Kẻ trộm huyền thoại phố Wall: Những tòa “lâu đài cát”

GD&TĐ - Năm 1965, Vesco quyết định đưa công ty của mình ra sàn chứng khoán. 

Kẻ trộm huyền thoại phố Wall: Những tòa “lâu đài cát”

Những tòa "lâu đài cát" 

Nhưng khi biết rằng công ty sẽ không thể trót lọt qua được sự giám sát tài chính cần thiết để niêm yết trên thị trường chứng khoán, chính vì thế, anh ta mua một công ty đã được đưa lên sàn chứng khoán nhưng đang làm ăn thất bại tên là Cryogenics, rồi chuyển tất cả tài sản vào Cryogenics và đổi tên thành International Controls Corporation (ICC).

Mặc dù công ty này chẳng còn gì giống với Cryogenics, nhưng nó vẫn giữ được tên trong sàn chứng khoán. Vesco hứa hẹn những khoản thu lớn; còn cổ phần của ICC nhanh chóng có giá trị hàng triệu USD, mặc dù lợi tức của nó chỉ có 229.000 USD.

Không chỉ thế, năm 1967, Vesco mua được một công ty tên là Electronic Specialty (ES). Công ty này có doanh số bán hàng lên tới 112 triệu USD, trong khi đó, con số này ở ICC chỉ là 6,8 triệu USD. Để làm yên lòng các cổ đông ES, Vesco úp mở rằng Ngân hàng Bank of America đứng đằng sau thương vụ này. Trên thực tế, ngân hàng này chỉ đồng ý bảo lãnh một phần thương vụ, nhưng Vesco dễ dàng tìm được sự ủng hộ hơn nữa một khi đã nắm quyền điều khiển tài sản của ES.

Mặc dù không ngừng lớn mạnh, nhưng Vesco cũng biết rằng những tòa “lâu đài trên cát” của mình sẽ dần sụp đổ. Vì thế, ông ta bắt đầu tìm kiếm mục tiêu lớn cuối cùng. Năm 1970, Vesco đã tìm thấy, đó là Công ty Investors Overseas Services (IOS). Được thành lập bởi nhà tài chính lừng danh Bernard Cornfeld, IOS điều hành một số quỹ chung phổ biến với các nhà đầu tư nhỏ và nhanh chóng thành công vang dội. IOS đặc biệt nhằm vào những người đang tìm cách né tránh thuế và đăng ký ở Thụy Sĩ nhằm tránh sự giám sát của chính phủ.

Cornfeld cũng là một nhà bán hàng rất giỏi, nhưng lại là một nhà quản lý tồi. Việc kinh doanh khó khăn năm 1969 khiến các nhà đầu tư nổi giận. Tệ hại hơn nữa là IOS chỉ nhận được hoa hồng nếu các quỹ của công ty này làm ra lợi nhuận. Khi họ bị thua lỗ như trong năm 1969, công ty này gần như kiệt quệ tiền mặt dành cho hoạt động.

Cũng nhận biết rằng nhiều hoạt động của IOS vòng vèo bên lề luật pháp, dần dần Cornfeld bị bắt và phải chịu 11 tháng tù tại nhà tù Thụy Sĩ. Vesco đã nắm lấy cơ hội này. Ông ta đề xuất chi 5 triệu USD để giải quyết các vấn đề về tiền mặt của IOS. Các nhà đầu tư của IOS cho rằng Vesco còn tốt hơn Cornfeld nên đã đồng ý để ông ta nắm quyền điều hành. Vậy là, chỉ với 5 triệu USD, Vesco đã sở hữu một công ty trị giá tới 700 triệu USD.

(Còn tiếp)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ