Giải pháp nào nâng cao phẩm chất đạo đức, năng lực nhà giáo?

GD&TĐ - Cử tri thành phố Cần Thơ kiến nghị cần đẩy mạnh các giải pháp để tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục; đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý (CBQL), giáo viên các cấp học, bậc học; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm hành vi tiêu cực trong ngành, nhằm đào tạo, hình thành phẩm chất đạo đức, phong cách, lối sống tốt đẹp của người Việt Nam, góp phần khắc phục, hạn chế tình trạng bạo lực, xuống cấp đạo đức xã hội.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Về nội dung này, Bộ GD&ĐT cho biết: Để nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và CBQL giáo dục, Bộ GD&ĐT cùng các địa phương triển khai thực hiện các Đề án của Chính phủ như: Đề án đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và CBQL cơ sở giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025; Đề án đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo và CBQL cơ sở giáo dục mầm non giai đoạn 2018 - 2025; Đề án nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên và CBQL các cơ sở giáo dục đại học đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo giai đoạn 2019 - 2030. 

Đồng thời, Bộ GD&ĐT đã ban hành các văn bản quy định chuẩn hiệu trưởng, chuẩn nghề nghiệp giáo viên cấp học mầm non, phổ thông; quy chế bồi dưỡng thường xuyên giáo viên, CBQL cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và giáo viên trung tâm giáo dục thường xuyên; các chương trình bồi dưỡng thường xuyên giáo viên, CBQL cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, trưởng phòng, phó trưởng phòng, giám đốc, phó giám đốc sở GD&ĐT,... Các văn bản này làm căn cứ để các địa phương, cơ sở giáo dục thực hiện bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ nhà giáo, CBQL giáo dục, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản toàn diện GD&ĐT và đổi mới Chương trình giáo dục phổ thông; trong đó, đặc biệt chú ý đến bồi dưỡng phẩm chất đạo đức, phong cách nhà giáo.

Để khắc phục tình trạng giáo viên, CBQL giáo dục vi phạm đạo đức nhà giáo, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã ban hành Chỉ thị số 1737/CT-BGDĐT ngày 7/5/2018 về việc tăng cường quản lý, nâng cao đạo đức nhà giáo. Trong đó, nhấn mạnh đến trách nhiệm của cơ quan quản lý giáo dục các cấp, cơ sở giáo dục và của mỗi CBQL, giáo viên, nhân viên trong việc thực hiện nghiêm túc các quy định về đạo đức nhà giáo, quy chế làm việc và quy tắc ứng xử. Yêu cầu xử lý nghiêm các giáo viên, nhân viên, người lao động có hành vi vi phạm đạo đức, hành vi bạo hành thể chất, tinh thần học sinh và người đứng đầu cơ sở giáo dục để xảy ra vụ việc vi phạm. Tạm dừng việc giảng dạy hoặc xem xét đưa vào diện tinh giản biên chế, chấm dứt hợp đồng làm việc/hợp đồng lao động với giáo viên vi phạm; tăng cường kiểm tra thực hiện các quy định đạo đức nhà giáo. 

Đồng thời, Bộ GD&ĐT cũng ban hành quy tắc ứng xử trong các cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên. Trong đó, quy định cụ thể những việc nên làm và không nên làm trong mối quan hệ ứng xử của các chủ thể trong nhà trường, thể hiện thông qua trang phục, ngôn ngữ, hành vi ứng xử nhằm xây dựng văn hóa học đường, môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh và thân thiện.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ