Cô giáo của học trò Đan Lai

GD&TĐ - Đồng lương giáo viên ít ỏi, kinh tế gia đình không khá giả gì, còn phải nuôi 2 con nhỏ, nhưng cô giáo người Thái vẫn rộng lòng nhận 6 đứa trẻ Đan Lai về nhà nuôi ăn ở, học hành.

Cô giáo của học trò Đan Lai

Những đứa trẻ ấy giờ đã học lên cấp 2, còn cô giáo vẫn tiếp tục nhận đỡ đầu những em học sinh khó khăn khác, để đường đến trường của các em bớt gập ghềnh hơn…

Vào khe dạy học

“Ra trường, nhận công tác, là tôi được phân công vào “trong khe” luôn” - cô giáo Vi Thị Cúc kể lại. Trong khe ở đây là vùng đất Khe Khặng gồm những bản nhỏ như Khe Búng, Cò Phạt, Khe Lẻ, Khe Cồn… nơi sinh sống của bà con tộc người Đan Lai tận trong lõi rừng quốc gia Pù Mát.

Ấy là vào năm 1998. Sau một ngày vượt rừng, vượt khe, cô giáo trẻ cùng 4 đồng nghiệp đều đang ở lứa tuổi đôi mươi đặt chân đến điểm trường Khe Búng,Trường Tiểu học 3 Môn Sơn (huyện Con Cuông, Nghệ An). Trường học bằng tranh tre, mấy tấm gỗ đóng sơ sài thành bàn ghế. Nhà công vụ của giáo viên cũng chỉ được ghép tạm bằng mấy tấm phên, trên lợp bằng lá cọ, trống hoác. Nhìn nhau rơi nước mắt. Đêm đầu tiên, rừng sâu tĩnh mịch, gió lạnh lùa qua khe cửa, ngọn đèn dầu phập phù. “Mỗi đứa ngồi một góc, cứ thế khóc thút thít, không thành tiếng”, cô Cúc nghẹn giọng.

Cô Vi Thị Cúc là người dân tộc Thái, ở xã Lục Dạ, huyện Con Cuông. Sinh ra từ mái nhà sàn, đối với cô, núi rừng, sông suối chẳng phải là điều xa lạ. Nhưng ở đây, trong rừng sâu này, là một thế giới khác, biệt lập vô cùng. Đó là điểm dừng chân của người dòng họ La (làng Đan Nhiệm, huyện Thanh Chương) xa xưa, trong cuộc chạy trốn lịch sử dài qua bao nhiêu thế hệ khỏi chúa đất độc ác.

Đến nỗi họ phải bỏ đi phong tục tập quán cũ, bỏ cả tiếng nói, gốc gác dân tộc Kinh của mình, để không ai có thể tìm thấy. Cho đến khi thời cuộc đổi thay, nỗi sợ hãi năm xưa trôi vào quên lãng thì họ đã thành một tộc người mới – Đan Lai – với ngôn ngữ mới, cùng nhiều tập tục kỳ lạ sống bí ẩn giữa đại ngàn. Và những người thầy, người cô vào đây, phải vừa dạy vừa học. Học tiếng nói, học giao tiếp, học làm quen với cuộc sống của bà con, và học cách dạy dỗ cho những đứa trẻ của vùng đặc thù mà chưa một giáo trình hay giờ thực tập nào của trường sư phạm từng nhắc đến.

Nhưng khi chạm vào mắt những đứa trẻ Đan Lai, thì trong lòng thầy cô lại chùng xuống. “Các em ngây thơ quá, chưa biết gì cả, thầy cô nói sao nghe đó, làm cho mình tự thấy có trách nhiệm cần phải chăm sóc, lo lắng, quan tâm”, cô Cúc nói. Vậy là lại gạt đi những khó khăn, gian khổ, thiếu thốn để đứng lớp. Ở trong này, ngoài bộ đội biên phòng ra, thì chỉ có các thầy cô giáo tìm đến đây, ở lại và đem dạy cái chữ cho trẻ con nên dân bản thương và quý lắm.

Giáo viên thiếu thốn nhiều thứ, nhưng họ cũng nghèo khổ, làm gì có để cho thầy, cho cô, chỉ có khoai ăn khoai, có sắn ăn sắn với nhau. Mùa đông lạnh cóng, những đứa trẻ đến lớp, chỉ có cái áo mỏng, còn lại không có quần, không dép, không mũ. Thế là cô Vi Thị Cúc nghĩ ra các trò chơi vận động, làm nóng người, để các em quên đi cái rét mới bắt đầu học được. Giờ ra chơi, cô trò đốt lửa ngồi xung quanh sưởi ấm. Cô đã dạy cho các em rất nhiều hoạt động tập thể, hát múa, kể chuyện. Cũng chính nhờ thế mà khuấy động phong trào học tập ở bản làng này sôi nổi hẳn lên. “Các em cũng thích đi học, thích đến trường hơn, giảm hẳn tình trạng học sinh bỏ học”, cô giáo mỉm cười nhớ lại…

Nhận nuôi học sinh Đan Lai

Năm học 2013 – 2014, theo chủ trương của ngành giáo dục, lớp học ở bản Khe Lẻ xóa bỏ, có 7 em học sinh ở đây được về điểm trường chính Môn Sơn 3. Nhà trường, Phòng GD&ĐT huyện Con Cuông họp vận động phụ huynh gửi con đến nhà họ hàng, hoặc người quen để các em được tiếp tục đi học. Nhưng bà con Đan Lai nhất định không chịu. Thời điểm đó, cô Cúc mới được “trả” về điểm trường chính. Bà con ý kiến: Nếu cô Cúc mà nhận nuôi các cháu, thì cho các cháu ra trường đi học; còn gửi người khác không yên tâm.

“Lúc dạy học ở bản, các cháu cũng quen học tập, ăn uống cùng cô như mẹ rồi, nên thấy phụ huynh nói thế, thì tôi nhận, vừa là giúp nhà trường, nhưng cũng vì thương các em”. Mấy đứa trẻ từ lớp 1 đến lớp 4, về hết nhà cô giáo. Chồng đi làm xa, một mình nuôi 2 con nhỏ, quản thêm 6 đứa học trò ở tuổi quậy phá, nghịch ngợm, cô Vi Thị Cúc xoay như chong chóng. Sáng cô dậy nấu cơm, gọi lũ trẻ dậy, chở mấy chuyến mới đưa hết các em đến trường.

Chẳng may ốm đau cũng là cô đưa đi bệnh viện khám. Các em ở trong khe ra còn giữ nhiều nét sinh hoạt hoang dã, mất vệ sinh, cô phải dạy lại từ đầu, từ tắm rửa, đến giặt quần áo, cách nói chuyện, hòa nhập với nơi ở mới… “Thấy cô vất vả nên bố mẹ các em đưa tiền chế độ học sinh dân tộc thiểu số cho cô để mua thức ăn. Tôi cũng ghi chép rõ ràng các khoản chi tiêu, sau này, vẫn còn dư tiền để gửi lại cho phụ huynh. Đến năm học sau thì các em đã quen với trường mới, bố mẹ các em cũng tìm được nhà để gửi con nên cô được nghỉ trông trẻ. Năm học sau, tôi lại tiếp tục nhận nhiệm vụ cắm bản trong khe”.

Những năm tháng tuổi trẻ đi biền biệt, nhớ chồng, nhớ con quay quắt, đứt ruột gan. Đến nỗi người chồng thương yêu và thông cảm cho vợ rất nhiều, vẫn đôi lần nổi giận: “Tại sao em cứ đi suốt như thế?” Ngày xưa phải đi bộ, mất cả ngày trời nên không phải lúc nào cũng về được. Đến khi có thuyền máy chạy dọc theo sông Giăng để về nhà, thì tiền xuống đắt quá. “Mỗi chuyến là 30 nghìn, cả về lẫn đi là 60 nghìn, mà hồi đó lương của tôi chỉ có khoảng 400 nghìn/tháng. Nếu đi về liên tục thì lấy tiền đâu nuôi con, nên đành phải nhịn, mỗi tháng chỉ dám về một lần”, cô Cúc chia sẻ.

Thời gian dạy học ở gần nhà dài nhất là 3 năm, khi ấy, cô Cúc sinh 2 cháu. Khi cháu lớn 3 tuổi, cháu nhỏ tròn 10 tháng, là cô phải xa con tiếp tục đi “nghĩa vụ”. Căng sữa, xót con, nhưng chiều chủ nhật, cô giáo lại trở vào điểm trường, với học sinh. Trường thiếu giáo viên, ai cũng có hoàn cảnh, người sức khỏe yếu, người mới sinh, người thì có cha mẹ già... nên phải chia nhau để cắm bản thôi. Mình là người lớn, mình hiểu được điều đó, nhưng trẻ con, nó không hiểu. Đến giờ, cháu thứ 2 của tôi thỉnh thoảng vẫn hờn mẹ, và tỵ nạnh anh trai, vì “lúc mới sinh anh được ở gần mẹ nhiều hơn, còn em mới 10 tháng mẹ đã vào trong khe rồi, nên em còi, chậm lớn, anh phải nhường nhịn và chăm sóc em”...

Khi tôi vào trong khe, đến 2 điểm trường Khe Búng và Cò Phạt, đi con đường mà cô giáo Vi Thị Cúc đã quen thuộc đến từng cái dốc Có, dốc Cổng trời… dù giờ đây đã đỡ khổ hơn, nhưng vẫn vô cùng chật vật. Vào đến nơi, là cảnh tượng yên bình. Là người người dân bản hiền lành, thật thà. Là tình cảm quý mến thầy cô. Và khi nhắc đến cô giáo Vi Thị Cúc, ai nấy đều nói: Nhớ chứ, cô dạy con ta mà, cô giáo của học sinh Đan Lai mình đó”!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thí sinh dự thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức năm 2024. Ảnh: VNU-HCM

Trường ĐH KHXH&NV TPHCM tuyển mới 3 ngành

GD&TĐ - Kinh doanh thương mại Hàn Quốc, Quốc tế học và Nghệ thuật học lần đầu được Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TPHCM tuyển sinh.