Chính sách được lòng phụ huynh
Mohammed, một học sinh lớp 4 kể rằng phiến quân đã “xua đuổi” cô giáo yêu quý của mình. “Cháu yêu quý cô giáo rất nhiều. Sau khi IS nắm quyền kiểm soát khu dân cư của cháu, họ cấm nữ giáo viên dạy học ở trường nam sinh” – Mohammed nói.
Mohammed chỉ học 1 tuần ở trường sau khi IS kiểm soát và toàn bộ kiến thức cậu học được là “1 viên đạn cộng 1 viên đạn bằng 2 viên đạn”.
Mẹ cậu bé nói rằng phụ huynh tại Mosul đều quyết định không gửi con vào các trường học bị IS kiểm soát. “Trong trường học bị IS kiểm soát, con tôi được phát một quyển sách giáo khoa dành cho học sinh lớp 5 trong đó dạy cách chế tạo bom và chất nổ” – mẹ của Mohammed cho biết – “Tôi không biết những cuốn sách này được biên soạn và in ở đâu”.
Nghỉ học ở trường đồng nghĩa học sinh thất học trong vài năm qua. Nay nếu như thông lệ học sinh sẽ phải học chung với những học sinh kém vài tuổi khi quay lại trường học. Tuy nhiên giờ đây phụ huynh và học sinh đều rất vui khi Bộ Giáo dục ban hành chính sách đặc cách cho học sinh sống ở khu vực chiến sự - nhằm “vượt thời gian” học chung với các bạn cùng độ tuổi tại khu vực ngoài tầm kiểm soát của IS.
Cha mẹ của Faten, một nữ sinh Mosul, nói rằng con gái họ có thể chuyển đổi từ lớp 4 lên lớp 7. “Con gái tôi đã không đến trường 3 năm rồi nhưng chúng tôi đã cố gắng tận dụng chính sách đặc cách của Bộ Giáo dục, vượt qua kì thi chuyển đổi từ lớp 4 sang lớp 7” – mẹ Faten cho biết.
Bà mẹ này cũng mong muốn con gái học tiếng Anh và rời Iraq. “Những gì đã xảy ra tại Iraq không mang lại hy vọng gì cho tương lai của con tôi. Phiến quân vẫn ẩn hiện đâu đó, tiếp tục giết người, đánh bom” – mẹ Faten bày tỏ bi quan.
Phụ huynh tại Mosul đều đánh giá cao chính sách đặc cách của Bộ Giáo dục “rút gọn” 3 năm học và hy vọng Bộ Giáo dục sẽ có giải pháp hỗ trợ tốt nhất giúp trẻ bồi đắp nhanh chóng kiến thức đã mất.
Khôi phục giáo dục
Theo Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF), 470 trường học tại Mosul đã mở lại dưới sự trợ giúp từ quốc tế, bao gồm 136 trường nằm tại khu vực phía Tây Mosul bị thiệt hại nặng nề nhất. Những trường này đã tiếp nhận khoảng 365.000 học sinh – theo phụ trách truyền thông của UNICEF tại Iraq Sharon Behn.
Behn nhấn mạnh rằng khoảng 650.000 trẻ Mosul cần được hỗ trợ. Những trẻ này đang lục tục trở về nhà và sẽ cần trường học cũng như các dịch vụ cơ bản khác.
Hoạt động giáo dục tại Mosul cũng được khôi phục dần cả ở bậc đại học.
Hồi tháng trước, khoảng 40.000 sinh viên Trường Đại học Mosul, một trong những trường lớn nhất tại Iraq, đã trở lại trường tiếp tục học tập.
Trước khi tháo chạy khỏi Đại học Mosul, phiến quân đã phóng hoả thư viện trường, biến cả toà nhà thành một khối đen xì vì khói muội.
Nhưng với Maher, sinh viên năm thứ 3 ngành Địa lý, thì cuộc sống vẫn phải tiếp diễn. “Trường học mở lại mới là điều quan trọng, không cần bận tâm quá nhiều đến những toà nhà bị đốt cháy hoặc phá hủy” – Maher nói.