Trong số các đối tượng bị bắt có Ermias Ghermay và Medhane Yehdego Redae, được nhà chức trách Italy coi là những thủ lĩnh bọn tội phạm chuyên tổ chức các chuyến tàu chở đầy người nhập cư dọc bờ biển Libya sang Italy.
Ghermay, quốc tịch Ethiopia, đã lẩn trốn từ tháng 7/2014 và được cho là kẻ đã tổ chức chuyến tàu vượt biển bị chìm vào tháng 10/2013, khiến 366 người thiệt mạng ở ngoài khơi đảo Lampedusa, Italy.
Theo công tố viên chống mafia Maurizio Scalia, người đứng đầu chiến dịch mang tên "Glauco II" nhằm triệt phá đường dây tội phạm này, đưa người sang châu Âu là một quá trình khép kín và đem lại bộn tiền cho những kẻ buôn người.
Chúng cung cấp các "dịch vụ" hậu cần cho người nhập cư, đầu tiên là đưa họ vượt qua sa mạc để đến bờ biển Libya với giá 5.000 USD mỗi người, sau đó đưa họ vượt biển Địa Trung Hải với giá 1.500 USD.
Những người nhập cư phải trả tiếp từ 200 đến 400 euro để được đưa vào các trại tiếp nhận ở Italy, và cuối cùng trả 1.500 euro để được đưa một cách trái phép từ Italy đến các nước Bắc Âu, như Na Uy, Đức và Thụy Điển.
Chúng cũng giúp những người Bắc Phi sang châu Âu trốn khỏi các trung tâm tiếp nhận, sau đó đưa vào các chỗ ở bất hợp pháp, và rồi từ đó thực hiện các chuyến đi khác tới các nước châu Âu, nơi chúng bán lại những người này cho tội phạm địa phương.
Các nhà điều tra đã phát hiện hàng loạt các "chi nhánh" của tổ chức tội phạm này ở nhiều địa phương tại Italy, như Palermo, Catania, Agrigento và Milan.
Nhóm này cấu kết chặt chẽ với các nhóm tội phạm khác ở châu Phi. Theo cảnh sát Italy, trung bình mỗi chuyến tàu chở đầy khoảng 200 người nhập cư sẽ giúp cho bọn tội phạm bỏ túi tới 80.000 euro mỗi tên qua các kênh tài chính bất hợp pháp khác nhau.
Một con số thống kê mà mạng tin Huffington Post bản tiếng Italy đưa ra cho thấy, việc tổ chức đưa người nhập cư trái phép là một ngành "công nghiệp" béo bở đem lại lợi nhuận 34 tỷ USD mỗi năm cho các tổ chức tội phạm.
Tình hình bất ổn ở Bắc Phi và Trung Đông hiện tại đang làm gia tăng đáng kể số người tìm cách vượt biển sang châu Âu để tìm kiếm tương lai và cuộc sống tốt đẹp hơn, càng làm cho các tổ chức tội phạm trở nên giàu có hơn.
Số lượng các chuyến tàu tăng vọt cũng đồng nghĩa với nguy cơ tai nạn cao hơn. Trong số 4.000 người nhập cư chết vì tai nạn trên "đường vận chuyển" trên thế giới từ đầu năm 2014 đến nay, có 3.000 người chết trên biển Địa Trung Hải.
Cho tới nay, Italy đã liên tục phá các đường dây đưa người nhập cư sang châu Âu, đồng thời bắt 976 chủ tàu và tài công trong vòng hơn một năm qua.
Tuy nhiên, Thủ tướng Italy Matteo Renzi cho rằng, những nỗ lực của một mình Italy là chưa đủ. Ông kêu gọi Liên minh châu Âu phải tăng cường hỗ trợ Italy trong việc tiêu diệt các tổ chức tội phạm lợi dụng tình hình bất ổn ở Bắc Phi để kiếm tiền trên người nhập cư trái phép, đồng thời tìm ra giải pháp nhằm bình ổn Libya, nơi xuất phát của 91% số tàu chở người nhập cư sang Italy.