Giấc mơ số hóa nông nghiệp địa phương

GD&TĐ - Ứng dụng IoT và số hóa vào nông nghiệp được xem là chìa khóa giúp nhiều địa phương thúc đẩy tăng trưởng sản lượng nông sản.

Hệ thống cảm biến IoT được Minh Hoàng lắp đặt dưới từng gốc bơ.
Hệ thống cảm biến IoT được Minh Hoàng lắp đặt dưới từng gốc bơ.

Là du học sinh với cơ hội được ở lại Pháp để phát triển sự nghiệp nhưng Minh Hoàng quyết tâm trở về Việt Nam, dùng kiến thức của mình để nâng tầm đặc sản địa phương và truyền cảm hứng khởi nghiệp cho thanh niên quê nhà. 

Viết tiếp giấc mơ của bố

Sau thời gian du học Pháp bằng học bổng toàn phần, chàng trai trẻ Đặng Dương Minh Hoàng, chủ Nông trang Thiên Nông (thôn Cây Da, xã Phú Văn, huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước) nhận được nhiều lời mời gọi công tác và ở lại Pháp. Tuy nhiên, bỏ lại sau lưng mọi cơ hội, cựu học sinh khóa đầu tiên Trường chuyên THPT Quang Trung quyết tâm trở về Việt Nam để phát triển và thúc đẩy nông nghiệp địa phương.

Chia sẻ điều thôi thúc trở về, Minh Hoàng cho biết, ngoài tình yêu quê hương còn vì mục tiêu tiếp bước những gì mà người bố còn thực hiện dang dở. Gia đình Hoàng vốn sống bằng nghề nông, nên điều chàng trai này khát khao nhất là tìm tòi những kỹ thuật mới của nước ngoài để thúc đẩy và phát triển nông nghiệp quê nhà.

“Thời điểm tôi về nước cũng là lúc bố quyết định cải tạo lại đất đai của nhà và theo đuổi phát triển giống bơ Mã Dưỡng. Mọi việc đang dang dở thì bố đột ngột qua đời vì bạo bệnh. Không đành lòng nhìn bao công sức và tâm huyết của bố đổ sông, đổ bể, tôi quyết định dấn thân vào nghề nông để viết tiếp giấc mơ của bố”, Hoàng cho biết.

Minh Hoàng bên hệ thống bồn chứa nước có tích hợp công nghệ tưới tự động khi vào mùa khô.
Minh Hoàng bên hệ thống bồn chứa nước có tích hợp công nghệ tưới tự động khi vào mùa khô.

Điều Hoàng trăn trở lớn nhất là làm sao vừa duy trì công việc hiện tại, vừa làm nông nghiệp hiệu quả? Hoàng bật mí, việc áp dụng công nghệ 4.0 vào phát triển nông nghiệp chính là giải pháp căn cơ giúp Hoàng đi “nước đôi”. Theo đó, nhờ kiến thức đã học và kinh nghiệm làm việc ở doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, bằng cách sử dụng các ứng dụng, tiện ích nông nghiệp thông minh. Chỉ cần có điện thoại trong tay, Hoàng có thể giám sát, điều khiển và chăm sóc cây trồng tự động, giúp tối đa hóa năng suất, chất lượng nông sản và tiêu thụ sản phẩm.

Hoàng cho biết, thông qua ứng dụng Internet kết nối vạn vật (IoT), tất cả dữ liệu về độ ẩm của đất, lượng nước tưới và quá trình sinh trưởng của cây trồng đều có thể được thu thập qua cảm biến và gửi đến điện thoại để các thuật toán phân tích và đưa ra các cảnh báo, khuyến cáo người dùng đưa ra quyết định chăm sóc thu hoạch cây trồng phù hợp.

Dẫn chúng tôi ra xem từng gốc bơ, mặc dù đang trong thời điểm khô hanh nhưng thảm thực vật dưới gốc vẫn xanh mướt, cây trồng vẫn đâm chồi nảy lộc, Hoàng cho biết: Chi phí để đầu tư một hệ thống hoàn chỉnh từ hệ thống cảm biến đến hệ thống châm phân, tưới tự động hết gần 80 triệu đồng/ha. Tuy nhiên, đổi lại người trồng sẽ tiết kiệm được 80% nước tưới, 40% phân thuốc, hàng trăm công lao động mà vẫn giữ được năng suất ổn định, chất lượng nông sản vượt trội.

Minh Hoàng giới thiệu về hệ thống tưới được điều khiển từ xa bằng ứng dụng IoT.
Minh Hoàng giới thiệu về hệ thống tưới được điều khiển từ xa bằng ứng dụng IoT.

Đưa thương hiệu địa phương vươn xa

Theo Minh Hoàng, bơ Mã Dưỡng là loại bơ sáp không chỉ nổi tiếng ở Bình Phước. Vài năm trở lại đây, loại bơ này còn đứng tốp đầu sản phẩm được người tiêu dùng lựa chọn nhiều nhất. Nhờ quy trình chăm sóc nghiêm ngặt, bảo đảm các tiêu chuẩn kỹ thuật hiện đại, nhiều vị khách khi đến tham quan và thưởng thức bơ của nông trại đều cho rằng độ béo, dẻo của bơ ở trang trại khá ưu việt, phù hợp với khẩu vị.

Với phương châm kinh doanh “From my farm to your home” tức sản phẩm từ nông trại đến trực tiếp tay người tiêu dùng không qua kênh trung gian, từ khi dịch Covid-19 bùng phát cũng là thời gian để Hoàng tập trung nhiều hơn về phát triển thương hiệu.

Thông qua ứng dụng công nghệ Blockchain trong truy xuất nguồn gốc nông sản đã đăng ký sở hữu trí tuệ thương hiệu trái bơ liên kết với các sàn giao dịch điện tử, khách hàng chỉ cần quét mã truy xuất nguồn gốc trên sản phẩm sẽ biết thông tin về nhà vườn, quy trình canh tác, ngày thu hoạch sản phẩm và đặt hàng. Qua đó, giúp việc tiêu thụ bơ không còn bị thị trường thao túng, bơ của nông trang không chỉ bán được giá cao, mà còn tiếp cận được nhiều khách hàng tiềm năng cả trong và ngoài nước tìm đến.

Năm 2020, nông trại của Hoàng chính thức đạt chứng nhận VietGAP và được chứng nhận sản phẩm đạt chuẩn OCOP 4 sao của tỉnh Bình Phước. Đây cũng là bước ngoặt để Hoàng mở rộng thị trường. Với thương hiệu “bơ Mã Dưỡng ông Hoàng”, bơ của nông trang không chỉ được bán trên các kênh Tiki, Lazada và một số cửa hàng trái cây sạch ở TP Hồ Chí Minh như: Dalatfoodie, Wefarmer, mà còn lan rộng ra thị trường nước ngoài như: Campuchia, Lào, Trung Quốc, Nhật Bản… Với năng suất 100 tấn/năm, giá bán dao động 70.000 – 100.000 đồng/kg mỗi năm đem lại thu nhập cho Hoàng trên 5 tỷ đồng sau khi trừ chi phí.

“Loại bơ này có nhiều tiềm năng nhất là thị trường châu Âu. Với sản lượng hiện có, nông trại chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu của thị trường nên gặp những áp lực nhất định trong việc cung ứng sản phẩm. Để giải quyết tốt bài toán về đầu ra cũng như áp lực về sản lượng, tôi đang định hướng xây dựng vùng nguyên liệu vệ tinh để không chỉ cung cấp ra thị trường trái bơ tươi, mà còn có thể sản xuất tinh dầu bơ nhằm đa dạng hóa sản phẩm từ cây bơ”, Hoàng chia sẻ.

Bà Lê Thị Ánh Tuyết - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Phước - nhìn nhận: Chuyển đổi số đang trở thành xu hướng tất yếu trên toàn cầu, nông dân Bình Phước cũng không đứng ngoài cuộc. Với những nông trang theo mô hình tự động hóa như Thiên Nông của anh Minh Hoàng, ngoài việc gia tăng sản lượng, nó còn giúp người nông dân đáp ứng được các yêu cầu khắt khe về xuất khẩu nông sản.

“Việc áp dụng công nghệ vào sản xuất, thâm nhập thị trường có tính toán, đúng hướng đã giúp nông trại Thiên Nông chủ động được đầu ra cho nông sản. Nông trại là địa chỉ tham quan của nhiều đơn vị giúp các tổ chức, cá nhân học hỏi phương thức canh tác phù hợp với xu thế và tín hiệu thị trường, góp phần phát triển nông nghiệp bền vững”. - Bà Lê Thị Ánh Tuyết - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Phước

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ