“Lớp trường làng ngang hàng thành phố”

GD&TĐ - Đó là danh hiệu mà thầy giáo Lê Huy Thư - Hiệu trưởng trường cấp 1, 2 Cổ Am (Hải Phòng) tặng cho lớp 7E năm học 1978 - 1979 của chúng tôi trong buổi lễ tổng kết năm học.

“Lớp trường làng ngang hàng thành phố”

Quả thật, trong lịch sử của ngành giáo dục Việt Nam, hiếm có một lớp học trường làng đúng nghĩa mà đạt được thành tích cao trong học tập như lớp 7E của chúng tôi lúc đó.

Trong số 7 giải Nhất toàn thành phố Hải Phòng về môn Toán thì lớp tôi có 1, trong số 18 giải. Nhì toàn thành phố về môn Toán, lớp tôi có 2. Lớp tôi còn có 2 giải Ba cấp thành phố môn Toán và 3 giải ba cấp thành phố môn Văn. Cả lớp có 22 bạn, vậy mà cuối năm học đã có 7 bạn trúng tuyển vào các lớp chuyên của quốc gia và thành phố.

Xin nói thêm rằng hồi ấy, số lượng học sinh chuyên rất ít, cả thành phố Hải Phòng chỉ có 2 lớp chuyên Toán và 2 lớp chuyên Văn, mỗi lớp khoảng 20 học sinh.

Điều gì đã tạo ra thành tích đặc biệt xuất sắc của lớp 7E trong năm học ấy?

Câu hỏi này đã nhiều lần được các thầy cô giáo Trường THCS Cổ Am và phòng GD&ĐT huyện Vĩnh Bảo đặt ra đối với tôi - với tư cách lớp trưởng lớp 7E năm học 1978 - 1979.

35 năm sau ngày xa mái trường Cổ Am thân yêu, tôi đã được đi nhiều nơi, đến được tất cả các tỉnh, thành phố trong cả nước và nhiều nước trên thế giới, nhìn lại thời đi học của mình, tôi thấy rằng, để lớp 7E có được thành tích đặc biệt xuất sắc khi ấy có rất nhiều nguyên nhân và động lực, nhưng quan trọng nhất là từ phía các thầy, cô giáo.

Hồi ấy, theo chủ trương của huyện Vĩnh Bảo, lớp chuyên Văn Toán của trường cấp 1, 2 Cổ Am được thành lập với thành phần được chọn lựa từ các xã phía đông nam của huyện Vĩnh Bảo.

Lớp có 22 học sinh, trong đó có 11 bạn ở tổ chuyên Văn và 11 bạn ở tổ chuyên Toán. Thầy giáo trẻ Phạm Văn Toán vừa tốt nghiệp loại giỏi của Trường Cao đẳng Sư phạm Hải Phòng được phân công về dạy môn Toán của lớp.

Cô giáo Đào Thị Hải - Giáo viên dạy giỏi của trường cấp 1, 2 Cổ Am được phân công làm giáo viên chủ nhiệm của lớp 7E và trực tiếp dạy môn Văn.

Thầy giáo Nguyễn Côn - Phó Hiệu trưởng trường cấp 1, 2 Cổ Am - được phân công trực tiếp phụ trách lớp. Hiện nay thầy Côn và cô Hải đã nghỉ hưu, còn thầy Toán là Trưởng phòng GD&ĐT huyện Vĩnh Bảo. Chính các thầy giáo, cô giáo đã truyền lửa nhiệt tình cho chúng tôi.

Buổi sáng cả lớp học theo chương trình của trường cấp 1, 2 Cổ Am. Buổi chiều chia thành 2 tổ chuyên Văn và chuyên toán do thầy Toán, thầy Côn và cô Hải lên lớp. Các thầy cô đứng lớp liên tục như vậy mà không nhận bất cứ một đồng bồi dưỡng nào.

Ngày ấy trong số 22 bạn của lớp phải đến 3/4 các bạn có bố mẹ là nông dân, hoàn cảnh kinh tế gia đình rất khó khăn. Trong đó có bạn Vũ Đức Sơn, người đã giành giải Nhất về môn Toán toàn thành phố có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn, bố mất sớm, mẹ làm ruộng. (Hiện nay bạn Sơn đang định cư tại Cộng hòa Liên bang Đức).

Mùa đông rét buốt mà Sơn chỉ có một manh áo mỏng. Thầy Toán đã dùng tiền lương của mình mua tặng bạn một chiếc áo ấm.

Mẹ tôi năm ấy bị điện giật phải nằm viện, cô Hải đã đưa cả lớp đến thăm và chính cô đã trích từ tiền lương của mình mua thuốc tặng mẹ tôi...

Còn rất nhiều chuyện cảm động về tình thương của các thầy giáo, cô giáo lúc ấy đối với học trò, nhưng đáng nhớ nhất chính là những ngày cả thầy trò quên ăn, quên ngủ cùng giải Toán, cùng đọc thơ.

Ngày ấy chưa có điện thoại như bây giờ. Để giải đáp ngay những thắc mắc của học trò, buổi tối, trong giờ tự học, các thầy cô lại thay nhau đi đến nơi có học sinh nghỉ trọ... Để thay đổi không

khí học, có lần cả lớp cùng các thầy cô đi bộ ra tận biển cách trường 5, 6 km, vừa đi vừa học cách cảm thụ văn học.

Có khi cả lớp cùng tập “thể dục trí óc” bằng những bài toán vui. Mỗi lần thi học sinh giỏi ở huyện cách xã Cổ Am gần 10 km, cả thầy và trò cùng lóc cóc đi bộ từ 5 giờ sáng... Không khí học tập lúc đó vừa nhẹ nhàng, vừa tình cảm lại có sự khích lệ đặc biệt của các thầy cô giáo.

Lúc bấy giờ ở quê tôi vẫn chưa có khái niệm dạy thêm, học thêm, tất cả chỉ là sự tự giác. Thầy truyền hứng khởi cho học trò. Học trò truyền hứng khởi cho nhau. Đó chính là nguyên nhân quan trọng nhất tạo ra sự đột phá trong học tập của lớp chúng tôi ngày ấy.

Giờ đây, các thành viên của lớp 7E chúng tôi đều đã trưởng thành, nhiều bạn đã trở thành cán bộ cao cấp. Thế nhưng, mỗi khi gặp mặt, trước các thầy giáo, cô giáo đều vô tư, trong sáng và ngây thơ như học trò thủa nào. Chính các thầy đã tạo ra thương hiệu “Lớp trường làng ngang hàng thành phố”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Giải pháp căn cơ

GD&TĐ - Giải pháp căn cơ vẫn là ưu tiên quỹ đất cho trường học, xây thêm trường...