Bác sĩ về với huyện nghèo

GD&TĐ - Cả 62 huyện nghèo nhất cả nước cần khoảng 600 bác sĩ của 15 chuyên khoa. Sau hơn 3 năm triển khai, lứa bác sĩ đầu tiên đã đủ tự tin để có thể đến với người dân ở bản làng xa xôi, hẻo lánh. 

Bác sĩ về với huyện nghèo

Tâm huyết, nhiệt tình, các bác sĩ trẻ lên đường với mong muốn duy nhất là cống hiến sức cho nơi mình đến. Dẫu đường gập ghềnh khó đi, hy vọng các bác sĩ trẻ luôn vững tin, gắn bó với quê hương thứ hai của mình.

Những người tiên phong

Sau hơn 3 năm triển khai dự án đưa bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác tại 62 huyện nghèo, lứa bác sĩ đầu tiên đã hoàn thành chương trình học và sẵn sàng lên đường đến với bà con dân bản ở nơi khó khăn, xa xôi nhất.

Theo Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Y tế) Phạm Văn Tác, 7 bác sĩ trên sẽ công tác tại huyện Bắc Hà (Lào Cai) từ cuối tháng 6 này. Đây là một trong những huyện “khát” bác sĩ nhất nhì trong tỉnh. Hy vọng, sự có mặt của đội ngũ bác sĩ trẻ sẽ phần nào giảm bớt những thiệt thòi của người dân, khi mức thụ hưởng các dịch vụ y mức thấp hơn mức trung bình của cả nước rất nhiều, do hệ thống y tế công lập thiếu thốn về cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhất là cán bộ y tế.

Cũng theo ông Tác, mặc dù tình nguyện về huyện khó khăn công tác nhưng trình độ của các bác sĩ vẫn được coi trọng. Theo yêu cầu, các bác sĩ trẻ phải tốt nghiệp loại khá giỏi và tình nguyện về vùng nghèo công tác. Trước khi về huyện công tác, những bác sĩ này đều được bệnh viện tuyến cuối tuyển dụng, đào tạo tiếp với tiêu chí khi xong khóa đào tạo phải độc lập xử lý các tình huống y khoa tại bệnh viện huyện.

Bệnh viện Bạch Mai là một trong nhiều cơ sở tuyển bác sĩ tình nguyện đi tuyến huyện. Cũng như nhiều bác sĩ khác, bác sĩ tình nguyện sau khi ra trường tiếp tục học tại bệnh viện trong 2 năm với chương trình đào tạo bác sĩ nội trú. Họ được dự các cuộc giao ban hàng ngày, trình bày lâm sàng bằng tiếng Anh, tự xử trí nhiều tình huống dưới sự giám sát của các chuyên gia. Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Phạm Minh Thông cho biết: Hoàn thành quá trình đào tạo, bác sĩ mới được cử đi vùng cao, vùng xa. Tương tự, Bệnh viện Nhi Trung ương cũng là nôi đào tạo bác sĩ nội trú với các chuyên ngành về nhi khoa để phục vụ, đáp ứng mọi nhu cầu của trẻ em vùng khó.

Vẫn còn nhiều khó khăn

Theo thống kê của Bộ Y tế, tại 63 tỉnh/ thành phố trên cả nước, số lượng bác sĩ tuyến huyện chiếm 30% trên tổng số bác sĩ của cả nước. Song trên thực tế ở một số bệnh viện huyện và trung tâm y tế huyện của các huyện nghèo thì số lượng và chất lượng của đội ngũ bác sĩ còn nhiều bất cập. Một số bệnh viện chỉ có 7 – 8 bác sĩ, trong đó có 1 - 2 bác sĩ chuyên khoa 1. Một số trung tâm y tế huyện chỉ có 4 – 5 bác sĩ, có 1 - 2 bác sĩ chuyên khoa 1 như các tỉnh Bình Định, Quảng Ngãi, Thanh Hóa, Nghệ An, Lai Châu, Sơn La, Yên Bái, Lào Cai, Cao Bằng, Hà Giang.

Ông Phạm Văn Tác, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Y tế) cho biết: Qua khảo sát tại 20 tỉnh có huyện nghèo thì hầu hết các tỉnh đều có nhu cầu sử dụng đội ngũ bác sĩ trẻ tình nguyện và mong muốn đội ngũ bác sĩ trẻ có trình độ sau đại học về công tác tại tuyến huyện để phát triển, nâng cao năng lực hệ thống y tế, góp phần nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh, y tế dự phòng, giảm tải cho các cơ sở y tế hiện đang quá tải ở tuyến trên.

Cầu đã có, nguồn cung, theo ông Tác cũng khó khăn bởi số lượng bác sĩ đăng ký nhiều nhưng phần lớn không đáp ứng tiêu chuẩn như bằng tốt nghiệp không đạt khá giỏi; nhiều bác sĩ tốt nghiệp các chuyên ngành không thuộc 10 chuyên ngành dự án hiện tại đang đào tạo, quá tuổi. Bên cạnh đó, số lượng bác sĩ được tuyển dụng và cử đi đào tạo ít, nhưng lại nhiều chuyên khoa khác nhau khiến việc tổ chức lớp để đào tạo gặp khó khăn. Khả năng tiếp nhận và tuyển dụng của các bệnh viện tuyến Trung ương hạn chế, khiến cho việc triển khai kế hoạch nhiều khó khăn.

Khó tiếp theo là trình độ bác sĩ tình nguyện cao, tay nghề vững nhưng khi về huyện liệu có đất để dụng võ. Bởi ở nhiều nơi, cơ sở vật chất còn thiếu thốn. Máy móc thiết bị thiếu hoặc có thì lỗi thời nên bác sĩ giỏi mấy cũng chịu. Do vậy, trước mắt Bộ Y tế chỉ đưa bác sĩ về với địa bàn nào đáp ứng yêu cầu tối thiểu để các thầy thuốc phát huy được năng lực. Mặt khác, thời hạn tình nguyện của mỗi bác sĩ là 3 năm. Sau đó họ có thể về bệnh viện tuyến cuối hoặc ở lại. Như vậy, 3 năm công tác là khoảng thời gian vàng để khám chữa bệnh cho người dân cũng như đào tạo đội ngũ kế cận. Chất lượng y tế tuyến huyện có khởi sắc hay không phụ thuộc vào cả bác sĩ tình nguyện lẫn bác sĩ tại địa phương và sự quan tâm của chính quyền, ngành Y tế sở tại.

Hiện 62 huyện nghèo trong cả nước cần khoảng 600 bác sĩ thuộc 15 chuyên khoa, trong đó 7 chuyên khoa có nhu cầu nhiều nhất là Nội 53, Ngoại 49, Sản 55, Nhi 44, Hồi sức cấp cứu 47, Truyền nhiễm 35, Chẩn đoán hình ảnh 33… Những bác sĩ trước khi đi tình nguyện đều được nhận vào làm việc tại bệnh viện tuyến cuối. Do vậy, sau 3 năm, họ có thể ở lại địa phương hoặc về công tác tại bệnh viện.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ