Theo David Cohen - Thứ trưởng Bộ Tài chính Mỹ về khủng bố và tình báo tài chính, IS kiếm được một triệu USD một ngày bằng cách bán dầu thô từ các mỏ nhóm này chiếm dụng khi chúng càn quét Iraq và Syria hồi đầu năm nay.
IS đã "tích lũy của cải với tốc độ chưa từng có". Nguồn tiền của nhóm khác biệt so với hầu hết các nhóm khủng bố khác, điều này đặt ra thách thức khó khăn cho Mỹ trong việc ngăn chặn dòng tiền đổ vào nhóm.
IS hiện được coi là "tổ chức khủng bố giàu có và tinh vi về mặt tài chính nhất thế giới", AFP dẫn lời Marwan Muasher - Phó chủ tịch tại Quỹ Hòa bình Quốc tế Carnegie.
Không giống như Al-Qaeda, phần lớn nguồn tiền của IS không đến từ các nhà tài trợ giàu có, thường ở các quốc gia vùng Vịnh hoặc một nước nào đó.
Tuy nhiên, ông Cohen nhận định "IS có thể là nhóm kiếm tiền giỏi nhất Mỹ phải đối mặt". Ông cảnh báo các nguồn thu của IS "khó lường và đa dạng".
Lượng dầu từ các nhà máy lọc dầu IS chiếm dụng giúp các chiến binh sản xuất khoảng 50.000 thùng mỗi ngày. Chúng bán "với giá chiết khấu đáng kể" cho một loạt các trung gian, bao gồm cả những người từ Thổ Nhĩ Kỳ". Những thương nhân này sau đó bán lại dầu ra thị trường.
Ngay cả chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad và các phiến quân chống IS được Mỹ hậu thuẫn cũng mua dầu từ các chiến binh.
Nhóm này còn bỏ túi khoảng 20 triệu USD trong năm nay từ các vụ bắt cóc, đặc biệt là các nhà báo và con tin châu Âu.
Ngoài ra, nhóm còn sử dụng "thủ đoạn tống tiền tinh vi" để kiếm lợi từ các nhà kinh doanh địa phương ở các thành phố và thị trấn. Chúng rao bán những đồ cổ chúng chiếm đoạt và thậm chí bán cả phụ nữ và bé gái làm nô lệ tình dục.
Biện pháp của Mỹ
Các cuộc không kích của Mỹ đã bắt đầu cản trở khả năng sản xuất dầu của các chiến binh. Chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ và người Kurd cam kết sẽ ngăn chặn nạn buôn lậu dầu trên lãnh thổ của họ.
Cohen tuyên bố Mỹ sẽ thực hiện những biện pháp trừng trị các bên mua dầu phi pháp từ IS. "Chúng tôi có thể gây khó khăn, khiến họ không thể tìm thấy bất kỳ ngân hàng nào ở bất cứ đâu chấp nhận tiền hoặc xử lý các giao dịch của họ" - Ông nói.
Washington cũng kêu gọi các đồng minh áp dụng đường lối cứng rắn của Mỹ, kiên quyết không trả tiền chuộc để đổi lấy con tin.
Mỹ giành nhiều quan tâm đến quốc gia vùng Vịnh, các nước từng bị chỉ trích vì tài trợ các nhóm khủng bố.
Theo ông Cohen, Washington đã đạt được tiến bộ đáng kể trong quan hệ với các nước như Arab Saudi và Tiểu vương quốc Arab thống nhất. Ông đã đến thăm hai nước trong nhiệm vụ thúc đẩy cuộc chiến chống IS.
Tuy nhiên, Cohen cho biết Mỹ vẫn còn nhiều việc cần làm tại Qatar và Kuwait, những nơi từng được coi là có "hệ thống pháp lý dễ dãi trong việc tài trợ khủng bố".
Cũng theo ông Cohen, tuy IS có nguồn của cải dồi dào, nhóm này vẫn chưa có đủ tiền để chi trả các dịch vụ cơ bản cho người dân Iraq trong vùng chúng chiếm đóng. Nhóm có thể phải đối mặt với sự phản đối tại địa phương.
Iraq tiêu tốn khoảng 2 tỷ USD để cung cấp dịch vụ địa phương cho các tỉnh IS đã giành quyền kiểm soát từ tay chính phủ. Các chiến binh vẫn chưa có đủ của cải để thanh toán số tiền này.