Với quan điểm này, nhóm tác giả: Thạc sĩ Hà Xuân Thành (Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục - Bộ GD&ĐT), Tiến sĩ Mai Xuân Vinh (Sở GD&ĐT Nghệ An), Tiến sĩ Phạm Sỹ Nam (Trường THPT chuyên Phan Bội Châu - Nghệ An) và Tiến sĩ Hoa Anh Tường (Trường THPT thực hành Sài Gòn - Trường ĐH Sài Gòn) đã chia sẻ những giải pháp nhằm thiết kế được nội dung học tập trên lớp môn Toán, giúp phát triển năng lực người học.
Sử dụng bài toán kết thúc mở
Bài toán kết thúc mở là bài toán có nhiều cách trả lời khác nhau. Với bài toán này, giáo viên đưa ra một tình huống và yêu cầu học sinh trình bày kết quả qua bài làm của mình.
Giáo viên có thể sắp xếp từ mức độ đơn giản, như yêu cầu học sinh chỉ rõ một lập luận toán đã thực hiện; đến mức độ phức tạp hơn là học sinh thêm giả thiết hoặc giải thích các tình huống toán học, viết ra phương hướng, tạo ra những vấn đề liên quan mới; hoặc đưa ra những khái quát hóa...
Bài toán kết thúc mở được vận dụng vào giờ giải toán với mục đích tác động đến nhận thức của học sinh: Học sinh tự mình phải có chính kiến riêng về bài học, mạnh dạn phát biểu ý kiến, đưa ra được quan điểm, ý tưởng; học sinh có thể đề xuất bài toán tương tự hoặc mở rộng bài toán, từ đó chủ động, nắm vững bài học.
Phân bậc hoạt động
Các nhiệm vụ giao cho học sinh thường có những thách thức nhất định, tạo nhu cầu, động lực giải quyết vấn đề. Tuy nhiên, để hoạt động phù hợp với trình độ học sinh trong lớp, việc phân bậc hoạt động là cần thiết.
Thông qua phân bậc hoạt động, các đối tượng học sinh đều có thể tự mình giải quyết vấn đề, dù không trọn vẹn.
Ví dụ, khái niệm dãy số có giới hạn hữu hạn là khái niệm khó, ngay một lúc, HS khó có thể xây dựng và hiểu được khái niệm này. Vì vậy, khi dạy học sinh xây dựng khái niệm, giáo viên nên phân bậc thành các hoạt động thành phần, kết hợp với sử dụng câu hỏi mở, giúp HS từng bước hiểu được khái niệm.
Ra bài tập phân hóa
Để học sinh nắm kiến thức tốt, việc giúp các em củng cố, vận dụng kiến thức được học, đặc biệt tạo môi trường học sinh tự học là rất cần thiết.
Có hai hình thức ra bài tập phân hóa, đó là phân hóa theo trình độ và phân hóa theo số lượng. Bài tập phân hóa theo trình độ là để những học sinh khác nhau có thể tiến hành những hoạt động khác nhau, phù hợp với từng trình độ.
Bài tập phân hóa theo số lượng giúp học sinh có được số bài tập cần thiết để rèn luyện kỹ năng nào đó. Học sinh giỏi, giải quyết các bài toán nhanh hơn sẽ cần những bài tập giúp đào sâu, nâng cao kiến thức.
Đối với các bài tập về nhà, phải có sự kết nối với bài học trên lớp, như giao bài tập về nhà tương tự với bài trên lớp để học sinh có cơ hội củng cố kiến thức, rèn luyện kỹ năng được học; giao các vấn đề mở nhằm khai thác sâu hơn nội dung ở trên lớp, hoặc tổng hợp những ứng dụng của kiến thức được học trên lớp.
Củng cố qua các hoạt động ngoài giờ học
Nhấn mạnh các biện pháp nhằm thiết kế được nội dung học tập trên lớp, nhóm tác giả đồng thời lưu ý: Thời gian trên lớp rất hạn chế, bởi vậy, hình thức ngoài giờ lên lớp tạo cơ hội để học sinh củng cố kiến thức, rèn luyện kĩ năng được học trên lớp.
Khi thực hiện hình thức ngoài lớp, giáo viên đưa ra các chủ đề mới, đề tài để học sinh có sự khai thác sâu hơn, tập dượt nghiên cứu. Qua đó, học sinh học được cách tự học, cách giải quyết vấn đề - một kỹ năng quan trọng trong việc học.
Ví dụ: Sau khi học về giới hạn, giáo viên có thể giao học sinh chủ đề: Em hãy tìm những thể hiện của khái nhiệm cấp số nhân trong thực tiễn cuộc sống.
Những liên hệ này tạo cơ hội để học sinh có thể kết nối kiến thức Toán học với cuộc sống, đồng thời thấy được sự tồn tại của Toán học trong thực tiễn, từ đó tạo động lực để học sinh có ý thức vận dụng kiến thức được học mọi lúc, mọi nơi.
Hoặc sau khi học về tính đơn điệu của hàm số, cực trị, giáo viên ra chủ đề: Hãy tìm những ứng dụng của đạo hàm và cho ví dụ minh họa.
Vấn đề này khá mở, tạo cơ hội để tất cả học sinh đều được làm việc. Với những học sinh có năng lực hạn chế, các em sẽ tìm được ít ứng dụng hơn, các ví dụ minh họa có thể ít hơn và độ khó cũng ít hơn và ngược lại.