Israel nhận viện trợ quân sự kỷ lục

GD&TĐ - Ngày 14/9, Tổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã ký một thỏa thuận viện trợ quân sự cho Tel-Aviv trị giá 38 tỷ USD/10 năm. Đây là bước ngoặt, cho thấy Israel vẫn là đồng minh chiến lược số 1 của Washington ở Trung Đông.

Israel nhận viện trợ quân sự kỷ lục

Bước ngoặt lịch sử

Hiệp định về trợ giúp quân sự cho Israel trong 10 năm (2019 - 2028) đã được ký kết sau 10 tháng đàm phán căng thẳng, đã nhiều lần tưởng như trên bờ vực của sự thất bại. Chính quyền Israel coi kết quả là “một thành tích tuyệt vời”. “Đó là một quá trình lâu dài và phức tạp, nhưng rất có giá trị” - Phát ngôn viên Nhà Trắng Eric Schultz cho biết.

Chúng ta đang nói về gói viện trợ quân sự lớn nhất mà Mỹ từng cung cấp cho bất cứ nước nào. Trong một cuộc phỏng vấn với đài phát thanh “Reshet Bet”, Bộ trưởng An ninh nội bộ của Israel Gilad Erdan cho biết: Quy mô viện trợ hàng năm của Mỹ cho Israel sẽ được tăng thêm 20%. Thỏa thuận viện trợ quân sự của Mỹ cho Israel có trị giá 38 tỷ USD trong thời gian 10 năm, cao hơn gói viện trợ quân sự trước đó mà Washington cung cấp cho Tel-Aviv (3,1 tỷ USD/năm).

Thỏa thuận được ký kết ngày 14/9 tại Washington sẽ có hiệu lực vào tháng 10/2018, sau khi hết thời hạn của bản ghi nhớ hiện nay. Theo thỏa thuận này, hàng năm, Mỹ bổ sung thêm cho nhu cầu quân sự của Israel 700 triệu USD. Trong gói viện trợ trị giá 38 tỷ USD, 5 tỷ USD được dành cho kế hoạch phát triển hệ thống phòng không của Tel-Aviv.

Thỏa thuận này cũng ghi nhận khá nhiều nhượng bộ từ phía Israel, theo đó, Tel-Aviv không có quyền yêu cầu Quốc hội Mỹ khoản bổ sung vượt biên bản ghi nhớ. Theo các nhà phân tích, đây là điều khoản gây nhiều tranh cãi nhất trong 10 tháng đàm phán giữa Tel-Aviv và Washington. Cũng chính từ điều khoản này mà thỏa thuận viện trợ quân sự của Mỹ cho Israel bị đặt trước nhiều dấu hỏi. Dù sao, thỏa thuận vẫn đạt được với mức viện trợ cao nhất từ trước tới nay. Chính vì vậy, giới phân tích khẳng định rằng đây là một thỏa thuận lịch sử.

Israel vẫn là đồng minh chiến lược của Mỹ

Trong nhiệm kỳ cuối của Tổng thống Barack Obama, quan hệ Mỹ - Israel trải qua không ít thăng trầm. Nhà Trắng đã sử dụng hàng loạt ngôn từ mạnh mẽ nhất để phản đối Israel mở rộng khu định cư Do Thái ở bờ Tây, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hòa bình ở Trung Đông. Ngoài ra, thỏa thuận hạt nhân mà Washington đạt được với Tehran - kẻ thù truyền kiếp của Israel đã khiến Tel-Aviv nổi cơn thịnh nộ.

Tel-Aviv cho rằng, việc dỡ bỏ cấm vận đối với Tehran đã tạo ra mối đe dọa với Israel. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu không ít lần gọi thỏa thuận này là trò lừa đảo của Iran, rằng Tehran mượn cớ trì hoãn thời gian đến khi chế tạo thành công bom nguyên tử. Cũng không ít lần Benjamin Netanyahu cáo buộc Obama, coi Tổng thống Mỹ là “kẻ phá hoại” quan hệ truyền thống Mỹ - Israel. Tuy nhiên, Benjamin Netanyahu vẫn cố gắng thương lượng với chính quyền Obama chứ không chờ đợi đến sự xuất hiện một chính quyền mới ở Mỹ. Đối với Barack Obama, thỏa thuận viện trợ quân sự mới nhất cho Israel đã bác bỏ những cáo buộc của đảng Cộng hòa, rằng chính quyền Obama không có chiến lược rõ ràng ở Trung Đông cũng như làm tổn hại đến quan hệ với các đồng minh truyền thống.

Về phía Israel, phe đối lập vẫn chưa hài lòng về kết quả của thỏa thuận này. Theo bà Tzipi Livni, đại diện của Khối “Phục quốc Do Thái”, nếu Thủ tướng Benjamin Netanyahu không xung khắc với Tổng thống Obama, thỏa thuận này có thể còn tốt hơn nhiều.

Tuy nhiên, thỏa thuận viện trợ quân sự của Mỹ cho Israel với giá trị kỷ lục vẫn được ký kết. Theo Giám đốc Dự án “Hòa bình Trung Đông”, Viện Nghiên cứu chính sách Cận Đông (Mỹ) David Makovsky thì thỏa thuận này là một thông điệp quan trọng của Mỹ tới khu vực, rằng bất chấp sự khác biệt quan điểm giữa Mỹ và Israel về Iran hay Palestine, điều quan trọng là Mỹ vẫn cam kết với an ninh dài hạn của Israel. Cố vấn của Giám đốc Học viện Nghiên cứu Chiến lược của Nga, bà Elena Suponina khẳng định: “Một thỏa thuận về một sự gia tăng đáng kể viện trợ quân sự cho thấy Israel vẫn là đồng minh số 1 của Mỹ trong khu vực”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ