Phát biểu tại Viện nghiên cứu An ninh Quốc gia (INSS) tại Tel Aviv, Bộ trưởng Quốc phòng Israel, Moshe Ya’alon nhấn mạnh: “Iran là kẻ thù chính của chúng tôi” và nếu phải lựa chọn một cuộc xung đột giữa Iran và IS thì ông sẽ “thích IS hơn”. Bởi theo ông, IS sẽ dần dần bị đánh bại, trong khi Iran sẽ là mối đe dọa lớn hơn nhiều sau khi tái lập quan hệ với phương Tây.
“Tehran là một mối nguy lớn khi có tham vọng bá chủ khu vực. Hezbollah luôn có khả năng tuyên bố chiến tranh khi được sự hậu thuẫn về tài chính, quân sự của Iran.”
Bộ trưởng Quốc phòng Israel, Moshe Ya’alon phát biểu tại INSS |
Ông Ya’alon cũng bác bỏ tuyên bố của 1 tư lệnh của chính IDF khi ông này cho rằng sẽ có những cơ hội mới khi Iran và nhóm P5+1 đạt được thỏa thuận về hạt nhân vào tháng 7/2015.
Sau hơn một thập kỷ thương lượng ngoại giao căng thẳng. Cuối cùng Iran cũng đồng ý ngừng chương trình làm giàu Uranium vượt 3.67% trong 15 năm.
Việc làm giàu Uranium sẽ chỉ được tiến hành tại Natanz trong khi các cơ sở ở Fordo sẽ không được tiến hành bất kỳ hoạt động làm giàu hoặc lưu trữ các tài liệu phân hạch nào khác.
Iran cũng đã đồng ý lưu trữ không quá 300 kg Uranium ở cấp độ thấp. Các lò phản ứng Arak sẽ không được sản xuất Plutonium. Đổi lại sự nhượng bộ của Iran, các nước phương Tây đồng ý dỡ bỏ lệnh cấm vận đối với quốc gia này.
Tuy nhiên, bất chấp quan điểm về một chiến thắng trên bàn ngoại giao, Ya’alon tuyên bố rằng các thỏa thuận hạt nhân chỉ “dừng kim đồng hồ từ ba tháng đến một năm” và rằng “nếu Iran cảm thấy an toàn về mặt kinh tế, họ có thể đột phá và sản xuất 1 quả bom trong thời gian còn nhanh hơn”.
Tên lửa phòng không S-200 Iran được được phóng từ một căn cứ bí mật ở Iran trong 1 buổi diễn tập. Ảnh: Reuters |
Trong một diễn biến khác, Thủ tướng Israel, Benjamin Netanyahu, ngày 16/01 cho rằng Iran vẫn tìm cách đạt được năng lực hạt nhân quân sự, sau khi thỏa thuận với các cường quốc nhằm thu hẹp năng lực hạt nhân của Tehran được thực thi.
"Kể cả sau khi ký thỏa thuận hạt nhân, Iran vẫn chưa từ bỏ tham vọng đạt được vũ khí hạt nhân, và tiếp tục hành động nhằm làm bất ổn Trung Đông, lan truyền nỗi sợ hãi khắp thế giới khi vi phạm các cam kết quốc tế", AFP dẫn thông cáo từ văn phòng Thủ tướng cho biết.
Thủ tướng Israel nói nước này sẽ "theo dõi việc thực thi thỏa thuận và cảnh báo về bất cứ sự vi phạm nào".
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu trong một cuộc họp nội các ở Jerusalem hôm 10/1. Ảnh: Reuters |
Thỏa thuận hạt nhân lịch sử giữa Iran và các cường quốc bắt đầu có hiệu lực vào ngày 16/01 sau khi Liên Hợp Quốc xác nhận Tehran đã thu hẹp chương trình hạt nhân và lệnh trừng phạt với nước cộng hòa Hồi giáo này chuẩn bị được dỡ bỏ.
Israel là cường quốc hạt nhân duy nhất ở Trung Đông dù chưa tuyên bố. Jerusalem cố ngăn chặn thỏa thuận, cho rằng nó sẽ không ngăn Tehran phát triển vũ khí hạt nhân nếu nước này muốn. Iran luôn bác bỏ thông tin cho rằng nước này đang tìm cách sản xuất bom hạt nhân.