Hát câu quan họ trao duyên!

GD&TĐ - Kinh Bắc là tên gọi một vùng đất rộng lớn ở phía Bắc kinh thành Thăng Long, nằm trong vùng văn hóa châu thổ sông Hồng Hà và sông Thái Bình. 

Hát câu quan họ trao duyên!

Đây là một vùng đất có truyền thống văn hóa lâu đời. Lịch sử đã ghi lại khoảng 645 tiến sĩ và tương đương tiến sĩ, chiếm tỉ lệ hơn 1/4 của cả nước qua các kì thi của các triều đại phong kiến. Đất Kinh Bắc, có nhiều làng nghề cổ nổi tiếng như làng tranh Đông Hồ, làng giấy Đống Cao, làng đồng Đại Bái, làng chạm khắc Phù Khê..

Kinh Bắc đẹp từ những cánh đồng mượt mà ngô lúa trên những thửa đất màu mỡ, ở đó con người thương nhau từ trong lao động, thương nhau qua những làn điệu dân ca Quan họ, cái đẹp mang dấu ấn của một vùng đất có bề dày lịch sử về văn hóa. Dưới thời Pháp thuộc Kinh Bắc chia làm hai tỉnh là Bắc Ninh và Bắc Giang, năm 1963 hai tỉnh được sáp nhập thành tỉnh Hà Bắc và đến 1997 lại tách làm hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang.

Các làng Quan họ đa số tập trung chung quanh thị xã Bắc Ninh, chỉ có vài làng nằm rải rác ở Bắc Giang nên Bắc Ninh được xem là quê hương của Quan họ. Trên mảnh đất Bắc Ninh, Bắc Giang, có nhiều dân tộc sinh sống nhưng Quan họ chỉ tồn tại và phát triển trong cộng đồng dân tộc Kinh. Người ta cũng đã thống kê được có 49 làng Quan họ trên đất Kinh Bắc.

Mỗi dịp Tết đến, xuân về khi những sắc hoa đào khoe màu tươi mới dưới tiết trời xuân lất phất mưa bui đó là đến mùa hội làng. Trên các chiếu hội hoặc ở các ao lớn giữa làng, người ta hát Quan họ. Quan họ được trình bày qua hai phần là phần lễ và phần hội. Phần lễ là những bài hát cổ có nội dung ca ngợi quê hương đất nước, ca ngợi công đức của các đức Thánh, Thần với mong ước cầu những điều may mắn cho dân làng. Phần hội là những câu hát giao duyên giữa các nam thanh nữ tú hay hát đối để tạo không khí trữ tình và sôi nổi của ngày hội quê hương.

Trước ngày hội, làng có hội thường cử người đi mời bạn từ những thôn làng khác. Quan họ chủ nhà sẽ ra tận đầu làng đón bạn (khách) “tay bắt mặt mừng” bằng những câu ca Quan họ nghe ngọt ngào, lịch thiệp, tế nhị.

Phần hát hội, các liền anh, liền chị giao lưu với nhau qua những giai điệu quan họ mượt mà, tế nhị. Từ những lời chào, đến mời nhau miếng trầu hay chén nước đều được thể hiện qua những câu quan họ ngọt ngào, đằm thắm. Chữ “tình” trong những câu quan họ thể hiện giữa chủ và khách vô cùng dịu dàng, lịch thiệp và nhã nhặn.

“ Ăn một miếng trầu gặp đây ăn một miếng trầu,không ăn ơ cầm lấy í, không ăn ơ cầm lấy í cho nhau bằng lòng,

Trầu này trầu tính ớ trầu tình, trầu này trầu tính i trầu tình.

Ăn vào cho đỏ, ăn vào cho đỏ môi mình môi ta “

( Ba quan- Mời trầu- Quan họ Bắc Ninh)

Những giai điệu giao duyên giữa nam nữ tuy gần mà xa, tuy rõ ràng mà không sỗ sàng được thể hiện tuyệt vời trong giai điệu Quan họ.

“Đêm qua trỗi dậy, tôi phiền vì ai?

Tai nghe chim kêu khắc khoải.

Tôi đánh đàn chơi, phím long mất rồi.

Lòng tôi thương nhớ, tôi nhớ vì ai?

Tôi nhớ chị ba. Nông nỗi này chị tỏ cùng chăng?”

(Nhớ bạn- Lời cổ)

Qua những giọng ca đằm thắm mượt mà, giai điệu quan họ có sức cuốn hút đặc biệt với người nghe. Người nghe tiếp nhận quan họ một cách tự nhiên giống như lời tâm tình thủ thỉ của bạn tâm giao mà không có cảm giác chát chúa của những âm thanh “ì ùng” của âm nhạc trẻ. Nhiều bài quan họ còn mang đậm tình yêu quê hương đất nước qua những lời ca miêu tả vẻ đẹp thôn quê mà thắm đượm chữ tình của liền anh, liền chị như “Trên rừng 36 thứ chim” , hay “Trèo lên ngọn núi Thiên Thai”.

Trang phục quan họ cũng hết sức tao nhã và kín đáo. Liền chị quan họ bận áo tứ thân, đội nón quai thao, chân đi guốc mộc, toát lên vẻ đẹp dịu hiền của người con gái Kinh Bắc khi xưa. Những đôi mắt”Sắc như dao cau” vừa tình, vừa thắm lại vừa khiến cho người đến muốn ở mà chẳng muốn về. Những liền anh quan họ mặc áo the, khăn xếp nhìn như những thư sinh xưa có vẻ đẹp cuốn hút của những chàng trai lịch thiệp có nỡ nào cũng làm say lòng thiếu nữ đang độ xuân thì.

Về đất Quan họ Bắc Ninh

Nghe câu Quan họ thắm tình người quê

Người ơi, người ở đừng về

Tôi, đã không ít lần dùng dằng nửa ở nửa về khi nghe bài “Giã bạn” của các liền anh liền chị nơi đây.

Giá trị của quan họ Bắc Ninh không chỉ đẹp ở câu từ thanh tao, nó còn đẹp ở cách người ta thể hiện chữ “tình” trong từng câu nói, điệu hát và cử chỉ ánh mắt. Cái cuốn hút của quan họ Bắc Ninh không phải chỉ ở giai điệu mượt mà của nó mà còn cuốn hút ở cách người ta đối lại nhau một cách thông minh khi hát, ở cách người ta dùng câu hát mà thể hiện những tình cảm rất đỗi đời thường một cách chân thành mà thắm đượm tình quê.

Dân ca Quan họ Bắc Ninh không chỉ là niềm tự hào của người Việt khi trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại mà từ lâu còn là nét đặc trưng trong văn hóa Kinh Bắc. Bắc Ninh vẫn bảo tồn và phát triển được hàng chục làng Quan họ cổ, nơi đây cái nôi đào tạo, nuôi dưỡng những nghệ nhân,nơi để các thế hệ liền anh liền chị thế hệ trước truyền lửa cho thế hệ sau, mang những làn điệu mượt mà, đắm thắm, nét đặc trưng của văn hóa Kinh Bắc gần gũi với mọi người hơn.
Theo Tiếng nói giáo viên

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ