Giữ nước cho vùng đất khát

GD&TĐ - Nằm ở vùng đất khô cằn, điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, nên đời sống sinh hoạt của thầy cô và học sinh Trường PTDTBT Tiểu học Tả Gia Khâu (Mường Khương – Lào Cai) luôn đối diện với tình trạng thiếu nước sinh hoạt. 

Bảo đảm nguồn nước cho các hoạt động tại nhà trường. Ảnh: Thanh Long
Bảo đảm nguồn nước cho các hoạt động tại nhà trường. Ảnh: Thanh Long

Mới đây, bể nước 100m3 do các tổ chức xã hội; những người lính Biên phòng và thầy cô giáo cùng chung tay xây dựng giúp trường đã hoàn thành. Thầy cô và HS đã có thể yên tâm cho việc dạy và học.

Nhọc nhằn cùng nước sinh hoạt

Thầy giáo Phùng Thế Tùng – Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học Tả Gia Khâu chia sẻ: Trường nằm trên địa bàn có địa chất đặc thù núi đá nên tình trạng thường xuyên thiếu nước trầm trọng. Quanh trường chỉ có vài nguồn nước chảy trong khi lượng mưa không đáng kể. Mùa mưa tại Mường Khương diễn ra từ tháng 6 - 9 và thời gian còn lại là mùa khô. Mọi sinh hoạt ở đây đều trông vào nguồn nước mưa. Tình trạng thiếu nước ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống, sinh hoạt của GV và HS (đặc biệt vào thời điểm hanh khô cực điểm kéo dài từ Tết âm lịch đến tháng 4).

GV và HS nơi đây hàng ngày vật lộn với từng thùng nước sinh hoạt. Hiện nay, 6 điểm lẻ vẫn trong tình trạng lấy nước nguồn dẫn từ khe để sinh hoạt nhưng rất hạn chế và không bảo đảm chất lượng. Tại trường chính, 100% thầy cô giáo và 118 HS nội trú vẫn sử dụng nước mưa cho sinh hoạt, nấu ăn. Để tăng cường thêm nguồn nước dự trữ, nhà trường còn tận dụng lại hệ thống bể nước của Đồn Biên phòng cũ và một số téc đựng nước mà các nhà hảo tâm tặng. Bể chứa nước tích được bao nhiêu thì GVvà HS dùng bấy nhiêu. Tuy nhiên, dẫu chắt chiu, tiết kiệm, các hoạt động liên quan đến nước sinh hoạt đến mấy thì tình trạng thiếu nước vẫn diễn ra.

Trong sinh hoạt hàng ngày, GV vẫn phải sử dụng nước mưa để lắng trong bể, thùng chậu rồi nấu ăn, uống. Nước chỉ đủ vệ sinh cá nhân còn việc giặt giũ khá hạn chế. Thầy cô thường mang quần áo đủ mặc lên trường cả tuần; cuối tuần về nhà lại mang theo quần áo bẩn để giặt. Thiếu nước khiến cuộc sống, sinh hoạt của GV và HS bị ảnh hưởng nặng nề.

Có thể nói, trên vùng đất khát Mường Khương, tình trạng thiếu nước kéo dài trở thành thách thức với sự nghiệp trồng người. Trong khó khăn thì GV, HS phải cùng nhau chia sẻ từng ca nước phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày. Những vườn rau được tăng gia từ nguồn nước tích lại từ tắm giặt, rửa rau, vo gạo… Đồng lương của GV miền núi tốn thêm một khoản để mua nước sạch với giá không rẻ. Vì vậy, trong những bài học về kĩ năng sống cho HS, các thầy cô giáo luôn lồng ghép cả nội dung sử dụng nước tiết kiệm. Nhà trường còn cắt cử GV giám sát việc sử dụng nước sinh hoạt hàng ngày như một nhiệm vụ chính để tiết kiệm nước sinh hoạt.

Bể nước và công trình nhà vệ sinh, nhà tắm mới được hoàn thiện tại Trường PTDTBT Tiểu học Tả Gia Khâu
  • Bể nước và công trình nhà vệ sinh, nhà tắm mới được hoàn thiện tại Trường PTDTBT Tiểu học Tả Gia Khâu

Giữ nước cho vùng đất khát

Để khắc phục tình trạng thiếu nước trên vùng đất khát Tả Gia Khâu, theo thầy Phùng Thế Tùng, “không cách nào khác là xây bể chứa nước mưa, như vậy sẽ tích trữ được tối đa lượng nước mưa chảy trên mái vào hệ thống ống máng. Còn với nước thải sinh hoạt, phải tận dụng lại bằng cách cho chảy vào các hố đào lót áo mưa tránh để bị đất hút. Khi nước thải sinh hoạt lắng xuống sẽ được dùng tưới rau, cây cảnh...”.

Hiểu được khó khăn và mong mỏi lớn nhất của BGH, GV, HS Trường PTDTBT Tiểu học Tả Gia Khâu, mới đây thông qua sự kết nối của cán bộ, chiến sĩ đồn Biên phòng Tả Gia Khâu đã kêu gọi được hơn 200 triệu đồng đầu tư một bể chứa nước 100m3, nhà vệ sinh, nhà tắm cho GV và HS tại điểm trường chính.

Để đáp ứng đủ nước sinh hoạt hàng ngày cho GV và HS Trường PTDTBT Tiểu học Tả Gia Khâu thì cần thêm một bể chứa nước 500m3. Tuy nhiên, bể nước 100m3 của nhà tài trợ và các chiến sĩ đồn Biên phòng Tả Gia Khâu dành cho nhà trường thời điểm hiện tại cũng hết sức quý giá và thiết thực. Thầy và trò Tả Gia Khâu - Mường Khương đã có thể yên tâm với đời sống hàng ngày, tập trung dạy và học thật tốt.

Thầy Tùng cho biết thêm: Huy động đủ nguồn vốn đầu tư xây dựng thì cũng chưa hết vất vả. Việc thi công công trình cũng không ít khó khăn bởi thiếu nước. Quá trình xây dựng lại diễn ra đúng vào thời điểm mùa khô hạn, trời gần như không có mưa, nguồn nước từ khe suối khô hạn… nên nước dành cho thi công được sử dụng phần lớn từ nước sinh hoạt chảy vào bể lắng, sau đó bơm lên để nhào vữa. Chính vì thiếu nước nên thời gian thi công phải kéo dài hơn 3 tháng mới hoàn thành.

Thời gian thi công lâu, nước thiếu, hanh khô… mà yêu cầu hoàn thành càng sớm càng tốt để có thể tích nước vào mùa mưa nên hàng chục chiến sĩ đồn biên phòng Tả Gia Khâu và thậm chí nhiều thầy cô giáo được tăng cường hỗ trợ. Chiến sĩ, GV vừa xây dựng, vừa phải dùng xe chở từng can nước đến chân công trình khi cần thiết. Dù nắng gió, giá rét, hanh khô nhưng với tình thần vượt khó và sự quyết tâm tạo điều kiện tốt hơn cho cuộc sống của GV, HS nhà trường nên công việc đã được hoàn thành với thời gian sớm nhất. Đúng đầu năm 2019, bể chứa 100m3 nước hoàn thành và đi vào sử dụng.

Thầy Phùng Thế Tùng xúc động chia sẻ: Ước mong lớn nhất của nhà trường, GV, HS bao năm nay là được địa phương, các tổ chức xã hội, mạnh thường quân… quan tâm, giúp đỡ xây dựng thêm những bể ngầm chứa nước. Đây là việc làm không dễ dàng khi mỗi công trình có giá thành ước tính lên tới trăm triệu đồng trong khi ngân sách GD có hạn và người dân địa phương còn nhiều khó khăn; việc xã hội hóa từ PHHS là không thể. Tuy nhiên, để GV, HS yên tâm bám trường bám lớp, tập trung tối đa thời gian cho giảng dạy học tập thì việc tăng cường nguồn nước sinh hoạt hết sức cấp thiết và ý nghĩa.

“Có bể chứa nước này, nhà trường sẽ tiết kiệm và tận dụng được tối đa lượng nước trong mùa mưa, phục vụ đắc lực cho sinh hoạt hàng ngày của HS, GV trong những tháng mùa khô kéo dài…”, Thầy Tùng Khẳng định.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cô Nguyễn Thị Thanh Vân, Trường THCS Nguyễn Chuyên Mỹ (An Lão, Hải Phòng) trong giờ dạy Khoa học tự nhiên.

Tiến triển trong dạy học môn tích hợp

GD&TĐ - Sau 3 năm triển khai, nhiều nhà trường khẳng định việc dạy học môn tích hợp, đặc biệt môn Khoa học tự nhiên đã có những tiến triển tích cực.
Có vẻ như ung thư đang phát triển nhanh hơn và nguy hiểm hơn trước đây. (Ảnh: ITN)

Lý do ung thư ngày càng trẻ hóa

GD&TĐ - Theo vox.com, những người trưởng thành ở độ tuổi sung sức nhất, thường có bề ngoài khỏe mạnh, đang chết vì những căn bệnh ung thư ác tính.