Kế sách phát triển cho vùng khó khăn nhất nước

GD&TĐ - Nhận rõ tầm quan trọng về địa bàn chiến lược, nhằm góp phần xây dựng vùng Tây Bắc phát triển nhanh, toàn diện và bền vững, năm 2012 Thủ tướng Chính phủ đã chuẩn y đề xuất của ĐHQG Hà Nội và Ban Chỉ đạo Tây Bắc về việc tổ chức triển khai Chương trình Khoa học và Công nghệ cấp Nhà nước “Khoa học và Công nghệ phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc”.

Kế sách phát triển cho vùng khó khăn nhất nước

Được triển khai từ cuối năm 2013, chương trình đã đem lại nhiều giá trị tích cực làm nền tảng đổi thay cho vùng đất được coi là khó khăn nhất đất nước này.

Hướng đến mục tiêu cơ bản, bền vững

Tây Bắc là vùng miền núi phía Tây, địa hình Tây Bắc hiểm trở, có nhiều khối núi và dãy núi cao, với một số đỉnh núi cao trên từ 2.800 - 3.000m. Tây Bắc có khoảng 20 dân tộc khác như H"Mông, Dao, Tày, Kinh, Nùng...

Dân cư sống phân tán, vùng rẻo cao có các dân tộc thuộc nhóm ngôn ngữ Mông – Dao.. với phương thức lao động sản xuất chủ yếu là phát nương làm rẫy, phụ thuộc rất nhiều vào thiên nhiên. Các dân tộc cư trú ở sườn núi, phương thức lao động sản xuất chính là trồng lúa cạn, chăn nuôi gia súc và một số nghề thủ công. Còn ở vùng thung lũng, chân núi do điều kiện tự nhiên thuận lợi hơn để phát triển nông nghiệp và các ngành nghề khác.

Sự khác biệt về điều kiện sinh sống và phương thức lao động sản xuất và nhận thức gây ra sự khác biệt văn hóa rất lớn. Việc tìm kế sách để phát triển bền vững cho vùng đất này được đặt ra với các nhiệm vụ: Cung cấp các luận cứ khoa học phục vụ xây dựng, điều chỉnh các chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển KT - XH phù hợp đặc thù các tiểu vùng, liên vùng, góp phần cải thiện và từng bước nâng cao mức sống của người dân.

Đồng thời đề xuất, chuyển giao các giải pháp khoa học và công nghệ phù hợp nhằm sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường, phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai. Cũng như việc phát triển hạ tầng giao thông và thông tin và phát huy, bảo tồn các giá trị văn hóa. Xác định nhu cầu đào tạo nhân lực và đề xuất giải pháp đào tạo phù hợp cho phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững vùng Tây Bắc.

Những nội dung quan trọng

Vấn đề đặt ra cho việc nghiên cứu, xây dựng cơ sở dữ liệu, cơ sở khoa học, mô hình, phát triển bền vững vùng Tây Bắc, được các nhà khoa học ở các chuyên ngành đã bàn thảo và đi đến thống nhất các nội dung quan trọng cần phải thực hiện là: Nghiên cứu, đánh giá hiện trạng, điều tra bổ sung để xây dựng và hoàn thiện cơ sở dữ liệu về điều kiện tự nhiên, tài nguyên, kinh tế, văn hóa, xã hội, nguồn nhân lực, môi trường và tai biến thiên nhiên vùng Tây Bắc.

Xác lập cơ sở khoa học của mô hình phát triển bền vững vùng Tây Bắc. Xây dựng cơ sở khoa học phục vụ xây dựng các tiêu chí, các hướng, các giải pháp trong điều kiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển, các tiểu vùng, liên vùng cho toàn vùng Tây Bắc.

Cùng với đó, việc nghiên cứu cơ sở khoa học của các mô hình phát triển kinh tế - xã hội phù hợp cho các tiểu vùng và liên vùng Tây Bắc, cũng được tính đến với các nội dung: Nghiên cứu luận cứ khoa học phục vụ xây dựng các mô hình phát triển kinh tế phù hợp ở các tiểu vùng, liên vùng Tây Bắc.

Nghiên cứu luận cứ khoa học phục vụ xây dựng các mô hình phát triển cộng đồng phù hợp. Thiết kế, thử nghiệm và chuyển giao một số mô hình phát triển kinh tế, phát triển cộng đồng phù hợp với điều kiện tự nhiên, tài nguyên, môi trường, văn hóa và trình độ phát triển của các địa phương.

Nhiều giải pháp liên quan cũng đã được đề xuất, đặc biệt trong đó là chuyển giao các giải pháp KH&CN phát triển kinh tế, hạ tầng giao thông, thông tin, văn hóa, xã hội, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường, phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai.

Theo đó, những nội dung cần phải thực hiện là: Nghiên cứu đề xuất các giải pháp KH&CN để phát triển kinh tế, hạ tầng giao thông, thông tin tiểu vùng, vùng Tây Bắc.

Nghiên cứu, đề xuất giải pháp KH&CN phục vụ bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa lịch sử. Nghiên cứu, đề xuất các giải pháp giám sát và giải quyết các vấn đề môi trường và thiên tai đặc thù (liên vùng và liên quốc gia) ở Tây Bắc. Nghiên cứu đề xuất các giải pháp đảm bảo quốc phòng an ninh gắn liền với phát triển KT - XH và cộng đồng.

Thực tế cho thấy, những nghiên cứu và đề xuất một cách toàn diện cho vùng Tây Bắc là hết sức quan trọng. Qua nghiên cứu, sẽ xác định nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực và đề xuất giải pháp đào tạo phù hợp cho phát triển nguồn nhân lực vùng Tây Bắc.

Quan điểm thực hiện

Theo Ban chủ nhiệm Chương trình Tây Bắc, khác với các chương trình điều tra cơ bản hay các chương trình nghiên cứu cơ bản, Chương trình Tây Bắc là một chương trình nghiên cứu chuyển giao, ứng dụng tổng hợp, liên ngành. Đến nay, Chương trình Tây Bắc đã cụ thể hóa thành quan điểm và nguyên tắc triển khai với quan điểm xuyên suốt là Cấp thiết – Hiệu quả - Khả thi và Bền vững.

- Cấp thiết: Các kết quả của chương trình giải quyết được các vấn đề cấp bách tầm quốc gia tại địa phương vùng Tây Bắc như mô hình phát triển, triết lý phát triển liên ngành phù hợp với đòi hỏi thực tiễn hiện nay, giải quyết các thiếu hụt về công nghệ và tổ chức triển khai các công nghệ phù hợp với nhu cầu công nghiệp hóa và tái cơ cấu ngành nông nghiệp, cung cấp ngay các giải pháp cho giảm thiểu thiệt hại và ứng phó với tai biến thiên nhiên và xã hội ngày một tăng.

- Hiệu quả: Các sản phẩm đáp ứng nhu cầu thực tiễn, có đầu ra, các kết quả nghiên cứu và triển khai có thể ứng dụng và được nhân rộng tại các địa phương làm động lực và cơ sở cho sự phát triển KT - XH một cách bền vững mà không phải nhập công nghệ của nước ngoài, tạo nên cơ sở khoa học nền tảng cho phát triển lâu dài, chỉ ra được các vướng mắc cần giải quyết thông qua các cơ chế, chính sách đặc thù.

- Khả thi: Kết quả của chương trình đảm bảo phù hợp với trình độ của các nhà quản lý, người dân, doanh nghiệp để có thể triển khai ứng dụng được trong quản lý, sản xuất phát triển tùy theo từng trường hợp, vùng miền cụ thể.

- Bền vững: Các nghiên cứu được phê duyệt và tổ chức thực hiện luôn có tính kế thừa, phù hợp với trình độ phát triển của nguồn nhân lực trong khu vực, đồng thời phù hợp với khả năng hấp thụ của nguồn nhân lực trong khu vực, có khả năng thu hút đầu tư từ khối doanh nghiệp tư nhân, làm cơ sở cho triển khai các sinh kế phù hợp với tài nguyên hiện có của vùng, đảm bảo các kết quả nghiên cứu có tính ứng dụng lâu dài và nhân rộng.

Các hoạt động của chương trình đã góp phần giúp địa phương dần thay đổi nhận thức, coi việc lựa chọn ứng dụng khoa học và công nghệ là khâu đột phá trong phát triển KT - XH của địa phương. Chương trình cũng đã nhận được một số kết quả cụ thể, thực tiễn về Ứng dụng KH&CN để nâng cao giá trị các sản phẩm hàng hóa và các mô hình tăng trưởng; Phát triển GD-ĐT và nguồn nhân lực phục vụ phát triển KT - XH. Các đề tài nghiên cứu ứng dụng KH&CN sẽ hoàn thành vào năm 2016, 2017 hứa hẹn mang lại nhiều kết quả khoa học giá trị, làm cơ sở triển khai các dự án sản xuất thử nghiệm và mở rộng quy mô nghiên cứu trong giai đoạn 2016 - 2018.  

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ