Đứng dậy sau án mua bán người

GD&TĐ - Bị bắt giam vì lỡ “giới thiệu đưa người đi lao động ở nước ngoài”, chị suy sụp tưởng chừng mất hết tất cả: Danh dự, uy tín, cuộc sống bình yên. Nhưng khi trở về, chị từng bước vực dậy, trở thành chủ trang trại chăn nuôi lớn và còn là thành viên tích cực của CLB Phòng chống mua bán người ở huyện vùng cao Tương Dương, Nghệ An.  

Bước qua quá khứ lầm lỡ, chị Huyền nay đã là một trong những nông dân đi đầu trong phong trào xây dựng nông thôn mới ở địa phương
Bước qua quá khứ lầm lỡ, chị Huyền nay đã là một trong những nông dân đi đầu trong phong trào xây dựng nông thôn mới ở địa phương

Vết trượt ngã

“Tôi nghe theo người ta, rồi va vấp, gây ra tội lỗi. Sau đó, tôi phải đi tù, trả giá cho hành động của mình” - chị Pay Thị Huyền (SN 1976,) trú tại bản Bón, xã Yên Na, huyện Tương Dương (Nghệ An) không giấu giếm câu chuyện của mình. Hơn 40 năm cuộc đời, chị không nghĩ mình trải qua nhiều biến cố như vậy.

Thời con gái, chị xinh đẹp, nhanh nhẹn, chăm chỉ, rồi phải lòng anh thợ mộc người Ninh Bình vào vùng rẻo cao này kiếm sống. Cưới nhau, hai đứa con trai lần lượt ra đời, vợ chồng chí thú làm ăn, có của ăn của để trong bản. Nhưng đến năm 1992, anh bị suy thận. Chị đem con gửi nhà nội, rồi cứ thế hàng tháng đưa chồng vào Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) chạy thận. Cái căn bệnh hiểm nghèo làm mòn mỏi sức sống của người bệnh lẫn người thân. Nhưng chị không bỏ cuộc, tất cả của cải trong nhà bán dần, hai vợ chồng dọn vào ở hẳn xóm chạy thận cạnh Bệnh viện Bạch Mai để tiếp tục cuộc chiến kéo dài sự sống cho anh.

“Sau 12 năm thì anh mất”, chị ngậm ngùi, khép lại câu chuyện dài đau thương. Lo chu tất cho chồng yên nghỉ ở quê nội, ba mẹ con chị dắt nhau quay về bản, về Yên Na (Tương Dương, Nghệ An). “Phải nghĩ cách làm ăn mà nuôi con, cho nó đi học đến nơi đến chốn”, chị tự nhủ. Người phụ nữ kiên cường ấy nhận 50 con gà từ dự án tài trợ của Luxembourg để chăn nuôi. Sau 4 năm vất vả ngược xuôi, đàn gà lên đến 2.000 con, cuộc sống tưởng chừng như thế là yên ổn thì trận dịch cúm H5N1 tràn qua. Như một cơn bão, phút chốc, hàng nghìn con gà bị tiêu hủy. Chị lại trắng tay, gánh nợ ngân hàng, chẳng biết lấy gì đến nuôi mình, nuôi con.

Chị Pay Thị Huyền, trú tại bản Bón, xã Yên Na, huyện Tương Dương, Nghệ An
  • Chị Pay Thị Huyền, trú tại bản Bón, xã Yên Na, huyện Tương Dương, Nghệ An

“Thời điểm đó, có một người phụ nữ quen biết, hay qua lại trong xã đến tìm tôi. Người này nhờ tôi giới thiệu một số phụ nữ trong xã sang Trung Quốc làm ăn, nói với tôi là ở bản nghèo, làm rẫy khổ lắm, nên chỉ muốn giúp chị em có việc làm, giàu có thôi. Vì tôi là người có uy tín, được tin tưởng trong xã, nói thì các chị em mới tin. Chỉ cần cho số điện thoại thôi, còn lại mọi việc sẽ có người khác lo”, chị kể.

Chị đồng ý giúp, mà không biết đây là một đường dây mua bán phụ nữ sang nước ngoài. Sau đó, đường dây bị phát giác. Công an đến nhà đọc lệnh bắt rồi đưa chị đi với tội danh “đồng phạm”. Tòa tuyên án 30 tháng tù giam. Cho đến lúc ấy, chị vẫn ngơ ngác, nhìn hai đứa con trai đang tuổi đi học đã mất bố, lại vắng mẹ…

Không khóc

“Thời gian đầu trong trại giam, tôi sợ lắm, cuộc đời tôi chưa bao giờ nghĩ mình lại phạm pháp, đến mức phải đi tù. Thời gian trong đó, các cán bộ quản giáo biết hoàn cảnh nên cũng nói chuyện, giải thích cho tôi hiểu hậu quả việc mình đã phạm phải”, chị Pay Thị Huyền nhớ lại. Rồi chị được bố trí lao động cải tạo ở trại chăn nuôi lợn. Vừa cải tạo, vừa học kiến thức chăn nuôi. Tháng 9/2015, chị được ra tù trước thời hạn 6 tháng.

Trở về, chị quanh quẩn trong nhà bố mẹ, chẳng dám nói chuyện với ai. Uy tín mình không còn nữa, mọi người sẽ dị nghị, sợ mình đưa con cái của họ đi. Mình biết làm gì đây? Những câu hỏi trở đi, trở lại khiến chị khóc thầm nhiều đêm. Nhưng nhìn bố mẹ già yếu, 2 đứa con chưa trưởng thành, chị lau nước mắt, quyết tâm đứng dậy, bắt đầu lại bằng nghề cũ: Chăn nuôi.

Lần nay, chị được Hội Phụ nữ xã Yên Na bảo lãnh cho vay vốn, mua đàn gà con. Với kiến thức học được khi con ở trại, chị nuôi đúng kỹ thuật, tiêm phòng cẩn thận. Lứa đầu tiên gồm 800 con gà xuất chuồng giúp chị trả được nợ cũ. Chị vay mới, đầu tư lứa tiếp theo và bắt đầu có lãi. Hai cậu con trai bây giờ 1 đứa đã lấy vợ, sinh con, cùng giúp mẹ quản lý trang trại với hơn 2.000 con gà. Chị mạnh dạn nuôi thêm lợn, bò và trồng 1ha keo vì không muốn bỏ hoang đất rẫy. Mỗi năm, sau khi trừ các chi phí, trang trại chăn nuôi cho chị lãi từ 150 – 200 triệu đồng.

Hiện giờ, chị Huyền đã là chủ một trang trại chăn nuôi lớn
  • Hiện giờ, chị Huyền đã là chủ một trang trại chăn nuôi lớn

Chị Huyền cũng lập tài khoản Facebook, chụp ảnh và đăng lên để quảng cáo. Người phụ nữ dân tộc Thái chia sẻ: “Trang trại mình ở trong rẫy, là vùng sâu vùng xa, nên ít người biết đến mà chỉ có người quen truyền miệng nhau. Vì vậy, phải giới thiệu trên mạng Internet cho nhiều người họ thấy, đến nhập hàng thì mới tìm đầu ra, nơi tiêu thụ lâu dài”.

Chị cũng là thành viên tích cực của CLB Chống mua bán phụ nữ. “Tôi muốn không ai vì thiếu hiểu biết mà phạm tội như mình. Tôi cũng đã dần dần lấy lại được uy tín và muốn chị em nhìn từ cuộc đời mình, biết chăm chỉ, vươn lên trong cuộc sống thì không cần đi đâu xa, cũng có thể no đủ được”, chị nói. Hạnh phúc, khó có thể nói là trọn vẹn, chị cũng không dám nhận mình giàu, nhưng được bên cạnh các con, chăm lo cho nhau, là điều chị cần và mong muốn nhất trong đời.

Chị Lô Thị Hoa - Chủ tịch Hội LHPN xã Yên Na (Tương Dương, Nghệ An) nói: “Trang trại của chị Pay Thị Huyền là một trong những mô hình kinh tế hiệu quả nhất của hội viên Hội LHPN xã. Điều đáng quý là người chủ trang trại này đã vượt qua được mặc cảm bản thân và dị nghị của người đời để dũng cảm đứng dậy, làm lại cuộc đời ngay tại bản làng mình”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ