Iran nâng đôi cánh cho không quân Nga

GD&TĐ - Việc Iran đồng ý cho Nga sử dụng sân bay tầm xa Hamadan như một chìa khóa mở ra không gian hoạt động thuận lợi trong cuộc chiến chống lại IS và các lực lượng nổi dậy ở Syria. 

Iran nâng đôi cánh cho không quân Nga

Nói như các nhà phân tích thì sự kiện này “làm thay đổi cuộc chơi ở Trung Đông”.

Quyết định phá vỡ mọi tiền lệ

Lực lượng hàng không vũ trụ Nga tăng cường nỗ lực chiến đấu chống lại các nhóm Hồi giáo cực đoan ở Syria đã được phép sử dụng căn cứ không quân ở thành phố Hamadan của Iran. Từ Hamadan đến Syria ngắn hơn nhiều so với bay từ Nga, chính vì thế, máy bay Nga tiết kiệm được nhiên liệu, có thể mang theo nhiều vũ khí hơn, cơ động hơn…

“Thời gian tới, máy bay ném bom Tu-22M3 và Su-34 đến từ các sân bay trên lãnh thổ của Nga và Iran sẽ trực tiếp tiến hành các cuộc không kích vào các căn cứ của IS ở tỉnh Deir ez-Zor” - Bộ Quốc phòng Nga cho biết.

Có thể nói, việc Tehran cho phép không quân Nga sử dụng sân bay Hamadan với mục đích chống IS và lực lượng Hồi giáo cực đoan ở Syria là quyết định không có tiền lệ và tất nhiên không hề dễ dàng. Từ năm 1979, sau khi lật đổ chế độ thân phương Tây Shah, Iran không có tiền lệ cho các lực lượng vũ trang nước ngoài sử dụng lãnh thổ của mình.

“Đề nghị cho Nga sử dụng cơ sở hạ tầng căn cứ không quân Hamadan gây ra tranh cãi trong nhóm bảo thủ của phe đối lập ở Quốc hội Iran. Họ cảnh báo rằng sự xuất hiện của các căn cứ quân sự Nga tại Iran là trái với Hiến pháp” - Chuyên viên cao cấp của Trung tâm nghiên cứu Trung Đông, Viện Nghiên cứu phương Đông Lana Ravandi - Fada giải thích. Theo Lana Ravandi - Fada, Chủ tịch Quốc hội Iran Ali Larijani phải trấn an những người bảo thủ rằng, đây không phải là việc thành lập một căn cứ quân sự của Nga mà chỉ tạo điều kiện cho hàng không Nga sử dụng sân bay Hamadan phục vụ cho cuộc chiến ở Syria. Đồng thời, ông Larijani nhắc nhở rằng năm ngoái Moskva và Tehran đã đồng ý thành lập liên minh chống khủng bố để chống lại IS, theo đó đòi hỏi phải hợp tác chặt chẽ trong cuộc chiến ở Syria.

Dư luận phương Tây nói gì?

Báo chí phương Tây tiếp tục phân tích những tác động có thể của việc tái lập quan hệ quân sự giữa Moskva và Tehran. Tờ The Wall Street Journal khẳng định, việc Nga quyết định bán tên lửa S-300 cho Iran cũng như Iran cho phép không quân Nga sử dụng sân bay để tấn công Hồi giáo cực đoan ở Syria là những động thái củng cố mối quan hệ chiến lược giữa Moskva và Tehran. Sự hợp tác này được thực hiện có thể là hệ quả của thỏa thuận hạt nhân giữa Obama với Iran - The Wall Street Journal nhận định. Cũng theo The Wall Street Journal thì điều này phục vụ cho lợi ích của những ông khách từ Nga và Iran, mở rộng tầm ảnh hưởng của họ ở Levant, đi ngược lại lợi ích của Mỹ… Đây là vấn đề phải được Tổng thống tiếp theo của Mỹ xem xét.

Trên tờ “The Jerusalem Post” (Israel), bình luận viên Herb Keynon khẳng định: “Những máy bay Nga ở Iran sẽ làm thay đổi quy tắc của cuộc chơi ở Trung Đông”. Trên tờ Le Figaro, nhà báo Isabelle Lasserre viết: Lần đầu tiên Iran cho phép nước khác sử dụng lãnh thổ của mình để tiến hành các hoạt động quân sự chống lại nước thứ ba và cũng là lần đầu tiên Moskva bắn phá đối thủ của họ ở Syria từ nước ngoài.

Moskva và Damascus cùng ủng hộ chế độ Bashar Assad, nhưng trong thời gian dài họ không thiết lập quan hệ quân sự trực tiếp, chỉ từ khi ký kết hiệp ước hạt nhân Iran, các mối quan hệ quân sự này ngày một tăng lên. Và Isabelle Lasserre khẳng định: “Moskva hy vọng sẽ thay đổi cục diện chiến trường ở Aleppo”.

Trong bối cảnh cuộc đàm phán Nga - Mỹ về Syria đang diễn ra hết sức phức tạp, V.Putin hy vọng chiến thắng ở Aleppo sẽ là “tài sản” bổ sung cho các cuộc đàm phán quốc tế tiếp theo. Phóng viên Scott Peterson của tờ Christian Science Monitor lại nhìn hợp tác Nga - Iran là mục tiêu tham vọng hơn. Từ Syria, Nga sẽ vươn tay ra các nước khác như Iraq, Libya… và lật đổ sự thống trị của Mỹ ở khu vực.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Café chủ nhật: Cõi nhớ

GD&TĐ - Nắng đầu Đông yếu ớt hai ngày qua đã phải nhường chỗ cho đợt gió mùa tràn về.

Chuyên gia khuyến cáo bệnh nhân cao huyết áp nên ăn ít muối. (Ảnh: ITN)

Những cách tự nhiên giúp hạ huyết áp

GD&TĐ - Khi già đi, chúng ta cần đặc biệt chú ý đến huyết áp. Theo giới chuyên gia, chế độ ăn uống chắc chắn có hiệu quả trong việc kiểm soát huyết áp.

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

GD&TĐ - Theo truyền thống, vào ngày 15/11 âm lịch, các gia đình thường chuẩn bị lễ cúng gia tiên cùng bài văn khấn để nguyện cầu sức khỏe, bình an.