Bồi dưỡng giáo viên: Hiệu trưởng phải là “thuyền trưởng”

GD&TĐ - Là hiệu trưởng năng động, luôn chủ động đổi mới sáng tạo, cô Nguyễn Thị Nhiếp - Hiệu trưởng Trường THPT Yên Hòa (Hà Nội) cho rằng, hiệu trưởng không chỉ làm quản lý mà còn tham gia giảng dạy, bồi dưỡng giáo viên nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục, nhất là tới đây chương trình giáo dục phổ thông mới được triển khai áp dụng.

Bồi dưỡng, nâng cao năng lực sư phạm là nhu cầu tự thân của mỗi giáo viên
Bồi dưỡng, nâng cao năng lực sư phạm là nhu cầu tự thân của mỗi giáo viên

Kết nối giữa “bồi” và “dưỡng”

Chia sẻ kinh nghiệm về bồi dưỡng, phát triển chuyên môn cho giáo viên, cô Nhiếp bật mí: Thứ nhất, khi bồi dưỡng cần xác định rõ: Gốc kiến thức - Sức phương pháp. Cô phân tích, việc đổi mới nhờ cập nhật kiến thức và phương pháp là điều kiện quan trọng số một. Mỗi đánh giá đều cần xem xét trên cơ sở nắm bắt và làm chủ những điểm mới.

Thực tế, khi giáo viên chắc về kiến thức sẽ xác định rõ đâu là kiến thức trọng tâm của bài. Khi giáo viên giỏi phương pháp sẽ biết sử dụng phương pháp dạy học nào để truyền đạt kiến thức trọng tâm đó đến với học sinh một cách đơn giản nhất, dễ hiểu nhất.

“Vì thế, các chuyên đề bồi dưỡng, các ví dụ được nêu ra trong buổi bồi dưỡng cần phải có sự cập nhật, củng cố cả kiến thức và phương pháp. Sự tương tác giữa kiến thức và phương pháp trong chuyên đề bồi dưỡng sẽ làm cho giáo viên thấy và nhận được nhiều điều mới, cần cho công việc của mình. Do đó, họ quan tâm hơn và hứng thú hơn với việc bồi dưỡng và tự bồi dưỡng” - cô Nhiếp chia sẻ.

Thứ hai, phải có sự kết nối giữa “bồi” và “dưỡng”. Theo cô Nguyễn Thị Nhiếp, thực tế, ở đâu đó công tác bồi dưỡng giáo viên chưa đạt hiệu quả bởi vì chúng ta thường là “bồi” mà không “dưỡng”, hoặc có khi là “dưỡng” mà không “bồi”. “Bồi” không “dưỡng” là trút và bồi đắp nhanh những nội dung hoặc hướng dẫn kỹ năng mới mà không có đồng hành sau đó.

Giáo viên tham dự, đi tập huấn rất hào hứng nhưng khi về trường không được sẻ chia, thiếu bạn đồng hành nên lại quen về nếp cũ, bánh xe tìm những nẻo đường mòn. “Dưỡng” không “bồi” là lối tập huấn quen và cũ từ nội dung đến những kêu gọi đổi mới. Đôi nơi tổ chức hoành tráng, liên hoan và họp mặt giao lưu để thêm yêu nghề nhưng lại thấp về tính thông tin.

“Để khắc phục hạn chế đó, ở ngôi trường mà tôi quản lý, sau mỗi đợt “bồi”, thường có kế hoạch “dưỡng” thông qua các hội giảng, hội thi… Với công tác “dưỡng”, không chỉ là phần thuyết trình, báo cáo của chuyên gia mà chúng tôi rất chú trọng việc “bồi” bằng hình thức trải nghiệm, thực hành ngay trong buổi học. Nói cách khác, công tác bồi dưỡng của chúng tôi luôn có sự kết hợp chặt chẽ giữa lý thuyết và thực hành, có sự tự đánh giá, nhận xét và chia sẻ kinh nghiệm của chính những người tham gia, của chuyên gia” - cô Nhiếp trao đổi.

Cũng theo cô Nhiếp, điều không thể thiếu là sự tổng kết, nhận xét, tuyên dương khen thưởng các cá nhân, tập thể thực hiện tốt chuyên đề bồi dưỡng đó trước hội đồng giáo dục, trước học trò, trước cha mẹ học sinh. Lòng tự trọng, trách nhiệm của người làm thầy được tuyên dương khen thưởng trước hội đồng giáo dục, trước học trò, trước cha mẹ học sinh đã giúp chúng tôi nhân lên nhiều nhà giáo tâm huyết khác trong nhà trường.

Tự học, tự bồi dưỡng không bao giờ cũ

Thứ ba, công tác bồi dưỡng phải đáp ứng nhu cầu. Có những lúc việc bồi dưỡng đã không “sát” trình độ, chúng ta cấp phát bồi dưỡng thứ mà giáo viên không cần, không dùng được với công việc của họ. Đó là việc cung không đúng cầu. Để công tác bồi dưỡng đạt hiệu quả thì câu hỏi đầu tiên mà nhà quản lý phải trả lời với giáo viên là tại sao họ phải bồi dưỡng và tự bồi dưỡng.

“Mỗi ngôi trường, mỗi mô hình khác nhau, nhà quản lý cần nắm chắc, thấu hiểu và giải thích được tại sao giáo viên của mình phải tham gia bồi dưỡng? Ở mỗi độ tuổi, họ cần bồi dưỡng gì và bồi dưỡng như thế nào?... để từ đó có những chuyên đề bồi dưỡng phù hợp nhằm mang lại hiệu quả” - cô Nhiếp trao đổi.

Cho rằng nhu cầu được bồi dưỡng và tự bồi dưỡng của giáo viên rất lớn, cô Nhiếp chia sẻ: Nhà quản lý không phải giải thích nhiều về câu hỏi tại sao giáo viên phải bồi dưỡng và tự bồi dưỡng. Điều quan trọng là phải tìm được những chuyên đề rất cập nhật, rất đổi mới và ngày càng thiết thực cho công tác giảng dạy của giáo viên.

“Mọi sự thay đổi đều khó khăn nhưng sẽ khó khăn hơn nếu như chúng ta không thay đổi gì. Lúc bắt đầu luôn là lúc khó khăn nhất, nhưng tôi tin tất cả chúng ta, đặc biệt là các nhà quản lý giáo dục sẽ có chương trình bồi dưỡng đội ngũ giáo viên chất lượng cả về nội dung và phương pháp để chúng ta có tâm thế chủ động, tự tin khi thực hiện chương trình sách giáo khoa mới”. 
  
Cô Nguyễn Thị Nhiếp

“Sâu thẳm trong lòng mình, đa số giáo viên đều có nhu cầu được ghi nhận, được đánh giá, được khẳng định giá trị của mình trước đồng nghiệp, trước học trò. Mỗi nhà quản lý cần nhìn được ánh sáng lấp lánh đó ở mỗi giáo viên, từ mỗi chuyên đề bồi dưỡng cụ thể để ghi nhận, khích lệ họ và chính họ sẽ là người tích cực giúp các nhà quản lý bồi dưỡng cho giáo viên khác được tốt hơn ở những chuyên đề bồi dưỡng tiếp theo” - cô Nhiếp cho hay.

Thứ tư, hiệu trưởng vừa là người tham gia bồi dưỡng vừa là người tổ chức bồi dưỡng. Theo kinh nghiệm của cô Nhiếp, để công tác bồi dưỡng hiệu quả thì hiệu trưởng phải là người cùng tham gia bồi dưỡng với đồng nghiệp và là người tổ chức bồi dưỡng cho đồng nghiệp. Khi tham gia bồi dưỡng, hiệu trưởng không chỉ được học thêm kiến thức, phương pháp mà còn gần gũi để hiểu hơn về tâm lý, những khó khăn, vướng mắc của đội ngũ giáo viên, để từ đó xác định những nội dung mà đội ngũ giáo viên của mình cần được bồi dưỡng và bồi dưỡng theo cách nào.

Hiệu trưởng phải là người nắm chắc nội dung và phương pháp bồi dưỡng đội ngũ giáo viên; phải là người cùng học, chân thành chia sẻ những khó khăn của bản thân về nội dung bồi dưỡng và sẵn sàng hướng dẫn giáo viên khi họ chưa thạo, chưa rõ về nội dung bồi dưỡng. Hiệu trưởng hãy tận dụng các hoạt động giáo dục của nhà trường để tổ chức và thực hiện công tác bồi dưỡng, nhen lửa nhiệt huyết cho đội ngũ giáo viên.

“Tôi đã từng rất thành công khi tổ chức các lớp bồi dưỡng mà giáo viên phải đóng tiền để mời chuyên gia. Điều đáng nói là họ học một cách say mê và hào hứng ngay cả khi lớp học được tổ chức vào buổi tối. Và tôi cũng đã từng rất buồn khi tổ chức các lớp bồi dưỡng bao cấp hoàn toàn mà không ít cán bộ quản lý lẫn giáo viên lừng khừng, lẩn trốn, bỏ ra ngoài, thờ ơ… Nhìn lại chính bản thân mình khi tham gia các lớp bồi dưỡng và tổ chức các lớp bồi dưỡng; tôi còn nhiều băn khoăn trăn trở: Làm thế nào để công tác tự học, tự bồi dưỡng trở thành nguyện vọng tự thân của người làm thầy. Tự học, tự bồi dưỡng không bao giờ cũ và hết đối với mỗi nhà giáo” - cô Nhiếp nêu quan điểm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ