Giáo sư Nguyễn Cảnh Toàn – nhà giáo dục mang tầm thời đại

GD&TĐ - Giáo sư Toán học Nguyễn Cảnh Toàn - Nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục, Phó chủ tịch Hội Toán học Việt Nam, Tổng biên tập tạp chí Toán học và Tuổi trẻ - đã từ trần vào ngày 8/2/2017 hưởng thọ 92 tuổi. 

GS Nguyễn Cảnh Toàn (ngoài cùng bên trái) và Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Văn Huyên (ngoài cùng bên phải) đưa bà Bộ trưởng Giáo dục Đức thăm ĐH Sư phạm Hà Nội năm 1960. Ảnh: Công An Nhân Dân.
GS Nguyễn Cảnh Toàn (ngoài cùng bên trái) và Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Văn Huyên (ngoài cùng bên phải) đưa bà Bộ trưởng Giáo dục Đức thăm ĐH Sư phạm Hà Nội năm 1960. Ảnh: Công An Nhân Dân.

Thân thế và sự nghiệp của ông gắn liền với Toán học và tấm gương tự học. Cả cuộc đời ông gắn liền với sự nghiệp GD&ĐT, đặc biêt trong đó là những quan điểm về sự cần thiết phải tự đào tạo được tiến sĩ trong nước, đào tạo giáo viên phải gắn với tác nghiệp thực tiễn… những quan điểm trên đến nay đều còn nóng giá trị thực tiễn.

Cả cuộc đời gắn liền với sự nghiệp giáo dục

Giáo sư Nguyễn Cảnh Toàn sinh năm 1926 tại xã Đông Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An - một vùng quê nổi tiếng về truyền thống hiếu học và có nhiều người đỗ đạt cao.

Năm 1938 học xong tiểu học ông thi vào Trường Quốc học Vinh, đến năm 1942 ông thi đỗ cao đẳng tiểu học, rồi đỗ vào Trường Quốc học Huế, theo học ban tú tài.

Tiêu biểu cho tinh thần hiếu học và nghị lực to lớn, ông đã từ năm thứ nhất tú tài được lên thẳng năm thứ ba tú tài chuyên Toán.

Đến năm 1944, Nguyễn Cảnh Toàn đã đạt tú tài toàn phần và thi đỗ vào Trường Đại học Khoa học ở Hà Nội để học chứng chỉ Toán học đại cương khi mới 18 tuổi.

Năm 1946, sau ngày đất nước giành được độc lập, Chính phủ mở lại các trường đại học, ông ra Hà Nội, thi lấy chứng chỉ toán học đại cương và đỗ đầu bảng.

Dấu chân đầu tiên của ông bước vào sự nghiệp làm thầy là năm 1947, ông được tuyển làm giáo viên toán ở trình độ cao nhất của Trường Quốc học Huế.

Đến năm 1957, Nguyễn Cảnh Toàn được chọn trong số 9 cán bộ giảng dạy đại học đầu tiên sang Liên Xô làm thực tập sinh.

Năm1958, ông bảo vệ thành công luận án tiến sĩ Toán học tại trường Đại học Tổng hợp Lômônôxốp (Liên Xô cũ).

Năm 1963, ông bảo vệ thành công luận án tiến sĩ khoa học về khoa học cơ bản làm ở trong nước và bảo vệ ở Liên Xô.

Giáo sư Nguyễn Cảnh Toàn đã có trọn 30 năm dạy học, từ dạy phổ thông trung học đến dạy đại học và sau đại học.

Đặc biệt, Giáo sư Nguyễn Cảnh Toàn còn được coi là "cha đẻ của hình học siêu phi Ơclit". Từ "phát minh" đó, Giáo sư Nguyễn Cảnh Toàn đã khái quát lên thành một lý thuyết bao trùm mang tên "Hình học siêu phi Ơclit". Đó chính là "Hình học Nguyễn Cảnh Toàn".

Ông được giao đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng của ngành Giáo dục như: Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội II, Hiệu trưởng trường ĐHSP I mới (nay là Trường Đại học Sư phạm Hà Nội), rồi Thứ trưởng Bộ Giáo dục (nay là Bộ GD&ĐT).

Ông cũng là một trong những người sáng lập ra Hội Toán học Việt Nam và giữ cương vị Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư kí của hội trong ba nhiệm kỳ (từ 1966 – 1981), đồng thời sáng lập ra Tạp chí Toán học & tuổi trẻ và là Tổng biên tập tạp chí trong vòng hơn 40 năm (1964-2005).

Giáo sư Nguyễn Cảnh Toàn cũng là tác giả, chủ biên, hiệu đính nhiều nhiều cuốn từ điển: Danh từ Toán học Nga – Việt, Danh từ Toán học Anh – Việt, từ điển thuật ngữ Toán học.

Ông là thành viên Hội đồng Quốc gia chỉ đạo biên soạn Từ điển bách khoa và là thành viên biên soạn. Dù ở cương vị nào, Giáo sư Nguyễn Cảnh Toàn cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, nhiều thế hệ học trò của ông là những tên tuổi lớn của nền Giáo dục Việt Nam.

Ngời sáng tấm gương tự học

Giáo sư Nguyễn Cảnh Toàn là một tấm gương ngời sáng của tinh thần tự học. Xuất thân trong một gia đình có truyền thống Nho học, cha là một nhà nho, nhưng ông lại được đưa ra trường ngoài để học tiếng Pháp và ảnh hưởng Tây học. Từ bé, ông đã nổi tiếng là cậu bé thông minh, hiếu học và một khả năng khám phá thế giới lạ kỳ…

Giáo sư Nguyễn Cảnh Toàn từng tâm sự: "Tôi sinh ra và lớn lên trong chiến tranh, việc học hành luôn bị dở dang, đứt đoạn.

Vì thế tự học là điều hết sức cần thiết để tôi bù đắp những thiếu hụt của mình. Trong học tập, nếu thiếu chủ động, thầy ra bài nào làm bài ấy, sách có thế nào học thế ấy, hiệu quả sẽ không cao.

Có người bảo tôi, anh đừng chủ quan, tưởng mình tự học thành công thì ai cũng có thể tự học thành công. Theo tôi, mọi người đều có khả năng tự học nhiều hay ít, trừ khi bị những khuyết tật tâm thần. Biết vun vén thì khả năng đó sẽ phát triển".

Là người Việt Nam đầu tiên tự nghiên cứu sinh ở trong nước trong điều kiện thiếu thầy, thiếu sách vở, chiến tranh.

Những năm 1956, 1960, ông phải tự nghiên cứu khoa học trong điều kiện vô cùng khắc nghiệt của chiến tranh, có lúc cũng tưởng sẽ bỏ cuộc.

Ông đã tâm sự trăn trở này với Giáo sư Lê Văn Thiêm, được Giáo sư Thiêm động viên nên Nguyễn Cảnh Toàn lại yên tâm miệt mài với các đề tài nghiên cứu của mình trong thư viện nghèo nàn.

Một câu chuyện vui được Giáo sư kể lại thời ông còn rất nhỏ: "Hằng ngày, đi học đến trường thì một cột cây số lại đập vào mắt tôi. Trên cột ghi "Phủ Diễn" và dưới hai chữ này là số 38.

Tôi hiểu ngay, từ đây đến Phủ Diễn là 38km. Nhưng trên hai chữ đó còn một số khác. Tôi chịu, không biết số đó chỉ cái gì.

Nó như thách thức tôi hằng ngày. Tôi đi hỏi các bạn, chẳng ai quan tâm. Bỗng tôi chợt nảy ra một ý nghĩ ta đi xa thêm một chút đến cột sau, xem số đó thay đổi ra sao. Ở đó ghi Phủ Diễn 37 và số kia cũng bớt đi 1.

Lục lại vốn hiểu biết địa lí, cuối cùng tôi tự biết được đó là khoảng cách đến biên giới Việt Trung theo quốc lộ 1.

Tôi cho rằng dạy cho học sinh được một kiến thức cũng quý và đôi khi cũng khó, nhưng dạy làm sao cho họ có tính tò mò khoa học, tính chủ động tìm học thì quý hơn nhiều và khó hơn nhiều, nhưng người thầy cứ cố gắng nhẫn nại thế nào cũng thành công".

Một câu chuyện vui, nhưng đồng thời cũng nói tinh thần mày mò học hỏi luôn có ở Giáo sư, cao hơn nữa nó cũng là một quan điểm về giáo dục mang tính thời đại, mà hiện nay chúng ta cũng đang hướng tới.

Những quan điểm đổi mới sư phạm

Trong cuộc đời dạy học của mình, một trong những thành công mà ông tâm đắc nhất trong "phương pháp sư phạm" và "khoa học sư phạm".

Ông cho rằng, một đứa trẻ học tiếng Anh, gặp một từ nó không hiểu, nó hỏi bố từ đó nghĩa là gì, bố trả lời ngay. Như thế là sai, là làm hộ đứa trẻ, mà đúng ra người bố phải đưa cho con cuốn từ điển, để nó tự tra nghĩa.

Cách trả lời thay hiện nay đang rất phổ biến trong nhà trường, rất ít giáo viên dạy học sinh cách sưu tầm tài liệu, cách tự tìm kiến thức.

Giáo sư Đinh Quang Báo - Nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội - từng nhận xét về ông ở phương diện một đào tạo giáo viên:

Giáo sư Nguyễn Cảnh Toàn có những cách tiếp cận rất sáng tạo, tiên tiến về phương thức đào tạo giáo viên.

Giáo sư luôn nhấn mạnh đào tạo phải gắn với nghiên cứu khoa học, trong nghiên cứu phải gắn nghiên cứu khoa học cơ bản với khoa học giáo dục.

Giáo sư Nguyễn Cảnh Toàn cũng đặc biệt nhấn mạnh trong đào tạo sư phạm, giáo viên phải được vừa học vừa làm, phải đặt giáo viên trong tư thế tác nghiệp thực tiễn, rất gần với mô hình đào tạo bác sĩ nội trú của Trường Đại học Y.

Điều này đã làm thay đổi một số nhận thức trước đây cho rằng đào tạo sư phạm chủ yếu chú trọng đào tạo về nghiệp vụ sư phạm.

Sớm nhận ra rằng, một đất nước phát triển cần có nguồn nhân lực cao thì không thể chờ đợi việc đào tạo tiến sĩ ở nước ngoài, hơn nữa không tạo ra được môi trường khoa học trong nước.

Từ những trải nghiệm thành công của bản thân, Giáo sư Nguyễn Cảnh Toàn đã khởi xướng cho việc bồi dưỡng cán bộ giảng dạy theo hai cấp: cấp I và cấp II (tiền thân của trình độ đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ ngày nay) được bảo vệ trong nước.

Khi mới được đưa ra, trong bối cảnh đất nước hội nhập quốc tế chưa sâu rộng nên giai đoạn đầu không khỏi có nhiều ý kiến phản đối.

Tuy nhiên, với tầm nhìn sâu rộng, ông đã kiên trì bảo vệ quan điểm của mình. Và những quan điểm này sau đó đã trở thành hiện thực, Nhà nước cho phép mở đào tạo nghiên cứu sinh vào năm 1976, vấn đề đào tạo giáo viên gắn với tác nghiệp thực tiễn…. đều thể hiện tầm nhìn của thời đại. 

Với những đóng góp to lớn cho khoa học và giáo dục nước nhà, GS Nguyễn Cảnh Toàn đã được Đảng và Nhà nước tặng nhiều danh hiệu cao quý: Huân chương kháng chiến hạng Nhất và hạng Nhì, Huân chương Lao động hạng Nhất và hạng Ba, Huân chương Độc lập hạng Nhì… Trung tâm Tiểu sử quốc tế tặng ông Bằng danh dự Rạng rỡ để ghi nhận những thành tựu nổi bật của ông về toán học và giáo dục trong hơn nửa thế kỉ XX.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ