Học Tiếng Anh trải nghiệm sáng tạo với HS miền núi

GD&TĐ - HS Trường THPT Chuyên tỉnh Tuyên Quang vẫn nhớ mãi giờ học Tiếng Anh chủ đề âm nhạc của cô giáo Nguyễn Ngọc Hà. Hôm đó, lớp học như một sàn diễn với những nhân vật showbiz đình đám, lời ca, tiếng hát rộn rã. “Rất nhiều từ Tiếng Anh tới giờ em vẫn nhớ” – Nhóm nữ sinh hâm mộ ban nhạc BTS của Hàn Quốc hào hứng chia sẻ!

Giờ học Tiếng Anh tạo cơ hội cho HS thể hiện bản thân.
Giờ học Tiếng Anh tạo cơ hội cho HS thể hiện bản thân.

Học phương pháp từ chuyên gia

Cô giáo Nguyễn Ngọc Hà tốt nghiệp Trường ĐH Ngoại ngữ - ĐHQG Hà Nội năm 2001. Lúc mới tốt nghiệp ra trường, cô công tác tại Trường THPT Nguyễn Văn Huyên (Tuyên Quang). Năm 2006, cô được chuyển công tác, gắn bó với Trường THPT Chuyên tỉnh Tuyên Quang.

Cô Ngọc Hà chia sẻ, dạy Tiếng Anh ở các trường miền núi có khó khăn nhất định, đặc biệt trình độ tiếng Anh của HS miền núi không bằng các bạn miền xuôi. Nhưng với sự hỗ trợ của mạng Internet về tài liệu giảng dạy và việc kết nối với các chuyên gia của Đại sứ quán Hoa Kỳ, cô cùng các đồng nghiệp có nhiều cơ hội để nâng cao trình độ, bổ sung kiến thức, tìm ra những cách làm hay, đổi mới phương pháp dạy học phù hợp với HS của mình. Năm 2010, cô Ngọc Hà tham gia khóa đào tạo theo đề án của Bộ GD&ĐT.

Năm 2014 – 2015, cô nhận được học bổng học một năm trao đổi tại trường ĐH (Hoa Kỳ). Điều cô tâm đắc nhất sau mỗi lần du học chính là được các chuyên gia nước ngoài trao đổi rất kỹ về các phương pháp bồi dưỡng nâng cao năng lực HS trong việc sử dụng ngoại ngữ.

Từ những kiến thức học được, cô Ngọc Hà dành thời gian thiết kế các hoạt động nhằm giúp HS có thể sử dụng tốt tiếng Anh trong điều kiện học tập tại khu vực miền núi. Đầu năm học, với các lớp học mới, cô tiến hành khảo sát nhu cầu, sở thích của HS, xem trong lớp có bao nhiêu em thích âm nhạc, thích xem phim, thích vẽ… Dựa vào sở thích, nhu cầu dùng tiếng Anh, cô thiết kế những tiết học phù hợp với năng lực, sở trường của HS.

Song song với đó, cô còn chú ý đến HS có năng lực học ngoại ngữ nhưng còn e dè trong giao tiếp, từ đó có sự quan tâm, động viên, tạo ra những tiết học có hoạt động phù hợp với nhóm HS này. Bên cạnh việc dạy HS nắm chắc ngữ pháp, đọc hiểu, cô Ngọc Hà đặc biệt quan tâm phát triển hai kỹ năng nghe – nói cho HS. Vì vậy, cô vừa thiết kế các hoạt động trong lớp, vừa chú ý các hoạt động ở bên ngoài lớp học, mục đích làm sao để HS tự tin trong giao tiếp, có nền tảng tốt khi học lên ĐH.

HS lớp cô Ngọc Hà vẫn nhớ mãi về bài học Tiếng Anh chủ điểm âm nhạc. Hôm đó, HS nào chơi được đàn thì mang ghitar, organ đến lớp, giới thiệu về đam mê của mình bằng tiếng Anh, sau đó hào hứng “phiêu cùng âm nhạc”. HS nào thần tượng ca sĩ Mỹ Tâm có thể ăn mặc, trang điểm giống ca sĩ họa mi tóc nâu, giới thiệu trước cả lớp về nữ ca sĩ mình yêu thích, mạnh dạn trình diễn một bài hát bản thân thích nhất.

Hay một nhóm HS thích ban nhạc BTS của Hàn Quốc, cô giáo khuyến khích cả nhóm đóng vai ban nhạc thời thượng này, nói trước cả lớp những điều nhóm yêu thích và trình diễn luôn một bản nhạc “hot” nhất của BTS… Trong lớp, tất cả HS đều hào hứng thể hiện sở trường, vui sướng nói về các nhân vật mình yêu mến. Tiếng Anh được trau chuốt, sử dụng nhuần nhuyễn thông qua việc khơi gợi cảm hứng từ HS.

Nhờ HS góp ý tưởng cho bài giảng

Tôi nhớ mãi một HS trong lớp vốn nhút nhát, ngại thể hiện bản thân, sau khi được tạo cơ hội trình bày sở thích cá nhân, được đánh đàn cho các bạn nghe… đã trở nên tự tin hơn. Cậu HS tâm sự với tôi: “Em đã vượt qua bản thân mình, sẵn sàng thực hiện các hoạt động tiếp theo trong các tiết học nói”.
Cô giáo Nguyễn Ngọc Hà

Theo cô Ngọc Hà, để soạn một bài giảng với các hoạt động trên lớp không tốn quá nhiều công sức. Có một thuận lợi là trường THPT chuyên nơi cô Ngọc Hà công tác được tự chủ trong thực hiện phân phối chương trình và các tài liệu.

Cô Hà và các đồng nghiệp chủ động tìm kiếm tài liệu phù hợp cho mục đích giảng dạy của mình. Ngay từ đầu, khi xây dựng phân phối chương trình, cô Ngọc Hà đã hình dung ra với những bài học trong sách, với đối tượng HS giảng dạy, cần tiến hành các hoạt động như thế nào cho phù hợp. Cùng đó, cô mạnh dạn trao đổi với HS, để chính các em sẽ đóng góp thêm ý tưởng, ủng hộ cô giáo trong quá trình giảng dạy.

Năm học này, cô Ngọc Hà ấp ủ kế hoạch thực hiện các giờ Tiếng Anh với hoạt động mang tính chất trải nghiệm cho HS. Trải nghiệm ở đây không phải là đưa HS đi đâu xa để khám phá, mà trải nghiệm ngay trong chính khuôn viên của trường học. Năm học trước, cô Hà đã triển khai khá thành công các hoạt động tình nguyện của HS: Tổ chức cho các em tham gia bán hàng gây quỹ ủng hộ HS nghèo trong trường, tham gia làm vệ sinh trong trường… Quỹ ủng hộ còn mua quà tết tặng các hộ nghèo. HS được đến tận nơi, chứng kiến, nghe các câu chuyện vượt khó vươn lên... Những hoạt động này gắn với chủ điểm làm thiện nguyện trong sách lớp 10.

Ý tưởng của cô giáo Ngọc Hà là giúp cho HS thực hiện một dự án nhỏ nhưng thiết thực, gần gũi với cuộc sống hàng ngày, đề ra các biện có thể thực hiện được. Hoạt động trải nghiệm giờ học Tiếng Anh không chỉ nằm trong phạm vi bài học ở SGK mà còn khiến HS nhận thức được sâu xa hơn, giúp các em trưởng thành hơn. Bài học Tiếng Anh từ trang sách đã đi vào cuộc sống.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Sa mạc ngập vì mưa bất thường

GD&TĐ - Hầu hết các nhà khoa học đều có chung nhận định, biến đổi khí hậu có thể 'tiếp tay' gây ra tình trạng thời tiết cực đoan ở UAE.
Ảnh minh họa ITN.

Nên hay không?

GD&TĐ - Trong xu thế tự chủ đại học, nhiều cơ sở đào tạo đã chủ động xét tuyển sớm.