Cô trò vùng cao say mê khoa học

GD&TĐ - 15 năm dạy học ở Trường THPT Sơn Dương (huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang), mỗi khi trò chuyện với GV mới, cô giáo Trần Thị Nga lại nhớ những ngày đầu tiên lên lớp, cô giáo trẻ vào lớp mặt cứ lạnh lùng nghiêm nghị khiến học trò đều…không rét mà run! Rồi sau đó, cô về nhà suy nghĩ làm cách nào để HS thoải mái nhưng vẫn nghiêm túc trong giờ học. Cuối cùng, giải pháp lại rất đơn giản…

Cô giáo Trần Thị Nga, trường THPT Sơn Dương (Sơn Dương) và các em học sinh bên sản phẩm “Hệ thống cảnh báo mất lái trên xe ô tô” đoạt giải Nhất tại Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp tỉnh dành cho học sinh trung học năm học 2017 - 2018.
Cô giáo Trần Thị Nga, trường THPT Sơn Dương (Sơn Dương) và các em học sinh bên sản phẩm “Hệ thống cảnh báo mất lái trên xe ô tô” đoạt giải Nhất tại Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp tỉnh dành cho học sinh trung học năm học 2017 - 2018.

Chào học sinh bằng nụ cười

Năm 2004, cô Trần Thị Nga sinh năm 1982, là GV mới của Trường THPT Sơn Dương. HS trong lớp nhiều độ tuổi, có em sinh năm 1986. Cô Nga người vốn nhỏ nhắn, hôm đầu tiên bước vào lớp cứ lo lắng không biết HS có bắt nạt mình hay không. Vì lo như thế nên cô lúc nào cũng tỏ ra nghiêm khắc, lạnh lùng. HS thấy cô thế thì căng thẳng lắm. Cô đặt câu hỏi, có HS giơ tay xung phong lên bảng nhưng cả 3 lần cứ nhìn cô là “tắc tịt”, không trả lời được. Hỏi vì sao thì trả lời: Em sợ…

Cô Nga về suy nghĩ, làm thế nào để HS thoải mái nhưng vẫn tôn trọng cô giáo. Và cô dùng tình cảm chân thành bày tỏ với HS. Một lần, cô gọi một HS lên bảng trả bài. HS mặc áo dài tay buông thõng, cứ toát hết cả mồ hôi lắp bắp trả lời cô. Cô Nga nhẹ nhàng bảo HS lại gần, xắn tay áo cho em rồi dặn: “Lần sau cứ bình tĩnh trả lời, không phải sợ đâu. Cô bình thường ý mà...”

Tối đó về nhà, cô Nga tự nhắc mình phải điều chỉnh bản thân. Cô phát hiện ra chỉ cần vào lớp cô giáo cười tươi là HS đã rất phấn khởi rồi. Và từ đó, lớp học của cô đã thân thiện hơn, có thêm những nụ cười của HS đón cô vào lớp.

Tự hào dạy môn học phụ có tính ứng dụng cao

100% HS học xong môn Công nghệ, khi va chạm với thực tế sẽ biết nên làm gì, làm như thế nào, sử dụng thế nào cho đúng kỹ thuật. Lúc đó, bộ môn tôi dạy sẽ rất có ý nghĩa. Vấn đề là GV dạy như thế nào để HS thấy được ý nghĩa đó.
Cô Trần Thị Nga

Cô Trần Thị Nga là GV công nghệ, phân môn Kỹ thuật công nghiệp. Đặc thù bộ môn Công nghệ gắn liền với thực tiễn các thiết bị máy móc sinh hoạt trong gia đình, chính vì vậy trong giờ học của cô HS rất hứng thú. Dù là môn học phụ nhưng có tính ứng dụng thực tế cao nên HS rất thích được cô khơi gợi khám phá, sáng chế. Điều này càng khiến cô Nga dốc sức nghiên cứu sâu hơn, tìm hiểu nhiều hơn, đáp ứng những gì HS mong muốn học hỏi.

Tính đến nay, cô Nga đã hướng dẫn nghiên cứu khoa học kỹ thuật cho 15 dự án với 30 HS, trong đó có 6 HS đạt thành tích cao ở cuộc thi KHKT cấp quốc gia, được vào thẳng ĐH. Tất cả HS được cô hướng dẫn đều đạt giải cấp quốc gia, cấp tỉnh. Năm 2016, cô Nga còn hướng dẫn nhóm HS tiểu học tham gia cuộc thi Sáng tạo xanh lần thứ nhất, đạt giải Nhất quốc gia.

Năm học 2016 – 2017, HS Đàm Gia Minh và Tống Việt Hà (năm nay học lớp 12 ở trường) dưới sự hướng dẫn của cô Trần Thị Nga đã sáng chế ra máy chăm sóc cây thông minh, đạt giải Ba cuộc thi KHKT cấp quốc gia. Máy chăm sóc cây thông minh có tính ứng dụng rất cao, được thực nghiệm trên những đồi chè tại Sơn Dương, xuất phát từ mong muốn việc chăm sóc và tưới cây được tự động hóa, không cần sự tác động của con người.

Đề tài thuộc hệ thống nhúng, có sự kết hợp giữa cơ khí và điện tử. Khó khăn ở chỗ HS miền núi chưa được đào tạo về lập trình một cách bài bản, hoàn toàn tự mày mò. Vì thế trong quá trình làm, cô trò gặp rất nhiều khó khăn, nhiều lần thất bại mới đi đến được thành công. Hiện nhà trường THPT Sơn Dương đang đề nghị huyện Sơn Dương và công ty chè giúp cho trường có được bản quyền sáng chế này.

Lãnh đạo UBND huyện Sơn Dương tặng Giấy khen cho cô giáo Trần Thị Nga có thành tích trong các cuộc thi sáng tạo Khoa học.
Lãnh đạo UBND huyện Sơn Dương tặng Giấy khen cho cô giáo Trần Thị Nga có thành tích trong các cuộc thi sáng tạo Khoa học.

Bỏ tiền túi hỗ trợ học sinh NCKH

Nhiều lần đưa HS đi các Hội thi NCKH, cô Nga thấy các đội ở thành phố đi thi với nguồn tài chính hỗ trợ dồi dào, công nghệ tiên tiến mà thấy… thèm. Phụ huynh ở nông thôn điều kiện hạn chế, mà chế tạo máy móc thì phải chi phí nhiều, mua các đồ về lắp ghép, nay sai mai sửa. Nhà trường và phụ huynh hỗ trợ, nhưng ngay chính GV hướng dẫn cũng bỏ tiền túi giúp HS mua thiết bị, trang trải chi phí đi lại…

Bên cạnh đó, ở miền núi nên nhiều khi cần công nghệ cao lại không đáp ứng được. Chính vi vậy, cô Nga phải lựa chọn những đề tài phù hợp tình hình địa phương dù như vậy sẽ phần nào bị hạn chế sự phát triển của ý tưởng, ảnh hưởng đến tính chính xác của nghiên cứu. HS miền núi còn gặp nhiều khó khăn trong khai thác, đọc tài liệu trên mạng, nhất là tài liệu tiếng Anh. Vậy nên đằng sau những kỳ tích nghiên cứu khoa học cô Nga và HS thực hiện đạt được giải cấp quốc gia là sự hi sinh về thời gian, công sức, trí tuệ của cô và trò.

Mới đây, 30 HS được cô Nga hướng dẫn NCKH đã tổ chức lễ tổng kết chặng đường nghiên cứu khoa học kỹ thuật của cô. Xem đoạn phim do chính HS sưu tập những hình ảnh cô trò từ thời còn chụp ảnh bằng điện thoại “cùi bắp”, ảnh thì mờ mịt, thấy rõ mỗi miệng cười, nhớ lại những kỷ niệm của các dự án, cô trò lại ôm nhau khóc.

Cô Trần Thị Nga rất vui khi thấy tất cả HS đều trưởng thành và luôn nhớ về cô giáo dạy môn phụ đã thổi lửa cho các em có được sự đam mê, theo đuổi mục tiêu đến cùng.

Buổi gặp gỡ hôm đó đã để lại ấn tượng rất sâu sắc với cô Trần Thị Nga, tiếp thêm cho cô sức mạnh, niềm tin tiếp tục dẫn dắt học trò Sơn Dương sáng chế nhiều dự án nghiên cứu khoa học có ích.

Chuẩn bị cho chương trình, SGK mới sắp tới, ngay từ năm học này, cô Trần Thị Nga đã áp dụng phương pháp tổ chức giờ học được gọi là Giáo án thang điểm 100, phát huy tối đa vai trò của HS. Trong giờ học, khoảng 70 – 80% là hoạt động của HS, cô giáo chỉ đóng vai trò điều khiển. Khi áp dụng một phương pháp, HS sẽ lên trình bày những gì tìm hiểu được, các bạn bên dưới đặt câu hỏi và các HS thuyết trình trả lời. Với cách này, HS thể hiện được sự năng động, tự chủ, sáng tạo, mạnh dạn, tự tin khi trao đổi với nhau trong giờ học.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Tham vọng đi vào lịch sử

GD&TĐ - Bầu cử Quốc hội ở Ấn Độ luôn là sự kiện không nơi nào trên thế giới có thể sánh được về quy mô và thời gian.