3 nội dung giáo viên phổ thông phải bồi dưỡng thường xuyên

Ảnh minh họa/internet
Ảnh minh họa/internet

Chương trình áp dụng đối với giáo viên đang giảng dạy ở trường tiểu học, trường THCS, trường THPT, trường phổ thông có nhiều cấp học, trường chuyên, trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú (gọi chung là cơ sở giáo dục phổ thông).

Theo dự thảo, các nội dung bồi dưỡng gồm:

Thứ nhất: Nội dung chương trình bồi dưỡng cập nhật kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ thực hiện nhiệm vụ năm học các cấp học phổ thông áp dụng trong cả nước.

Bộ GD&ĐT quy định cụ thể theo từng năm học các nội dung bồi dưỡng về đường lối, chính sách phát triển giáo dục phổ thông, chương trình giáo dục phổ thông, kiến thức các môn học, hoạt động giáo dục thuộc chương trình giáo dục phổ thông.

Thứ 2: Nội dung chương trình bồi dưỡng cập nhật kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ thực hiện nhiệm vụ phát triển giáo dục phổ thông theo từng thời kỳ của mỗi địa phương.

Sở GD&ĐT quy định cụ thể theo từng năm học các nội dung bồi dưỡng về phát triển giáo dục phổ thông của địa phương, thực hiện chương trình giáo dục phổ thông, chương trình giáo dục địa phương; phối hợp với các dự án để triển khai kế hoạch bồi dưỡng thường xuyên (nếu có).

Thứ 3: Nội dung chương trình bồi dưỡng phát triển năng lực nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu vị trí việc làm, kiến thức, kỹ năng chuyên ngành.

Giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông tự chọn các mô đun bồi dưỡng nhằm phát triển năng lực nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu vị trí việc làm, kiến thức, kỹ năng chuyên ngành. Số lượng mô đun tự chọn hằng năm thực hiện theo quy định của Chương trình này.

Các mô đun bồi dưỡng gồm: Mô đun bồi dưỡng nhằm phát triển năng lực nghề nghiệp dành cho giáo viên tiểu học; Mô đun bồi dưỡng nhằm phát triển năng lực nghề nghiệp dành cho giáo viên THCS; Mô đun bồi dưỡng nhằm phát triển năng lực nghề nghiệp dành cho giáo viên THPT.

Chương trình bồi dưỡng thường xuyên giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông nhằm bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng chuyên ngành bắt buộc hàng năm đối với giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông.

Đây là căn cứ để quản lý, chỉ đạo, tổ chức và biên soạn tài liệu phục vụ công tác bồi dưỡng, tự bồi dưỡng nhằm nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông, đáp ứng yêu cầu vị trí việc làm, nâng cao mức độ đáp ứng của giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông với yêu cầu phát triển giáo dục phổ thông và yêu cầu của chuẩn nghề nghiệp giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ