Câu chuyện hạt nhân của Bắc Triều Tiên đang là mối quan tâm đặc biệt của Mỹ cũng như các đồng minh của họ ở châu Á.
Chuyến công du… lặng lẽ
Ngày 15/3, ông Rex Tillerson đã đến Tokyo, mở đầu cho chuyến công du châu Á (Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc) đầu tiên trên cương vị Ngoại trưởng Mỹ.
Nói là lặng lẽ bởi chuyến thăm châu Á của ông Rex Tillerson không “trống rong, cờ mở” như các chuyến công du nước ngoài đầu tiên của những người tiền nhiệm.
Không mang theo một đoàn nhà báo, người duy nhất theo ông Rex Tillerson là một ký giả của trang web bảo thủ Independent Journal Review.
Đề cập đến ngoại giao không thành công trong 20 năm qua, Tillerson trích dẫn một thỏa thuận giữa Mỹ và Bắc Triều Tiên năm 1994. Theo đó, Bình Nhưỡng sẽ nhận được sự hỗ trợ và hai nhà máy điện hạt nhân sẽ dừng sản xuất vật liệu phân hạch cấp độ vũ khí và sau đó là chấm dứt chương trình vũ khí hạt nhân.
Cũng theo lời ông Tillerson, Mỹ đã hỗ trợ cho Bắc Triều Tiên 1,35 tỷ USD, nhưng Bình Nhưỡng vẫn tiếp tục chương trình vũ khí của mình. Vậy mà không chỉ ở Hàn Quốc, các phương tiện truyền thông ở các nước khác lại nói rằng Mỹ đã không thực thi nghĩa vụ của mình.
Hôm nay, lịch sử lặp lại - Bắc Triều Tiên đã thử thành công tên lửa hạt nhân của mình và yêu cầu thế giới công nhận họ là cường quốc hạt nhân. Tiền lệ đã có - Ấn Độ và Pakistan là một ví dụ.
Phỏng đoán kế hoạch tiếp cận mới của Mỹ
Một câu hỏi được đặt ra: Phương pháp tiếp cận mới với Bắc Triều Tiên của chính quyền Donald Trump là gì?
Cả Rex Tillerson, Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida và Thủ tướng Shinzo Abe đều không tiết lộ bí mật này. Theo Washington Post, ai đó ở Washington đề xuất một “phương án động” - dùng để chỉ hành động quân sự. Tại Tokyo, một số nghị sĩ từ đảng cầm quyền cũng kêu gọi công khai phương án chế tạo vũ khí tấn công phủ đầu.
Nhưng những câu chuyện đại loại như vậy chỉ làm gia tăng nỗi sợ hãi của người dân Hàn Quốc. Seoul với 20 triệu dân nằm ở khoảng cách từ vị trí của Bắc Triều Tiên dọc theo biên giới trên thực tế sẽ lọt vào tầm ngắm của pháo binh Bắc Triều Tiên và một phần của thành phố có khả năng chỉ còn là một đống đổ nát.
Theo New York Times, cả Washington và Tokyo đều đặt hy vọng vào hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD ở Hàn Quốc và áp lực kinh tế đối với Bình Nhưỡng thông qua Trung Quốc.
Tuy nhiên, việc lắp đặt tên lửa đạn đạo đánh chặn ngoài khí quyển bị Bắc Kinh xem như một mối đe dọa cho các lực lượng hạt nhân của mình, họ mạnh mẽ phản đối.
Bắc Kinh đề nghị ngăn chặn sự leo thang một cách khá đơn giản: Bắc Triều Tiên chấm dứt thử nghiệm tên lửa hạt nhân, còn Mỹ và Hàn Quốc cũng chấm dứt các cuộc tập trận chung. Sau đó, các bên sẽ ngồi vào bàn đàm phán.
Washington bác bỏ sáng kiến này. Ngoài ra, Mỹ tuyên bố sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt các ngân hàng Trung Quốc nếu Bắc Kinh không ngăn chặn tham vọng hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Câu hỏi Trung Quốc sẽ phản ứng như thế nào?
Một vị tướng về hưu, cựu tư lệnh Quân khu Nam Kinh, nói rằng có thể cô lập lá chắn tên lửa của Mỹ bằng các phương tiện chống radar. Trả lời câu hỏi của tờ Nezavisimaya Gazeta, ông Ken Jimbo - Phó Giáo sư của Đại học Keio (Nhật Bản) cho rằng, về mặt lý thuyết là có thể, Trung Quốc có khả năng thực hiện điều này. Tuy nhiên, các thiết bị này khó có thể sẵn sàng mang ra sử dụng.
Câu chuyện hạt nhân của CHDCND Triều Tiên đang là bài toán hóc búa đối với Washington. 20 năm hoạt động ngoại giao với chiến thuật “cây gậy và củ cà rốt” không làm Bình Nhưỡng chấm dứt tham vọng hạt nhân của họ, giờ chính quyền Donald Trump có thể làm được gì hơn. Có lẽ thời gian mới có câu trả lời chính xác nhất.