trọng.

Những bước tiến quan trọng

Ngày nay thế giới việc làm đang trải qua những thay đổi lớn với tốc độ ngày càng nhanh, tác động tới sinh kế của hàng triệu người nam và nữ, cả người sử dụng lao động và người lao động. Trong bối cảnh đó, tuyên bố thế kỷ lịch sử của ILO được thông qua vào tháng 6/2019 kêu gọi tương lai việc làm cần lấy con người làm trung tâm, và nhấn mạnh rằng tương lai không phải là điều áp đặt, mà là sự lựa chọn do các Chính phủ, người lao động và người sử dụng lao động quyết định.

Theo ILO, Việt Nam đã và đang là một câu chuyện thành công, với tốc độ tăng trưởng cao bền vững trong những năm qua dù bối cảnh quốc tế có nhiều biến động. Đây là kết quả của sự lựa chọn chiến lược của Việt Nam quyết định phát triển kinh tế thông qua hội nhập toàn cầu sâu rộng hơn, kết hợp với những cải cách trong nước.

TS Chang-Hee Lee, Giám đốc ILO Việt Nam cho biết, những nhân tố thay đổi chính bao gồm cải tiến công nghệ với điển hình là Cách mạng 4.0, hệ thống thương mại toàn cầu với độ kết nối ngày càng lớn, già hóa dân số và biến đổi khí hậu. Để hiện thực hóa quyết tâm trở thành một quốc gia có thu nhập trung bình cao vào năm 2030, Việt Nam cần những cải thiện về mặt xã hội song hành với phát triển kinh tế.

TS Chang-Hee Lee, Giám đốc ILO Việt Nam phát biểu tại Diễn đàn lao động Việt Nam 2019
 TS Chang-Hee Lee, Giám đốc ILO Việt Nam phát biểu tại Diễn đàn lao động Việt Nam 2019

“May mắn là Việt Nam đang tiến những bước tiến đúng đắn và quan trọng thông qua việc cải thiện kỹ năng cho lực lượng lao động, mở rộng độ bao phủ của an sinh xã hội, và hiện đại hóa các thiết chế quan hệ lao động.” – TS Lee nhận định.

Bảo đảm việc làm thỏa đáng

Theo Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Văn Thanh, Bộ Luật Lao động sửa đổi vừa được thông qua là một dấu mốc quan trọng trên con đường hoàn thiện hệ thống pháp luật lao động của Việt Nam theo hướng hiện đại, phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập kinh tế. Bộ luật Lao động mới tích hợp khá đầy đủ những nguyên tắc của các công ước cơ bản của ILO, kể cả hai công ước cơ bản còn lại về tự do hiệp hội và lao động cưỡng bức mà Việt Nam dự kiến sẽ phê chuẩn trong những năm tới.

Diễn đàn về nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam vừa qua đã thể hiện cam kết ở các cấp cao nhất của Chính phủ về phát triển kỹ năng, và đưa ra phương hướng chính sách cho một tương lai việc làm tươi sáng hơn thông qua cải thiện năng suất dựa vào nâng tầm kỹ năng lao động trên cả nước cũng như phối hợp cung cầu tốt hơn về kỹ năng. Đề án cải cách bảo hiểm xã hội dựa trên Nghị quyết trung ương 28/NQ/TW năm 2018 đã mở đường hướng tới mở rộng độ bao phủ toàn dân về bảo hiểm xã hội.

“Tôi tin tưởng rằng việc bảo đảm việc làm bền vững và thỏa đáng cho mọi người, thông qua những tiến bộ về nâng tầm kỹ năng, an sinh xã hội toàn dân và quan hệ lao động hiệu quả, sẽ là một phần không thể thiếu của Chiến lược và Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội giai đoạn tiếp theo mà Việt Nam đang hoàn thiện, bởi đây là một yếu tố chính thúc đẩy chính sách xã hội để phát triển kinh tế.” - Giám đốc ILO Việt Nam cho biết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ