Ánh đèn

GD&TĐ - Chờ gần nửa đêm mới làm xong việc dưới nhà, tôi cầm theo cái áo đồng phục của con Thương, lại gần chỗ bàn học của nó, nương ánh sáng từ nhà ngoài hắt vào để khâu lại phần rách ở vai áo.

Ánh đèn

Trời đêm rồi, chỉ còn bên ngoài tiếng côn trùng kêu rả rích, tiếng ngáy của bá con Thương, với cái ván giường thi thoảng lại kẽo kẹt lúc xoay người. Khâu xong, tôi vắt cái áo lên ghế cho con, nhìn, mới để ý thấy cuốn vở mới trên bàn học.

Con Thương hôm nay đi học về, ôm cuốn vở khoe với tôi. Vì nó nhớ bài, cô giáo thưởng cho nó, cả lớp chỉ mình nó có. Vuốt cuốn vở, tôi như nhìn thấy mình ngày xưa. Tôi lật đật vào buồng, mở hòm quần áo thật khẽ, mãi mới lấy được cái túi thêu con con ở đáy hòm. Tôi mang ra chỗ bàn học của con Thương, lấy từ trong túi ra cái bút mực. Bút mực vỏ gỗ, vì giữ trong túi nên còn mới nguyên, thân bút còn khắc tên Nguyễn Anh Mai - Cô giáo của tôi.

Đã nhiều năm trôi qua, tôi không còn nhớ rõ mặt cô. Còn lại trong trí nhớ, chỉ còn lờ mờ nụ cười của cô, rất hiền.

Hồi đấy, huyện này còn nghèo, trường ở bản còn chưa xây lên khang trang như bây giờ. Tường làm từ đất trộn rơm, mái thì là tranh lợp lên, lụp xụp. Tôi là con gái, bá với mế bảo là không cần đi học, nên lúc nào cũng chỉ đứng xa xa mà nhìn. Mỗi chiều đi hái củi, sẽ nghe được tiếng giảng bài ở bên ngoài.

Lần đầu tôi nói chuyện với cô là lúc đang địu con Hĩm trên lưng, ở trên nương đâm lúa cho mế. Tôi đã nhìn thấy rất nhiều người Kinh lên bản, nhưng chưa nói chuyện với ai bao giờ. Lúc cô hỏi, tôi rất ngại, chỉ biết đáp giật cục, cố học theo cái cách nói chuyện của người Kinh mà tôi đã nghe mấy lần.

Cô hỏi: “Con mới mười tuổi, sao con không đi lớp học cùng các bạn? Đi học vui lắm!”.

Tôi biết, tôi cũng muốn biết chữ. Thằng Khái đi học, được mấy người thành phố tặng cho quyển sách, sách cũ, nhưng mà nó quý lắm. Từ lúc nó đi học, nó làm gì cũng ôm sách, ngủ cũng đặt trên đầu giường, xem một tí, sờ một tí thôi nó cũng nháo nhào lên. Tôi cũng muốn ra ngoài trấn, rồi lên thành phố học đại học… Như bá nói, thằng Khải biết chữ, mai sau làm to, về giúp cả bản.

Nhưng rồi, tôi nhìn cô, lắc đầu. Mà lúc đó, mế cũng đi đến, kéo tôi, rồi niềm nở chào cô giáo. Cô giáo hỏi mế sao lại không để tôi đi học. Mế nói: “Con gái bản không cần biết nhiều chữ làm gì. Nó đi học, ai trông con Hĩm? Ai phụ việc nhà?”.

Cô bảo mế nên để tôi đi học. Nhưng mà mế không đồng ý. Nói vài câu, mế kéo tôi đi. Tôi thấy cô cứ nhìn theo tôi mãi, ánh mắt rất lạ. Mắt cô lúc ấy, giống như lúc mế tôi nhìn giời khi giông tới, làm người ta thấy nao nao.

Tôi cứ nghĩ từ sau hôm ấy, tôi sẽ không gặp cô nữa. Tôi giúp được bá với mế là tốt. Thằng Khái biết chữ còn đi thành phố, tôi dù có biết chữ, cũng vẫn quanh quẩn ở bản.

Nhưng mà, cô giáo đến tìm tôi, mấy lần, đều nói muốn tôi học chữ. Cô nói, huyện sẽ mở thêm lớp học đêm, cho các chú bác, tôi có thể đi đến đấy học cùng. Mà không chỉ thế, cô còn đến tận nhà nói với bá, với mế. Bá mế nghe cô, cuối cùng đồng ý.

Từ hôm ấy, cứ dỗ được con Hĩm ngủ là tôi đi học. Cô Mai lúc nào cũng cầm cái đèn pin con con ở đầu ngõ đợi tôi, dẫn tôi đến lớp. Trong lớp người lớn học, ngoài lớp cô kèm tôi. Cô khen tôi học nhanh không kém gì các bạn dưới phố. Cô cho tôi biết, ngoài kia, thế giới còn rộng lớn hơn gấp mấy chục lần cái rộng lớn khi nhìn từ đồi chè xuống rừng núi bát ngát. Thành phố có nhiều xe lắm, nhiều xe hơn cả thị trấn. Mà chỉ cần học tốt, về giúp bản, có ngày, bản cũng sẽ đẹp như thành phố.

Nắng, mưa, bão, ngày nào cũng như ngày nào. Cứ tối khi đến lớp, cô Mai sẽ đứng ở đầu ngõ, soi cái ánh đèn pin mờ mờ chờ tôi. Rồi đèn pin hỏng, biến thành cái đèn dầu. Nhưng mà mặc kệ dùng cái gì, lúc nào, cô cũng có ánh sáng, cho tôi biết đích đến của mình.

Mười ba tuổi, cô bảo bá với mế cho tôi đi xuống trấn học phổ thông. Bá không cho. Cô cứ thuyết phục mãi. Mế mới kéo cô, nói nhỏ: “Con Nụ nó lớn rồi. Bá nó đã hẹn nó cho con ông Dậu trong bản, năm sau là sang ở rể. Cô dạy nó biết cái chữ là quý lắm rồi”.

Tôi bây giờ mới biết. Biết rồi tôi cũng không chịu. Cô Mai bảo với bá mế tôi, đấy là tảo hôn, là sai. Mà tôi chỉ biết khóc thôi. Chờ cô về, bá mắng tôi một trận, bảo con gái biết nhiều chữ rồi lắm việc. Ở trong cái bản này, có đứa nào không cưới tuổi này. Mế cũng dỗ tôi, bảo là tôi không gả, bá mế không có mặt mũi nào mà sống trong bản, mà nhìn mặt ông Dậu. Tôi không biết làm gì hết, trong lòng biết là sai, lại không nói lại bá mế được. Khóc, chỉ biết khóc thôi, khóc đến khô cả nước mắt.

Rồi tôi sốt, sốt rất cao. Trong mê man, tôi chỉ cảm giác được, tiếng xe ngựa lọc cọc trên nền đất đầy sỏi. Có cả tiếng mế khóc loáng thoáng bên tai, cùng cả tiếng cô Mai, nức nở thật lâu.

Ở bệnh viện thị trấn hai ngày, tôi mới được về. Cô Mai đến đón tôi, cùng với bá. Bá đánh xe ngựa lại. Cả một đường, bá không nói gì hết. Cô Mai thì đỡ tôi, vỗ vai, dỗ bảo tôi đừng lo.

Tôi không xuống thị trấn học phổ thông, nhưng mà cũng không phải gả. Trên huyện xuống cán bộ, đi vận động, cấm tảo hôn, nhà nào tảo hôn sẽ phải kiểm điểm. Tôi lại trở về cuộc sống bình thường, sáng giúp mế, tối lên đồi học bài.

Nhưng rồi, cô Mai phải về thành phố.

Mấy đứa nhỏ đi tiễn cô đều khóc, cả người lớn cũng khóc, chỉ có tôi không khóc. Cô tặng tôi cái bút khắc tên cô. Cô bảo, bố cô cũng là nhà giáo. Bố cô tặng cô bút, để nhắc cô nhớ luôn cố gắng học tập. Cô đưa nó cho tôi, để tôi nhớ mà yêu cái chữ, mà chăm học.

Chờ ô tô đi, tôi liền quay đầu chạy. Tôi chạy xóc quá, con Hĩm trên lưng đang thiu thiu cũng dậy, rồi nó bắt đầu khóc. Tôi cứ lao như điên lên đồi chè, chạy đến chỗ cao nhất. Bên tai là vù vù tiếng gió, cùng tiếng khóc của con Hĩm.

Lên đến trên cao, nhìn được cả bản, nhìn được đường mòn ra trấn, nhìn đến bóng xe ô tô đi càng ngày càng xa.

Tôi òa khóc.

Sau đó, có giáo viên khác lên bản, tiếp tục dạy học. Tôi thi thoảng lại lên lớp bổ túc đêm, tự cầm đèn. Cái bút bị cất kín trong hòm. Chẳng bấy lâu, tôi cưới, rồi có con.

Đèn ngoài nhà chớp lên một cái, kéo tôi về thực tại. Tôi mở cặp con Thương, bỏ vào cặp nó. Nhờ cô, tôi đã học được rất nhiều. Tôi để con Thương nhà tôi đi học, trong nhà, đứa nào cũng được đến lớp. Có chuyện này là bá nó gàn tôi cũng kệ. Nhờ cô, tôi thấy đời tôi khác. Không chỉ có tôi, mà con cháu tôi sau này cũng khác.

Chúng nó sau này, sẽ rời bản, xem thành phố lớn hơn cả quãng đồi bát ngát, xem thành phố nhiều xe hơn cả thị trấn.

Rồi chúng nó sẽ về làm bản giàu như thành phố.

Đóng cặp cho con, tôi về giường, nằm cạnh bá con Thương. Lại như ngày xưa, hồi còn nhỏ, trước khi đi ngủ, trong lòng đều nhẹ lẩm nhẩm.

Em cảm ơn cô!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thái Nguyên khai mạc Mùa du lịch năm 2024.

Thái Nguyên khai mạc năm du lịch 2024

GD&TĐ - Ngày 25/4, tại Khu du lịch Hồ Núi Cốc, UBND tỉnh Thái Nguyên tổ chức Khai mạc du lịch năm 2024 với chủ đề “Từ trải nghiệm tới trái tim”.