Bánh mứt Trung Quốc phục vụ thị trường Tết được bày bán trong chợ |
Tại nhiều chợ bán lẻ ở TPHCM, các sạp hàng bánh mứt đã trang trí xanh đỏ vô cùng hấp dẫn với hàng trăm chủng loại hàng mẫu. Tại chợ Tôn Thất Đạm (quận 1), khi chúng tôi hỏi mua hạt bí, người bán bốc một nắm nhỏ trên tay, xoa đều rồi chìa ra cho xem mẫu.
Cắn thử vài hạt, chúng tôi cảm giác có vị đắng và ruột vàng chứ không xanh. Lập tức người bán đưa ra mẫu hạt bí khác, tất cả đều tròn mẩy, giòn và được giới thiệu là hạt bí Nhật, giá chỉ 90.000 đồng/kg.
Đội lốt hàng Thái Lan, Nhật Bản...
Đi tìm xuất xứ thật của hạt bí, sáng 12/12, chúng tôi có mặt tại chợ Bình Tây, phía đường Tháp Mười (phường 2 quận 6). Tại đây, giá bán 1 kg hạt bí do doanh nghiệp trong nước sản xuất là 130.000 đồng, được đóng trong các bịch xốp lớn. Còn giá hạt bí của Trung Quốc (TQ) chỉ 80.000 đồng/kg.
Nghe chúng tôi muốn mua số lượng nhiều để về bán lại, người bán mách nước: “Lấy hạt bí TQ dễ bán hơn vì giá rẻ, để lâu không bị chảy dầu; nếu người mua hỏi thì đừng nói là hàng TQ mà phải nói là hàng Nhật, nghe chưa?”. Tương tự, các loại hạt dẻ cười, hạt dẻ rừng, hạt điều, hạt dưa, hạt hướng dương, nho khô... đều có xuất xứ từ TQ nhưng được người bán rao là hàng Thái Lan hoặc Nhật, Malaysia...
Các mặt hàng sấy khô phục vụ Tết như sen, mít, đậu, khoai lang, khoai môn cũng được người bán cho là hàng Thái Lan, tất cả để trong từng bịch không nhãn mác, người mua cần bao nhiêu thì người bán mới cân và phát từng bịch rời để về đóng gói bán lại nếu ai có nhu cầu lấy bao bì, còn không thì cân ký như kiểu bán hàng xá.
Đáng lo ngại nhất là các loại mứt chà là, mứt cà rốt, mứt khoai lang, ruột thốt nốt... đều được để tênh hênh không che đậy. Khi hỏi nguồn gốc, người bán đồng loạt cho biết đây là hàng lấy từ tỉnh Quảng Ninh, không phải hàng TQ.
Tuy nhiên, khi biết chúng tôi có ý định mua sỉ, người bán nói nhỏ: “Hầu hết bánh kẹo TQ đều có giá rẻ, dễ bán nhưng do nghe nói đến hàng TQ là nhiều người dị ứng nên khi bán phải nói tránh đi. Năm nào cũng vậy, vào thời điểm cận Tết, bánh kẹo TQ rất đắt hàng vì có vô số mẫu mã, màu sắc, gói bằng giấy kiếng rất đẹp. Mặt khác, chúng không có hạn sử dụng nên để bao lâu cũng được”.
Tại chợ Kim Biên (phường 13 quận 5), nếu chỉ nhìn bằng mắt thường, khó ai có thể phân biệt được đâu là bánh kẹo nội, đâu là hàng nhập vì hầu hết chúng được bọc bằng giấy kiếng sặc sỡ màu sắc, không có nhãn phụ tiếng Việt theo như quy định. Các loại kẹo trái cây mang đủ hương liệu như kẹo xoài, kẹo sầu riêng, kẹo dẻo, kẹo mềm, kẹo bắp… có giá bán chỉ từ 50.000-70.000 đồng/kg, được người bán nói rõ là hàng TQ, không hạn sử dụng, không ghi thành phần và không nhãn phụ.
Người tiêu dùng không biết đâu mà lần
Chợ đầu mối Đồng Xuân và phố Hàng Buồm là 2 địa điểm kinh doanh các mặt hàng bánh, mứt, kẹo, hạt dưa… phục vụ Tết nhộn nhịp nhất Hà Nội. Khoảng 1 tháng nay, các tiểu thương đã bắt đầu bày bán bánh kẹo, mứt Tết, hạt dưa, hạt bí với khối lượng lớn. Điểm đáng lưu ý là các mặt hàng này đều được đóng trong túi lớn, không có nhãn mác và bán cho khách mua theo cân.
Một tiểu thương tại chợ Đồng Xuân không ngần ngại cho biết bánh kẹo và hạt dưa phần lớn được “đánh” từ TQ về, giá rẻ hơn nhiều so với hàng trong nước nên được các chủ đại lý, cửa hàng nhỏ lấy về bán buôn. “Hiện hàng hóa đã về nhiều hơn các tháng trước khoảng 20%, giá cả không tăng so với năm trước, lượng bán ra khá ổn định trong vài tuần gần đây vì người dân đã bắt đầu cân nhắc mua sắm Tết, kinh tế khó khăn nên hàng rẻ sẽ được lựa chọn nhiều” - tiểu thương này chia sẻ.
Do hàng “đánh” về từ TQ nên giá các mặt hàng phục vụ Tết tại chợ Đồng Xuân khá “mềm”: hạt hướng dương từ 60.000-70.000 đồng/kg, hạt bí rang giá 150.000 đồng/kg, mứt hồng khô chỉ 100.000 đồng/kg (trong khi đặc sản này mua tại Lạng Sơn có thể đắt gấp đôi). Còn bánh kẹo bán theo cân có giá rất phong phú, từ vài chục ngàn đồng đến vài trăm ngàn đồng/kg…
Nhiều chủ quầy hàng không niêm phong giá trên sản phẩm mà thường nhìn khách để “hét giá” hoặc chiết khấu lớn hơn cho những khách mua buôn khối lượng nhiều. Đặc biệt, đối với những đại lý yêu cầu hàng hóa có nhãn mác để khách hàng yên tâm, các chủ quầy hàng ở chợ đầu mối Đồng Xuân sẵn sàng cung cấp nhãn mác in sẵn, đại lý mua về chỉ cần dán ra ngoài bao bì sản phẩm là có thể biến hàng TQ thành hàng nội địa hoặc các nước khác.
“Chưa vào cao điểm Tết nhưng bánh kẹo TQ đã ngập chợ, giá rẻ, phong phú chủng loại nên đây sẽ là cuộc “đua” đầy khó khăn cho doanh nghiệp nội; người tiêu dùng thì không biết sản phẩm nào bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm để mà lựa chọn!” - giám đốc một doanh nghiệp sản xuất bánh kẹo lo lắng.
Khó kiểm soát Theo ông Phan Hoàn Kiếm, Chi cục trưởng Chi cục QLTT TP HCM, đến thời điểm này, các mặt hàng phục vụ Tết như bánh kẹo, mứt, hạt dưa, hạt bí, hạt hướng dương... đang về nhiều ở các chợ. Đây là cơ hội để một số đối tượng nhập hàng cận đát, hết đát, kém chất lượng đóng gói lại bao bì mới hoặc giả mạo xuất xứ (thường là hàng TQ giả thành hàng Việt Nam hoặc Thái Lan, Hàn Quốc...) đánh lừa người tiêu dùng. Hiện Chi cục QLTT đã triển khai lực lượng kiểm tra, kiểm soát thị trường để ngăn chặn. Song chính lực lượng QLTT cũng nhìn nhận xử lý không xuể vì càng vào thời điểm cuối năm, hàng nhập lậu chủ yếu từ TQ càng gia tăng. Một đại diện Đội QLTT quận 6 TP HCM cho biết đội vừa phát hiện nhiều lô hàng bánh kẹo nhập lậu từ Trung Quốc về rồi đóng gói lại dưới nhãn hiệu khác để tung ra thị trường. Để hạn chế tình trạng này, vị này cho rằng ngoài cơ quan chức năng, rất cần sự chung tay của doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là người tiêu dùng. |
Theo Người lao động