Bố... và mùa thi

GD&TĐ - Có những trưa hè, tôi chập chờn chìm trong giấc ngủ miên man. Tiếng quạt máy chạy ù ì bên tai. Văn phòng vắng lặng. Ngoài ô cửa, nắng chói chang rực rỡ. Bỗng nhiên tôi lại nhớ đến bố, nhớ về một mùa hạ, một mùa thi đã xa trong ký ức.

Bố... và mùa thi

Những chú ve sầu thảng thốt kêu vang trong những tán phượng đang thắp lửa trên nền trời. Mấy cô cậu học trò đùa nhau xôn xao một góc đường bằng lăng tím biếc. Ngày chia tay nào cũng vậy, tiếng cười không giấu được những nỗi suy tư. Một tiếng còi kem khô khốc vang lên đâu đó khiến tôi tỉnh giấc.

Hè đến, quê tôi tất tả vào mùa. Vừa gặt xong đã làm đất gieo mạ. Rồi vội vàng lên đồng nhổ lạc. Chưa cấy ráo tay lại quay ra làm đất trồng ngô. Rồi làm cỏ lúa... Mùa hạ, quê tôi bão bùng giăng kín thất thường. Bố sấp ngửa cả ngày ngoài đồng từ sáng sớm tới tối mịt. Hạt thóc, củ lạc gánh về, hạt lúa, hát ngô mọc lên cũng quằn quại nắng mưa...

Tháng Sáu về, những đứa bạn cùng lứa ríu rít kéo nhau ra thành phố luyện thi đại học. Tôi lặng lẽ nấp sau đống lúa mới gặt về, nuốt vội giọt mồ mặn chát, nước mắt tràn hai khóe mi. Bố cắn chặt môi, nhặt vội bó rơm con cúi, một mình ra đồng.

Có những ngày, tôi ngồi một mình giữa bốn bức tường nóng hầm hập đánh vật với cái chữ, con số. Ngoài kia, nắng như đọng thành giọt trên sân lúa vàng ươm. Tiếng những con sẻ nâu thỉnh thoảng ngơ ngác vang lên nghe thao thiết ngoài mái hiên.

Tôi vẫn cứ ngồi đó, cố xoa dịu cái bức bối trong lòng và làm hòa với những trang sách. Rồi trời sầm sập đổ mưa. Con mái mơ nháo nhác chạy, đẻ tuột quả trứng hồng rơi ngay giữa lối đi.

Tôi vội vã lao ra giữa sân, thả những nhát cào vô vọng vào dòng nước xối xả. Thóc lép nổi lềnh bềnh dưới chân. Tôi nức nở khóc trong mưa. Trong cơn sấm sét liên hồi chợt thấy xung quanh bỗng tối sầm lại, tôi đổ gục lúc nào không hay.

Đêm đó, tôi lên cơn sốt. Trong cơn mê, tôi thấy sách, vở, bút, mực bỗng mọc chân và chạy tứ tung. Tôi cố gắng đuổi theo, ú ớ mệt nhoài cho tới sáng. Lúc tỉnh dậy thấy bố đã ngủ gục cạnh đầu giường từ khi nào, bát cháo để trên bàn khói nghi ngút.

Tôi vừa húp xì xụp vừa không ngừng thắc mắc đêm qua mưa gió thế bố đi hái tía tô ở đâu. Mùa hè năm ấy đi qua tôi dài đằng đẵng. Tôi lại giam mình trong bốn bức tường tróc lở. Trong tôi như có một ngọn lửa đang cháy.

Tôi cố gắng nhồi nhét vào đầu tất cả những điều đã được học và mong chóng đến ngày được ra Hà Nội dự thi. Tôi vùi mình trong những trang sách khô khốc, bỏ mặc ngoài kia gió mưa bão bùng hay những lo toan hối hả của ngày mùa.

Bố thường về dọn kịp sân phơi trước khi cơn giông ùn ùn kéo đến. Xong rồi, bố chống nạnh đứng bên hiên mắng ông trời một tiếng rõ to rồi lại cười lớn. Mồ hôi ướt đầm vai áo ông. Mỗi lần nhìn cảnh đó, tôi lại thấy sống mũi cay cay.

Mùa hè năm ấy, tiếng mấy con gà mái mơ cũng lạc đi vì bố tôi đã không vặn lùn rơm cho chúng cuộn ổ. Tôi bắt đầu thấy ngán vì bữa cơm triền miên món trứng luộc dù ngày thường đó là điều hiếm hoi. Bố vừa cạo cháy cơm vừa thủ thỉ: “Ráng ăn đi con.

Nhất định điểm ba môn phải có quả trứng tròn lủng lẳng đằng sau!”. Cổ họng tôi chợt nghẹn đắng. Tôi buông đũa, bần thần đứng dậy đi vào trong. Khi chỉ có một mình, tôi lại khóc. Tiếng con gà mái mơ cục tác tìm ổ trứng lại vang lên nghe não lòng.

Chỉ có một điều duy nhất khiến tôi thấy thích thú trong mùa hè năm ấy. Đó là những que kem đá của lão què từ thị trấn mang lên. Đó dường như cũng là niềm vui lớn nhất của những đứa trẻ quê tôi.

Lão lập cập đạp chiếc xe cà tàng, một tay cầm lái, tay kia bóp chiếc ống nhựa có gắn loa kêu bíp be. Lũ trẻ xôn xao đuổi theo. Tiếng reo hò, tiếng còi kem vang tận vào nơi căn phòng tôi đang ôn bài. Lòng tôi cũng thấy rạo rực.

Và bố thường về nhà vào những khi nắng gay gắt nhất, đưa vội cho tôi que kem rồi lại đi ngay. Tôi sung sướng như đứa trẻ lên mười, chọp chẹp nếm vị kem ngọt lịm vừa xuýt xoa vị đá mát lạnh. Những lúc ấy tôi thấy hạnh phúc vô cùng. Mọi lo âu đều tan biến, tôi cảm thấy cánh cửa vào đại học cũng nới rộng hơn ra với mình. Với tôi, đó là những cây kem ngon nhất trên đời.

Gần đến ngày thi, bố cơm đùm cơm nắm dắt díu tôi ra Hà Nội. Trời nóng như nung. Bố khoác chiếc ba lô cũ sờn, tay ôm cặp sách to sụ mà mồ hôi chảy ròng ròng.

Tôi mướt mải quấn theo bước chân ông. Hai bố con lang thang qua không biết bao nhiêu con ngõ tìm nhà trọ. Thỉnh thoảng bố lại quay sang tôi thủ thỉ: “Gắng lên con. Sẽ ổn thôi!”. Bất giác tôi nhận ra đây cũng là lần đầu tiên bố xuống Hà Nội... Rồi bố tìm được một phòng trọ rộng chừng 6 mét vuông, gồm cả cầu thang và lối đi lại.

Ở cùng chúng tôi là hai bố con cậu bạn ở Lào Cai. Tầng trên rộng hơn một chút còn có ba cặp như thế nữa.  Ban ngày, khi những đứa con ôn bài thì các ông bố rủ nhau xuống dưới hẻm uống trà đá, trò chuyện. Thỉnh thoảng lại có ông bố chạy lên, khi đưa chai nước, khi cái bánh mỳ nóng hổi hay mấy quả vải thiều cuối mùa.

Lúc đi ăn, quán cơm chật kín, vài ông bố phải đứng ăn để đám con được ngồi. Nghĩ mà thương. Chẳng có bữa cơm nào tôi thấy nghẹn lòng đến thế. Ban đêm, chúng tôi ôn bài rất muộn, đến gần sáng mới chợp mắt một chút. Phòng trọ vẫn hầm hập như lò bát quái, chúng tôi cứ trằn trọc không yên. Mấy ông bố đành thay nhau nằm quạt đến sáng.

Ba môn thi tôi đều nộp bài trước nửa tiếng. Đề rổi bước ra khỏi phòng thi lại giật mình, thổn thức . Dưới cái nắng như rang những ông bố nhễ nhại đứng ngồi lố nhố cạnh hàng rào ngóng vào bên trong. Hay có buổi trời đổ cơn giông, đôi bàn tay chai sạn chẳng đủ che mái đầu, bố ướt thượt vẫn nhẩp nhổm không yên.

Bữa ấy, tôi thấy tim mình như thắt lại. Chẳng có cơn mưa tuổi thơ nào lại xa xót như thế. Tôi vừa ra đến cửa, bố đã lao tới hỏi rối rít. Khi tôi bảo đề không khó lắm, ông cười vui hơn cả được mùa. Có lẽ tất cả những điều tốt đẹp nhất bố đều dành cho tôi. Và sự thành đạt của tôi là niềm vui to lớn nhất đời bố. Bất giác tôi tự hỏi không biết còn bao nhiêu ông bố như thế trên đất nước Việt Nam này nhỉ?

Thời gian qua nhanh, những đứa con cùng nhà trọ hôm nào giờ đã thành đồng chí. Những ông bố hôm nào giờ đã thành ông nội, ông ngoại cả rồi. Vậy mà mỗi mùa hè, mùa thi đến tôi vẫn cứ thấy lòng nao nao.

Bố…và mùa thi…và kỉ niệm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Khơi nước gần dập lửa xa

GD&TĐ - Iran đã bước vào giai đoạn xung khắc mang bản chất mới với Mỹ và Israel nên càng cần yên bình ở phía biên giới chung với Pakistan.
Minh họa/INT

Khai mở động lực tăng trưởng mới

GD&TĐ - Về tổng thể, kết thúc quý I/2024, kinh tế Việt Nam được đánh giá là có nhiều điểm sáng nhưng thực tế, các doanh nghiệp vẫn đang gặp khá nhiều khó khăn.