Cô hiệu trưởng tâm huyết với giáo dục chuyên biệt

GD&TĐ - Cô Đỗ Thị Hiền - Hiệu trưởng Trường GD chuyên biệt Tương Lai (Quận 1 - TPHCM) luôn không ngừng học hỏi và dành nhiều tâm huyết, sáng kiến, giải pháp để giáo dục trẻ khuyết tật phát triển, hòa nhập cộng đồng. 

Cô Đỗ Thị Hiền - Hiệu trưởng Trường Giáo dục chuyên biệt Tương Lai - Quận 1, TPHCM.	 Ảnh: NVCC
Cô Đỗ Thị Hiền - Hiệu trưởng Trường Giáo dục chuyên biệt Tương Lai - Quận 1, TPHCM. Ảnh: NVCC

Tâm huyết với nghề

Giáo dục chuyên biệt không phải là ngành chính mà cô Đỗ Thị Hiền chọn khi mới ra trường. Trước đây, cô Hiền từng công tác hơn 22 năm ở khối mầm non, trong đó 19 năm trực tiếp đứng lớp, 3 năm làm quản lý. Đến tháng 9/2009, được điều động luân chuyển giữ chức Hiệu trưởng Trường chuyên biệt Tương Lai, cô Hiền mới bắt đầu làm quen với giáo dục trẻ khuyết tật. 

Dù đã có kinh nghiệm giảng dạy nhiều năm nhưng những ngày đầu qua môi trường mới làm quản lí, cô Hiền không khỏi lo lắng. HS trường khuyết tật khó khăn khi hòa nhập, quá khác so với nơi trước đó cô công tác. Nhiều em không biết đi vệ sinh hay có những biểu hiện khác với trẻ bình thường. Có em lớn hơn tuổi đi học rất nhiều mới được vào trường. Riêng việc dạy cho các em biết đi vệ sinh cũng là cả một quá trình. Tận mắt chứng kiến hoàn cảnh của trẻ, không ít lần cô Hiền rơi nước mắt vì thương cảm. 

Có một kỷ niệm lúc mới về trường cô vẫn không quên. Ấy là khi cô bị một HS đang bộc phát bệnh cắn chảy máu, đến bây giờ ở tay vẫn còn vết sẹo. “Thời gian đầu vì không có kiến thức, không có chuyên môn về giáo dục đặc biệt nên tôi khá lúng túng khi các em lên cơn động kinh, co giật, la hét, sùi bọt mép… Để hiểu và giáo dục các em tôi phải tự tìm tài liệu nghiên cứu tìm cách xử lý. Lúc đó cũng chưa có nhiều chương trình bồi dưỡng, tập huấn cho GV, tôi phải đi học hỏi kinh nghiệm từ các thầy cô trường chuyên biệt khác”, cô Hiền         cho biết.

Cô Đỗ Thị Hiền (thứ 2 bên trái) cùng giáo viên trong trường. Ảnh: NVCC
Cô Đỗ Thị Hiền (thứ 2 bên trái) cùng giáo viên trong trường.     Ảnh: NVCC

Không chỉ vất vả trong dạy học và quản lý đối tượng học trò đặc biệt, cô Hiền còn phải đối mặt với những khó khăn về điều kiện cơ sở vật chất. Ngày cô mới nhận công tác, Trường chuyên biệt Tương Lai khá xập xệ, trang thiết bị thiếu thốn. Khó khăn chồng chất, nên gia đình cũng ái ngại thay, khuyên cô nên chuyển sang trường khác. Nhưng tình thương với những đứa trẻ kém may mắn đã níu giữ cô ở lại. 

Đau đáu với tâm nguyện làm thế nào để xây dựng lại ngôi trường mới được khang trang hơn, các em được chăm sóc tốt hơn, năm 2009 cô mạnh dạn đề xuất xây trường mới lên UBND Quận 1. Thời điểm đó, có nhiều ý kiến trái chiều: “Trường chỉ vài chục em học sinh làm gì phải xây dựng mới với hàng tỷ đồng...”. Nhưng nhờ kiên trì thuyết phục và tầm nhìn xa cùng tình yêu thương, tâm huyết của cô với trẻ khuyết tật, đề xuất trên đã nhận được sự ủng hộ cao của các cấp lãnh đạo. Cuối năm 2009 UBND Quận 1 đã cử cán bộ xuống khảo sát và đến tháng 7/2011 trường chính thức được xây mới với kiến trúc hiện đại và khang trang. 

Nhiều sáng kiến đổi mới 

Cô Hiền cùng các đồng nghiệp hướng dẫn HS tham gia thi vẽ tranh tuyên truyền phòng chống dịch Covid-19. Ảnh: NVCC
Cô Hiền cùng các đồng nghiệp hướng dẫn HS tham gia thi vẽ tranh tuyên truyền phòng chống dịch Covid-19.    Ảnh: NVCC

Cho đến nay, ở Trường chuyên biệt Tương Lai, mọi thứ đã đi vào nề nếp. Gắn bó bao năm với HS, biết được hoàn cảnh gia đình của từng em, cô Hiền càng thấy mình phải san sẻ, yêu thương các em nhiều hơn. “Các em rất vô tư, cho dù là khuyết tật trí tuệ nhưng HS rất giàu tình cảm, ngộ nghĩnh và đáng yêu. Có em để dành từng viên kẹo từ mấy ngày trước chỉ để tặng cho cô, bắt cô ăn cho bằng được. Nhiều em ngồi chờ chỉ để gặp và chào cô rồi về, kể cả những hôm cô đi họp chiều về muộn”, cô Hiền chia sẻ.

Chính bởi tình thương và tâm nguyện nâng cao chất lượng chăm dạy đối với trẻ khuyết tật mà những năm qua, cô Đỗ Thị Hiền không ngừng nghiên cứu, tìm tòi, sáng tạo tìm ra các giải pháp để thực hiện tốt công tác quản lí. Để GV trường có điều kiện giao lưu học hỏi với các đồng nghiệp, cô đã hỗ trợ tổ chức nhiều hoạt động như Hội thi GV dạy giỏi HS khuyết tật trí tuệ, Hội thi đồ dùng dạy học - đồ chơi HS khuyết tật, Hội thao HS khuyết tật cấp thành phố…

Một số sáng kiến, chuyên đề cấp quận của cô cũng đã được các ban ngành, trường học quan tâm chia sẻ, ứng dụng như: “Một số giải pháp chỉ đạo thực hiện công tác tư vấn, tuyên truyền can thiệp sớm trong trường chuyên biệt”; “Một số biện pháp rèn luyện kỹ năng sống cho trẻ khuyết tật trí tuệ ở lớp can thiệp sớm”, “Một số phương pháp hướng dẫn trẻ tự kỷ tập trung chú ý, giao tiếp bằng mắt”…

Để trò hòa nhập tốt hơn, cô Hiền còn tích cực tổ chức các hoạt động lễ hội, kỉ niệm Ngày Người khuyết tật Việt Nam và Ngày Người khuyết tật Thế giới, ngày hội trẻ Tự kỉ, ngày hội chứng Down… Gần đây nhất, Hội thi vẽ tranh tuyên truyền phòng chống Covid-19 do cô khởi xướng đã tạo ra sân chơi lành mạnh bổ ích cho HS, giúp các em hoà nhập tốt với bạn bè, với cuộc sống...

Nỗ lực đóng góp cho sự nghiệp phát triển giáo dục chuyên biệt trong 13 năm qua, cô Đỗ Thị Hiền đã vinh dự nhiều năm liền là chiến sĩ thi đua cấp thành phố, nhận Bằng khen của UBND TPHCM, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và nhận giải thưởng Võ Trường Toản, cùng nhiều giải thưởng cao quý khác.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hình ảnh giả mạo salon ô tô trên Facebook để lừa đảo.

Lập salon ô tô 'ma' để lừa đảo

GD&TĐ - Hoàng Văn Cương và Nguyễn Anh Văn tạo dựng salon ô tô 'ma', sau đó đăng thông tin giả bán xe để chiếm đoạt tiền đặt cọc.