Thế nhưng nhiều báo lại đưa tin những kẻ khủng bố đã sử dụng điện thoại di động và nhắn tin SMS cho nhau mà chẳng buồn mã hóa nội dung.
Rõ ràng, cuộc chiến chống lại IS không hề đơn giản. Khi thế giới siết chặt an ninh và lùng sục lực lượng IS ở khắp mọi nơi, bọn chúng cũng có những nỗ lực quyết liệt hơn trong việc ẩn mình.
Mới đây, một tài liệu 34 trang đã được Trung tâm Chiến đấu chống Khủng bố tại West Point phát hiện. Có vẻ như IS sẽ phát tài liệu hướng dẫn này cho các tân binh mới tuyển, dù nội dung gốc là do hãng bảo mật Cyberkov của Kuwait viết ra.
Mục đích ban đầu của Cyberkov là hướng dẫn các nhà hoạt động và phóng viên bảo vệ danh tính cũng như nguồn tin của họ, nhưng không rõ bằng cách nào, IS đã chiếm được tài liệu này và xào nấu chúng thành sách hướng dẫn cho tân binh cách giữ bí mật vị trí cũng như phương thức liên lạc của mình.
Bên trong cuốn tài liệu cũng khuyến khích sử dụng một số ứng dụng nhắn tin cụ thể, đồng thời hướng dẫn độc giả tránh xa các ứng dụng kiểu như Facebook vì việc liên lạc thông qua mạng xã hội này có thể bị nghe lén và can thiệp. Cũng nằm trong danh sách "Phải tránh xa" là Dropbox, với lý do dịch vụ lưu trữ đám mây này có thể liên đới đến chính trị.
Đáng chú ý, trong số các ứng dụng được IS khuyên dùng có cả iMessage của Apple. Dịch vụ này được cho là không thể bị xâm nhập bởi bản thân Apple cũng như các cơ quan tình báo của chính phủ. Ngoài ra, IS cũng khuyến khích những kẻ đi theo sử dụng Telegram hoặc Sicher. Cả hai đều không có trụ sở chính đặt tại Mỹ.
Ngoài ra, cuốn tài liệu cũng cho biết khi sử dụng smartphone Android hoặc iPhone thì ứng dụng chính thức của Twitter có thể được dùng thay cho các ứng dụng của bên thứ ba. Ngoài ra còn có đoạn hướng dẫn sử dụng dữ liệu Exif giả để xóa dấu vết.
Một số gợi ý khác bao gồm việc sử dụng những chiếc điện thoại siêu mã hóa bảo mật như Blackphone. Tân binh cũng được hướng dẫn tắt GPS trên mọi thiết bị thông minh đang dùng. Tuy nhiên, khá kỳ lạ khi toàn bộ tài liệu hướng dẫn không hề nhắc đến máy chơi game Sony PlayStation.