Đằng sau câu chuyện “áp lực” kỳ thi tuyển sinh vào lớp10

GD&TĐ - Tính đến ngày 9/6, hầu hết các tỉnh/thành trên cả nước đã hoàn tất kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập. Đánh giá chung cho thấy công tác thi năm nay tại các địa phương có nhiều đổi mới, đề thi không đánh đố HS, các quy chế thi được bảo đảm nghiêm túc, chặt chẽ. 

Đằng sau câu chuyện “áp lực” kỳ thi tuyển sinh vào lớp10

Tuy vậy, dư luận cũng như một số phương tiện truyền thông lại đặt ra vấn đề: Rằng kỳ thi năm nay khá căng thẳng và áp lực, thậm chí “còn hơn cả Kỳ thi THPT quốc gia”. Vậy đằng sau câu chuyện này là gì?

Trước hết phải thừa nhận một thực tế rằng số lượng thí sinh đăng ký dự thi vào lớp 10 THPT năm nay ở hầu hết các tỉnh, thành phố trên cả nước đều tăng đột biến, đặc biệt là đối với các thành phố lớn như Hà Nội và TPHCM, trong khi chỉ tiêu tăng không đáng kể, khiến tỷ lệ “chọi” vì thế cũng đột biến theo.

Cụ thể tại TPHCM, theo số liệu do Sở GD&ĐT công bố, TP có hơn 87.000 thí sinh đăng ký thi vào lớp 10 THPT năm học 2018 – 2019, trong khi tổng chỉ tiêu của 103 trường THPT công lập trên toàn TP là 67.000. Như vậy tại kỳ thi này, có hơn 22.000 thí sinh TPHCM sẽ không trúng tuyển.

Còn ở Hà Nội, cũng theo số liệu từ Sở GD&ĐT, năm nay có 94.964 thí sinh đăng ký dự thi vào lớp 10 (tính theo nguyện vọng đăng ký hồ sơ). Trong khi đó, số đăng ký dự thi năm 2017 là 76.246 em, với 50.960 chỉ tiêu.

Như vậy năm nay tăng hơn 18.700 em, trong khi chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập dù đã tăng khá nhiều nhưng cũng chỉ được tổng cộng 64.990 chỉ tiêu. Điều này đồng nghĩa với việc sẽ có tới chừng 30.000 thí sinh không trúng tuyển vào lớp 10 THPT công lập năm nay.

Không chỉ có vậy, việc dồn hồ sơ đăng ký vào các trường top đầu càng khiến tỷ lệ chọi tăng cao. Chẳng hạn Trường THPT Trần Hưng Đạo (quận Thanh Xuân) có 6.169 hồ sơ nhưng chỉ tuyển 675 chỉ tiêu, tỷ lệ chọi là 1/9.13. Trường THPT Tây Hồ nhận được 4.449 hồ sơ so với chỉ tiêu là 675, tỷ lệ chọi là 1/6.59. Trường THPT Trần Nhân Tông có 630 chỉ tiêu, số hồ sơ đăng ký là 3.271, tỷ lệ chọi là 1/5.19; Trường THPT Chu Văn An chỉ tuyển 225 nhưng có đến 719 hồ sơ đăng ký nguyện vọng 1, tỷ lệ chọi là 1/3.19...

Ai cũng hiểu lý do thí sinh đăng ký dự thi vào lớp 10 năm nay tăng đột biến so với mọi năm như vậy. Đó là lứa trẻ sinh ra vào năm 2003 được coi là “năm đẹp”, thường được gọi là thế hệ “dê vàng”. Thế nhưng không mấy ai chịu lý giải những áp lực và căng thẳng là từ đâu ra.

Sự đầu tư cho GD có hạn, số trường, lớp không thể tăng thêm đột biến, đội ngũ giáo viên cũng vậy. Việc Hà Nội tăng tới hơn 12.000 chỉ tiêu so với năm học 2017 - 2018 để đáp ứng nhu cầu tăng cao của HS đã cho thấy sự cố gắng lớn của TP.

Có thi cử là có cạnh tranh, có em đỗ có em trượt, tùy theo năng lực của mỗi em.

Quan sát tại các điểm thi, có thể nhận thấy, một số phụ huynh khá thảnh thơi, dù nói không sốt ruột thì không đúng, nhưng cũng có nhiều phụ huynh khác quả thật như đang ngồi trên đống lửa. Từ đó có thể dễ dàng nhận thấy những người tỏ ra bình tĩnh có lẽ là do đã xác định tâm lý cho mọi tình huống có thể xảy ra, hoặc đã tin tưởng vào học lực của con.

Số đông còn lại, có lẽ cũng không đến mức không tin tưởng vào khả năng con mình, nhưng chính áp lực do bản thân kỳ vọng đặt ra cho con, lại lấn át tất cả.

Với tâm lý phổ biến trong xã hội hiện nay của hầu hết các gia đình: Con học hết THCS là phải vào THPT, hết THPT là phải vào ĐH, không ngạc nhiên khi vào được lớp 10 trở thành mục tiêu tối thượng của HS, nếu không thì cũng là kỳ vọng lớn nhất của các bậc phụ huynh.

Có lẽ đây chính là nguyên nhân khiến thí sinh và các bậc phụ huynh thấy nặng nề và căng thẳng. Đối tượng được cho là gây ra sự áp lực và căng thẳng đó, lại bị quy kết là từ kỳ thi mà ra.

Những mẩu tin ngắn trên báo chí phản ánh nhanh về các buổi thi vừa qua ở Hà Nội cũng cho thấy nhiều điều tâm tư, khi mà có thí sinh tâm sự: “Con sẽ không dám nhìn mặt ai nếu thi trượt”. Có phụ huynh thì lắc đầu than thở: “Con trong phòng thi lo 1 thì mình lo 10, chẳng may trượt thì biết là thế nào đây…”.

Điều ấy là gì nếu không phải là yếu tố văn hóa thói quen và sự ngấm ngầm so sánh “con mình, con người” đã ngấm sâu vào tư duy của rất nhiều người: Rằng con đường bằng cấp là lối duy nhất vào đời, bằng mọi giá phải thực hiện cho được, còn không thì chấp nhận tốn kém cho con học trường ngoài công lập, chứ kể cả bần cùng bất đắc dĩ lắm cũng không thể nào mà vào trung tâm giáo dục thường xuyên hay một trường nghề nào đó…

Âu đó cũng là áp lực tự thân! Chừng nào còn những áp lực tự thân ấy, sẽ còn nhiều căng thẳng của cả thí sinh lẫn phụ huynh trong các kỳ thi, dù là vào lớp 10 hay vào ĐH!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ