(GD&TĐ) - Hội Ngôn ngữ học Việt Nam và trường Đại học Ngoại ngữ (ĐH Đà Nẵng) đã phối hợp tổ chức hội thảo Ngữ học toàn quốc 2011 với sự tham gia của đông đảo các nhà nghiên cứu ngôn ngữ, văn hóa đến từ Viện Ngôn ngữ học, các viện nghiên cứu, các trường ĐH, CĐ trong toàn quốc. Hội thảo diễn ra trong 2 ngày 22 -23/4 với hơn 200 báo cáo.
Quang cảnh Hội thảo |
Hai trăm báo cáo tại Hội thảo Ngữ học toàn quốc được chia làm 5 tiểu ban: Ngôn ngữ học và Việt ngữ học; Bản ngữ và Ngoại ngữ; Ngôn ngữ các dân tộc thiểu số ở Việt Nam; Ngôn ngữ và Văn hóa; Ngôn ngữ với văn chương. Theo đánh giá của NGND- GS. TS Lê Quang Thiêm, Chủ tịch Hội ngôn ngữ học Việt Nam thì nội dung tổng thể của các báo cáo thể hiện rõ sự kết hợp giữa nghiên cứu và giáo dục - đào tạo, giữa những vấn đề lý luận mới và những ứng dụng thiết thực, giữa việc nâng cao trình độ cơ bản và đào tạo nhân lực thực hành, thực tiễn. “Niềm khát khao mong muốn đưa ngôn ngữ học phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, làm cho ngôn ngữ, ngoại ngữ trở thành công cụ đắc lực của sự tương tác, sự phát triển xã hội rộng lớn, biến ngôn ngữ trở thành công cụ phát triển tri thức, trí tuệ dân tộc trong thời đại mới được thể hiện rõ ràng và khá sinh động” – ông Thiêm cho biết. Phát biểu tại Hội thảo, PGS.TS Phan Văn Hòa, Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại ngữ –ĐH Đà Nẵng cho rằng: “ Hội thảo quan trọng này sẽ là động lực luôn thôi thúc đội ngũ CB, SV nhà trường quyết tâm nghiên cứu và ứng dụng ngôn ngữ, đồng thời hội thảo sẽ nung nấu thêm ngọn lửa tình yếu của thầy trò đối với ngôn ngữ, văn hóa, và ngôn ngữ học”.
Ngoài những nghiên cứu mang tính chuyên ngành, có nhiều tham luận tại Hội thảo đề cập đến những vấn đề mang tính thời sự như đề tài Hiện tượng đa ngôn ngữ trong đời sống đô thị Việt Nam thời hội nhập – khảo sát trường hợp các biển hiệu quảng cao đa ngôn ngữ trên đường phố Đà Nẵng của nhóm tác giả Lê Viết Dũng – Đỗ Thị Như Hoa và Jessica Thompson. Hay tham luận Tiếp xúc ngôn ngữ và vấn đề song ngữ ở Việt Nam hiện nay của tác giả Bùi Khánh Thể đặt ra một vấn đề rất đáng lưu tâm: “Sự tiếp xúc giữa tiếng Việt với các ngoại ngữ hiện nay quả là phong phú hơn trước, không chỉ qua hệ thống giáo dục, mà còn qua các kênh văn hóa, kinh tế, đối ngoại. Nhưng trong số các kiểu dạng tiếp xúc, sự tiếp xúc này ngôn ngữ Việt – Anh vào giai đoạn này, như thực tế của sinh hoạt ngôn ngữ xã hội cho thấy, có nhiều tác động hơn cả, ở mặt tích cực lẫn không tích cực, đối với tiếng Việt. Về chủ quan, đó là nhu cầu của Việt Nam về việc phải nắm vững một ngôn ngữ có phạm vi phổ biến và có tầm quan trọng trong quan hệ quốc tế hiện nay. Điều này được thể hiện không chỉ qua đường lối, chủ trương của nhà nước khuyến khích và quy định việc nắm vững tiếng Anh trong học sinh, sinh viên, cán bộ khoa học, sư phạm mà cả qua tâm lý và sự phấn đấu của người sử dụng ngôn ngữ. Nguyên nhân khách quan là “vị thế tiếng Anh trên thế giới và ở Việt Nam”.
Nhiều đại biểu tìm mua các ấn phẩm về những công trình nghiên cứu ngôn ngữ được trưng bày tại Hội thảo |
Theo tác giả Bùi Khánh Thể, thì hiện trạng sinh hoạt ngôn ngữ trrong xã hội hiện nay đang đặt ra trước giới ngôn ngữ học nước ta một bài toán cần có lời giải khoa học và thỏa đáng. Đó là làm thế nào vừa bảo đảm cho sự trong sáng và phát triển tiếng Việt trong thời kỳ hội nhập quốc tế hiện nay, vừa phải nâng cao trình độ ngoại ngữ để chúng ta có được sự thuận lợi nhất trong quá trình hội nhập quốc tế, xây dựng đất nước. “Chúng ta không từ chối sự tiếp nhận bất kỳ ngoại ngữ nào, ngược lại, chúng ta tiếp nhận những gì có giá trị nhất của công cụ giao tiếp đó theo kiểu chưng cất. Nhờ đó, chúng ta giữ được một ngôn ngữ giao tiếp giữa các dân tộc trong nước, một công cụ giao lưu quốc tế đạt được thế đứng vững chắc trong hàng ngũ các ngôn ngữ quốc gia trên thế giới. Thực tế lịch sử sinh hoạt ngôn ngữ ở nước ta cho thấy, người Việt Nam cũng như nhiều dân tộc khác, hoàn toàn có khả năng song ngữ, một song ngữ cân bằng giữa tiếng Việt và một ngôn ngữ khác, là ngôn ngữ dân tộc hoặc ngoại ngữ” – ông Thể cho biết.
Được biết, sau Hội thảo này, Ban thường vụ TW Hội Ngôn ngữ học Việt Nam sẽ thành lập Hội Ngôn ngữ học các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên tại trường Đại học Ngoại ngữ (ĐH Đà Nẵng). PGS.TS Phan Văn Hòa – Hiệu trưởng trường ĐH Ngoại ngữ cho biết: “Đây là một sự kiện đầy ý nghĩa, bởi lẽ đây là lúc toàn trường quyết tâm xây dựng trường ĐH Ngoại ngữ thành một trường Đại học định hướng nghiên cứu sâu về lý thuyết và ứng dụng hiệu quả trong thực tiễn, không những chỉ tiếng Việt mà là đa ngôn ngữ, đa văn hóa trong bối cảnh hội nhập quốc tế cũng chính là yếu tố phát triển”.
Hà Ánh Ngọc