Indonesia: Thí sinh thi đại học phải có xét nghiệm nhanh Covid-19

Indonesia: Thí sinh thi đại học phải có xét nghiệm nhanh Covid-19

Sau khi tốt nghiệp trung học, Daariin Ariij Nabiila Mumtaz (18 tuổi), phải tham dự kỳ thi tuyển sinh ĐH hằng năm trong bối cảnh Covid-19 bùng phát. Các thí sinh được kiểm tra sức khoẻ nghiêm ngặt và đeo khẩu trang khi làm bài. Trước khi thi, Mumtaz thường xuyên phải đo thân nhiệt, rửa tay ít nhất hai lần và lau bàn cũng như máy tính bằng khăn lau khử trùng.

Theo thống kê, có khoảng 703.875 học sinh tham dự kỳ thi ĐH tại Indonesia. Tất cả những người này đều phải tuân theo quy trình y tế nghiêm ngặt, nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Làm bài kiểm tra trên máy tính là một trong ba cách để HS THPT tại Indonesia có thể đỗ vào ĐH. Các kỳ thi được tổ chức thành hai đợt, từ ngày 5 - 14/7 và 20 - 29/7 tại 74 trung tâm kiểm tra thuộc các thành phố trên cả nước.

Viện Kiểm tra tuyển sinh ĐH được thành lập vào năm 2019 nhằm giám sát các kỳ thi, kiểm tra thân nhiệt tại chỗ và kêu gọi thí sinh đeo khẩu trang cũng như găng tay. Do Covid-19, số lượng thí sinh trong mỗi phòng được giảm xuống. Ngoài ra, chỉ có hai phiên thi mỗi ngày thay vì bốn như thông thường. Một số địa phương và các trường ĐH tại Indonesia thậm chí yêu cầu thí sinh phải trải qua xét nghiệm kháng thể nhanh, trước khi tham dự kỳ thi tuyển sinh.

Ngày 5/7, Viện Kiểm tra tuyển sinh ĐH thông báo, những thí sinh có thân nhiệt trên 37,5 độ C hoặc bị nghi nhiễm Covid-19 phải thực hiện xét nghiệm PCR, trước khi được tham dự kỳ thi tuyển sinh. Nếu xét nghiệm PCR cho kết quả âm tính với Covid-19, người thi có thể sắp xếp tham dự kỳ thi vào đợt sau. Tuy nhiên, nếu được ghi nhận nhiễm bệnh, thí sinh sẽ không được phép thi ĐH.

Ông Mohammad Nasih - người đứng đầu Viện Kiểm tra tuyển sinh ĐH và là Hiệu trưởng của Trường ĐH Airlangga ở Surabaya cho biết, những người bị sốt hoặc dương tính với Covid-19 nên "tập trung vào sức khỏe bản thân". Chỉ khi phục hồi, HS mới có thể lên lịch cho bài thi "nếu vẫn còn thời gian".

Các tổ chức GD khác, như Trường ĐH Soedirman và ĐH Sebelas Maret ở miền Trung Java - khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, cũng đã đưa ra yêu cầu tương tự. Tuy nhiên, việc xét nghiệm chỉ áp dụng với các thí sinh đến từ khu vực khác.

Ông Jamal Wiwoho - Hiệu trưởng Trường ĐH Sebelas Maret cho biết, một HS tốt nghiệp từ trường THPT tại Ngawi (Đông Java) đã không thể làm bài thi tuyển sinh ĐH do không đưa ra bằng chứng về kết quả xét nghiệm nhanh. Chính quyền Surabaya - thành phố lớn thứ hai của Indonesia và là nơi chiếm 1/2 trường hợp tử vong do Covid-19 tại Đông Java, đã nhận nhiều chỉ trích do thông báo về yêu cầu mới chỉ trước 3 ngày diễn ra kỳ thi.

Một kiến nghị trên Change.org đã kêu gọi thành phố Surabaya thực hiện các xét nghiệm nhanh miễn phí cho thí sinh thi ĐH. Nhiều ý kiến cho rằng, giá thành của mỗi lần xét nghiệm nhanh là vô cùng đắt đỏ, trong khi quyết định được đưa ra quá đột ngột.

Trước những chỉ trích, chính quyền thành phố Surabaya cho biết sẽ cung cấp xét nghiệm nhanh miễn phí tại các trung tâm y tế cộng đồng và chỉ dành cho người đến từ gia đình có thu nhập thấp.

Nhà dịch tễ học Windhu Purnomo thuộc Trường ĐH Airlangga cho biết, yêu cầu mới đối với các thí sinh là "khó hiểu" và thể hiện sự hiểu biết "sai lầm" về chức năng của xét nghiệm nhanh. Ông Purnomo cho biết, các xét nghiệm có thể được sử dụng để giám sát và sàng lọc người nhiễm Covid-19, nhưng không chấm dứt sự lây lan.

"Các xét nghiệm nhanh không thể chỉ được thực hiện một lần. Giả định cho rằng, kết quả xét nghiệm nhanh âm tính có nghĩa là thí sinh sạch virus và không có khả năng truyền bệnh là hoàn toàn sai lầm. Thực ra, họ có thể mang virus, nhưng kháng thể của họ chưa hình thành. Trong khi đó, những người có kết quả dương tính sau xét nghiệm nhanh có thể không thực sự nhiễm Covid-19, nhưng vẫn được yêu cầu về nhà cách ly", ông Purnomo nói.

Theo The Jakarta Post

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Hiệu quả là mấu chốt

GD&TĐ - Theo ADB, nhu cầu toàn cầu suy giảm và lãi suất quốc tế cao đã tác động đến tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2023.