Bảo Lâm - Cao Bằng: Vượt khó để hoàn thành ""nhiệm vụ kép""

GD&TĐ - Là tỉnh "vùng xanh" duy nhất chưa ghi nhận ca mắc Covid-19 trong cộng đồng. Do đó, học sinh Cao Bằng rất may mắn khi được đến trường học tập trực tiếp.

Học sinh huyện miền núi Bảo Lâm, Cao Bằng hân hoan bước vào năm học mới.
Học sinh huyện miền núi Bảo Lâm, Cao Bằng hân hoan bước vào năm học mới.

Khắc phục khó khăn quyết tâm dạy tốt, học tốt

Năm học 2021 – 2022 là năm học đặc biệt đối với ngành Giáo dục, bởi lẽ đây là năm đầu tiên tổ chức lễ khai giảng thông qua hình thức trực tuyến ở nhiều cơ sở giáo dục, tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước.

Vào thời điểm đó, bằng sự quyết tâm, chung sức, đồng lòng của các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân, tỉnh Cao Bằng là địa phương duy nhất trên cả nước chưa ghi nhận trường hợp nào nhiễm Covid-19 trong cộng đồng. Chính vì vậy, Sở GD&ĐT tỉnh Cao Bằng đã nhanh chóng tận dụng tối đa thời gian “vàng” để thực hiện các nhiệm vụ nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo.

Tại huyện Bảo Lâm, được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Sở GD&ĐT, UBND huyện cùng sự giúp đỡ, phối hợp của các ngành, đoàn thể cũng như đội ngũ cán bộ, giáo viên và các em học sinh. Phòng GD&ĐT huyện đã nỗ lực khắc phục mọi khó khăn, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học cũng như tích cực triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống Covid-19.

Cô Lê Thị Phương Lan, Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc Nội trú Bảo Lâm chia sẻ: Hiện nay, toàn trường có tổng số học sinh là 249 em, chủ yếu thuộc dân tộc ít người, trong đó nhiều em thuộc dân tộc Lô Lô, Mông… Bước vào năm học mới, để ứng phó với diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Nhà trường đã tích cực triển khai, thực hiện mục tiêu kép: Vừa phòng, chống dịch vừa duy trì việc học tập.

Hằng ngày, các em đến lớp đều đảm bảo thực hiện nghiêm công tác phòng dịch, khuyến cáo 5K của Bộ y tế, được thầy cô đo thân nhiệt, hướng dẫn rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn và yêu cầu 100% học sinh đeo khẩu trang…

Cô trò cùng phấn đấu vượt qua khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ năm học

Cô trò cùng phấn đấu vượt qua khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ năm học

Trước mỗi bữa ăn học sinh sẽ được chia làm 2 ca luân phiên và Nhà trường cũng thường xuyên kiểm tra, đôn đốc dọn dẹp, khử khuẩn, vệ sinh khu vực bếp ăn cũng như khu vực phòng ở của học sinh.

Thực tế, với đặc thù học sinh nội trú học tập, sinh hoạt đều tập trung tại ký túc xá, nên khá thuận lợi trong việc kiểm soát học sinh ra vào trường.

Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn tồn tại một số khó khăn nhất định như: học sinh chủ yếu cư trú ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn. Do vậy, việc triển khai dạy và học trực tuyến trước đó cơ bản không đáp ứng được yêu cầu. Ngoài ra, bên cạnh nhiệm vụ giảng dạy trên lớp các thầy cô còn phải có trách nhiệm quan tâm, nắm bắt và chăm lo đời sống tinh thần cho các em học sinh.

Tiếp tục tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19

Ông Ma Thế Trung, Trưởng phòng Giáo dục huyện Bảo Lâm khẳng định: Mặc dù là huyện miền núi với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội còn nhiều hạn chế, tuy nhiên trước diễn biến phức tạp, khó lường của dịch bệnh, huyện Bảo Lâm đã chủ động triển khai các nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19 và khung kế hoạch thời gian năm học của Bộ GD&ĐT, các văn bản hướng dẫn nhiệm vụ năm học của Sở GD&ĐT.

Tổ chức rà soát, quy hoạch mạng lưới trường, lớp các cấp học hợp lý, phù hợp với địa phương vừa đảm bảo nâng cao chất lượng giáo dục và đảm bảo các yêu cầu đổi mới trong chương trình giáo dục phổ thông. Đặc biệt quan tâm bồi dưỡng, tập huấn đội ngũ cán bộ, giáo viên nhằm phục vụ chương trình và sách giáo khoa mới.

Bên cạnh nâng cao chất lượng hoạt động chuyên môn, các phong trào thi đua dạy tốt học tốt, Phòng GD&ĐT huyện Bảo Lâm cũng thường xuyên quan tâm, chăm lo cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho các đối tượng chính sách là cán bộ, giáo viên và học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Phối hợp cùng các ban, ngành, đoàn thể thực hiện tốt và đẩy mạnh phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập và xã hội hóa giáo dục.

Về công tác phòng, chống dịch Covid-19, các cơ sở giáo dục trên địa bàn đã cập nhật văn bản chỉ đạo, thông tin về tình hình dịch bệnh để triển khai hướng dẫn công chức, viên chức, người lao động và học sinh thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch tại gia đình, địa phương và nơi công cộng.

Phối hợp với cơ quan y tế để tiến hành khử trùng, khử khuẩn tại trường học, thiết bị dạy học, chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cần thiết để tổ chức dạy học theo hình thức phù hợp. Đồng thời, luôn chấp hành, thực hiện nghiêm khuyến cáo 5K của Bộ Y tế và đề cao trách nhiệm người đứng đầu, quán triệt tinh thần cảnh giác chống dịch ở mức cao nhất.

Năm học 2020-2021, huyện Bảo Lâm có 44 trường và 1 trung tâm với 849 lớp và 18.299 học sinh. Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy và học tiếp tục được địa phương bổ sung hoàn thiện kịp thời và đầy đủ. Các chế độ, chính sách đối với cán bộ, giáo viên và học sinh, đặc biệt là học sinh bán trú tại các điểm trường vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn được quan tâm, chăm lo cải thiện.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thí sinh dự thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức năm 2024. Ảnh: VNU-HCM

Trường ĐH KHXH&NV TPHCM tuyển mới 3 ngành

GD&TĐ - Kinh doanh thương mại Hàn Quốc, Quốc tế học và Nghệ thuật học lần đầu được Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TPHCM tuyển sinh.