Dạy trẻ cách phòng tránh xâm hại: Không nên né tránh!

GD&TĐ - Các chuyên gia tư vấn tâm lý cho rằng, ngoài gia đình, cần nhấn mạnh vai trò của nhà trường trong bảo vệ trẻ em, nhất là ở bậc mầm non và tiểu học. 

Lớp học ngoại khóa trang bị kỹ năng phòng chống xâm hại tình dục tại Trường THCS Nguyễn Huệ do cô Phạm Thị Thùy Loan đứng lớp.
Lớp học ngoại khóa trang bị kỹ năng phòng chống xâm hại tình dục tại Trường THCS Nguyễn Huệ do cô Phạm Thị Thùy Loan đứng lớp.

Vì vậy, cần bồi dưỡng các kiến thức về tâm lý và giáo dục giới tính cho GV, nhất là GV chủ nhiệm để vừa hiểu được HS, vừa hướng dẫn cho các em kiến thức, kỹ năng phòng tránh xâm hại phù hợp với nhận thức của lứa tuổi.

Phòng chống xâm hại tình dục cùng Minion

Sân Trường Tiểu học Núi Thành (Q. Hải Châu, TP Đà Nẵng) rộn ràng và náo nhiệt hơn khi nhân vật Minion xuất hiệu với nhiều câu hỏi thú vị: “Thế nào là xâm hại? Ai thường là thủ phạm trong các vụ xâm hại tình dục trẻ em? Những biểu hiện nào cho biết có ai đó sẽ tấn công mình? Làm thế nào để đối phó với xâm hại tình dục?”.

Chương trình do CLB Tư vấn và Tuyên truyền của Đoàn Trường THPT Hòa Vang thực hiện. Xen kẽ giữa phần hỏi - đáp là những tiểu phẩm ngắn tái hiện các vụ việc xâm hại tình dục trẻ em được các phương tiện truyền thông phản ảnh gần đây như “Câu chuyện trong thang máy”, “Sống chung với bố dượng”…

Cô Huỳnh Thị Thu Nguyệt - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Núi Thành nhận xét: “Cái hay là các em trong đội tuyên truyền của Trường THPT Hòa Vang đã chọn nhân vật hoạt hình Minion - rất gần gũi với lứa tuổi HS tiểu học để hóa thân. Cách thức tuyên truyền mang tính tương tác cao thông qua các tình huống, tiểu phẩm…, nội dung ngắn gọn và dễ nhớ, phù hợp nên rất thu hút sự tập trung chú ý của các bạn HS tiểu học vốn hiếu động”.

Ngoài HS khối lớp 3 - 4 - 5, GV trong toàn trường cũng tham dự chương trình tuyên truyền Minion cùng các em phòng chống xâm hại tình dục.

Cô Huỳnh Thị Thu Nguyệt cho biết, việc phổ biến các kiến thức, kỹ năng để tránh bị xâm hại, GV phải tìm những từ ngữ và cách chuyển tải phù hợp để HS vừa có thể tiếp thu vừa không gây ngộ nhận. Vì thế, trong trang bị các kỹ năng cho HS, Trường Tiểu học Núi Thành tách riêng khối lớp 1 - 2 để có cách thức phù hợp với tâm lý lứa tuổi.

Từ hơn một năm nay, đều đặn vào sáng Chủ nhật hằng tuần, lớp học kỹ năng sống do cô Phạm Thị Thùy Loan - Phó Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Huệ (Q. Hải Châu, TP Đà Nẵng) đứng lớp miễn phí được mở ngay tại trường.

Ngoài trang bị các kỹ năng mềm cho HS như làm việc nhóm, giao tiếp, thuyết trình…, cô Loan còn chú trọng tăng cường thêm kiến thức để HS có khả năng phòng chống bạo lực, phòng tránh bị xâm hại tình dục…

Từ câu chuyện bé gái bị sàm sỡ trong thang máy tại TP Hồ Chí Minh và một số phim ngắn cùng các số liệu thống kê về tình trạng trẻ em bị xâm hại, cô Phạm Thị Thùy Loan đã căn dặn HS một số nguyên tắc tối cần thiết như không nhận quà từ người lạ, không để ai sờ soạng vào khu vực mặc bikini, đóng cửa khi ở nhà một mình, tránh thay đồ hay đi vệ sinh ở nơi không kín đáo, không đi một mình khi trời tối hay ở những nơi vắng vẻ, nhanh chân rời đi khi người lạ đến gần, la lên để người khác hỗ trợ khi bị tấn công, không được im lặng nếu như mình là nạn nhân bị xâm hại…

Bảo vệ trẻ em thế nào?

HS Trường Tiểu học Núi Thành hào hứng tham gia chương trình Minion cùng các em phòng chống xâm hại tình dục.
HS Trường Tiểu học Núi Thành hào hứng tham gia chương trình Minion cùng các em phòng chống xâm hại tình dục.
“Việc phổ biến các kiến thức, kỹ năng cho HS để tránh bị xâm hại, GV phải tìm những từ ngữ và cách chuyển tải phù hợp để HS vừa có thể tiếp thu vừa không gây ngộ nhận”, 
Cô Huỳnh Thị Thu Nguyệt

Cô Phạm Thị Thùy Loan nhận xét rằng, không chỉ trẻ em mà nhiều phụ huynh cũng chưa ý thức hết về hành vi xâm hại tình dục.

“Nhiều người nghĩ rằng chỉ khi bị hiếp dâm mới là xâm hại” - cô Loan cho biết. Chính vì vậy, với những buổi học về kỹ năng phòng chống xâm hại tình dục, không chỉ dừng lại ở việc cung cấp khái niệm, cô Loan còn trình chiếu video để HS có nhận thức đúng về thực trạng, các hành vi xâm hại cũng như kỹ năng phòng tránh để biết cách xử lý.

Có cùng quan điểm như vậy, TS Nguyễn Thị Hằng Phương, giảng viên Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng) cho biết: “Trên thực tế, xâm hại có thể xảy ra bằng nhiều biểu hiện, ở nhiều mức độ khác nhau. Các hành vi có sự động chạm cơ thể từ “nhẹ” như ôm ấp, hôn, vuốt ve... đến “nặng” như cởi quần áo, sờ mó, cấu véo vùng kín của trẻ đều được xem là hành vi xâm hại”.

Chuyên viên tư vấn tâm lý Quách Nguyễn Hiền Hà (Trung tâm Cung cấp dịch vụ công tác xã hội Đà Nẵng) cho rằng, ngay từ trường mầm non cần dạy các cháu cách phòng vệ trước kẻ xấu, các cấp lớn hơn cần đưa giáo dục giới tính là một trong những bài học quan trọng để giúp trẻ phát triển an toàn, hình thành nhân cách và phòng vệ.

Cô Nguyễn Quốc Thư Trâm - Hiệu trưởng Trường Mầm non Bình Minh (Q. Hải Châu, TP Đà Nẵng) cho biết: “Ngay từ lớp nhà trẻ, khi thay áo quần cho trẻ, các GV đều được quán triệt rằng không nên cởi đồ cho bé trước mặt các bạn mà phải có khu vực thay quần áo riêng, kín đáo. Có những thói quen, trẻ phải được rèn luyện ngay từ nhỏ để trở thành nề nếp khi lớn hơn”.

Ở một góc độ khác, TS Hằng Phương cho rằng, về phía gia đình, bố mẹ phải luôn luôn ở bên con và lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của con; làm bạn cùng con và tạo sự tin tưởng thì con mới chia sẻ mọi việc; chính bố mẹ thay đổi quan điểm khi nói chuyện với trẻ về giới tính, về cách cưng nựng các vùng nhạy cảm của các con...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ