Indonesia: Gần 200 sinh viên từng bị quấy rối tình dục lên tiếng

GD&TĐ - Hàng trăm người học tại Indonesia đã chia sẻ câu chuyện của mình thông qua một mẫu đơn trực tuyến và cho biết, họ từng là nạn nhân của vấn nạn quấy rối tình dục. Tuy nhiên, hầu hết những người này đều không dám lên tiếng bởi lo ngại bản thân sẽ rơi vào nguy hiểm.

Người dân tại thành phố Yogyakarta (Indonesia) diễu hành phản đối nạn quấy rối tình dục.
Người dân tại thành phố Yogyakarta (Indonesia) diễu hành phản đối nạn quấy rối tình dục.

“Bề nổi của tảng băng chìm”

“Chỉ có hai chúng tôi trong xe của ông ta trên một con đường vắng lặng. Khi đó, ông ta bắt đầu vuốt ve đùi tôi và đưa tay xuống khắp chân tôi. Không biết tại sao nhưng tôi không thể hét lên. Tôi đã không chống cự vì quá sợ hãi. Tôi lo rằng, ông ta sẽ nổi giận và có thể làm bất cứ điều gì với tôi nếu tôi hét lên. Tôi có thể bị giết. Tôi không muốn chết một cách vô ích”, nữ SV tại một trường ĐH ở đảo Sumatra nhớ lại khi bị lạm dụng tình dục bởi chính giảng viên của mình.

Vụ việc xảy ra khi nữ sinh này có chuyến đi thực địa cùng người giảng viên để làm nghiên cứu. Tuy nhiên, câu chuyện của cô chỉ nằm trong số 174 trường hợp bị quấy rối khác. Các nạn nhân tiết lộ, nạn quấy rối và lạm dụng tình dục tại các cơ sở GD ở Indonesia đang có chiều hướng ngày càng nhiều hơn. Theo thống kê, vấn nạn này tồn tại ở 29 thành phố, bao gồm 79 trường ĐH tư nhân và tôn giáo của Indonesia. Trong nhiều trường hợp, nạn nhân đã không lên tiếng và do đó, hầu hết vụ việc đều chưa được giải quyết.

Từ ngày 13/2 - 28/3/2019, tờ Jakarta Post, Tirto.id và VICE Indonesia đã cùng hợp tác trong một dự án mang tên #NamaBaikKampus (Thanh danh trường học). Chương trình đã nhận được 207 lời tố cáo, trong đó có 174 trường hợp cáo buộc bị quấy rối tình dục. Theo thống kê, có tới 88% nạn nhân sống sót - những người chia sẻ câu chuyện thông qua một bản đơn trực tuyến - đến từ các trường ĐH thuộc đảo Java. Trong đó, hai thành phố Semarang và Yogyakarta là nơi có nhiều người điền vào mẫu đơn này nhất.

ĐH Gadjah Mada (UGM) tại Yogyakarta và ĐH Diponegoro (Undip) tại Semarang là hai cơ sở GD có nhiều trường hợp cáo buộc bị lạm dụng tình dục. Tháng 11/2018, vụ việc tại UGM đã khiến dư luận dậy sóng khi một nữ sinh có bút danh là Agni báo cáo bị một HS khác tấn công tình dục. Tháng trước, #NamaBaikKampus đã công bố lời chia sẻ của nhiều SV tại Undip bị giảng viên nam quấy rối. Sau khi Tirto.id, Post và VICE Indonesia đăng tải vụ việc này, số lượng SV Undip lên tiếng tố cáo ngày càng tăng vọt. Trước vấn nạn này, Ủy ban quốc gia về Bạo lực đối với phụ nữ (Komnas Perempuan) cho biết, các báo cáo lạm dụng tình dục thường là “phần nổi của tảng băng chìm”, bởi việc không có bất cứ báo cáo nào từ một tổ chức GD sẽ không có nghĩa là nạn lạm dụng tình dục không tồn tại tại đó.

Không chỉ trong khuôn viên trường học

Hầu hết SV cáo buộc bị lạm dụng tình dục tại Indonesia đều là nữ. Trong khi đó, chỉ có 7 trường hợp là nam giới. Dữ liệu được tổng hợp từ chia sẻ của các nạn nhân cho thấy, 50% nạn nhân cho biết đã trải qua quấy rối tình dục nhiều lần, trong khi 50% còn lại chỉ phải đối mặt với vấn nạn này một lần.

Nhiều nạn nhân tiết lộ từng bị bạn học và giảng viên quấy rối không chỉ ở trong khuôn viên trường, mà thậm chí là cả khi tham gia các hoạt động hàng ngày, hay trong các sự kiện của trường, chương trình thực tập, hoặc khi làm nghiên cứu.

Một nữ SV y khoa theo học tại một trường ĐH Hồi giáo ở miền Trung Java chia sẻ đã bị quấy rối tình dục ngay trước một ca phẫu thuật trong thời gian thực tập tại bệnh viện. “Ông ta đang ngủ trong phòng nghỉ nên tôi đã gọi để báo rằng bệnh nhân đã sẵn sàng phẫu thuật. Sau đó ông ta yêu cầu tôi ngồi cạnh để trò chuyện. Vì ông là giáo sư của tôi nên tôi đã làm những gì được yêu cầu. Tôi ngồi xuống và bất ngờ bị ông ghì chặt và ôm hôn. Tôi đã rất sốc và không thể chống cự. Tôi chỉ che mặt bằng tay mình. May mắn thay, bạn tôi đột nhiên mở cửa, tôi đứng dậy và xin lỗi”, nữ sinh nói với #NamaBaikKampus.

Cô SV y khoa này đã kể cho bố mẹ nghe về việc bị lạm dụng tình dục. Mặc dù rất tức giận, nhưng bố mẹ cô quyết định im lặng. “Chúng tôi không thể làm được gì. Ông ta là một bác sĩ, một giáo sư và cựu giám đốc của bệnh viện đó”, cô nói.

Trong số 174 người chia sẻ câu chuyện, có tới 87 người cho biết đã không báo cáo với bất kỳ cơ quan chức năng nào về việc bị quấy rối tình dục. “Tôi vẫn còn là một SV khi xảy ra vụ việc. Tôi sợ rằng, trường ĐH sẽ hoãn việc tốt nghiệp của tôi vì vấn đề này. Học ĐH đã tốn rất nhiều chi phí và tôi chỉ muốn hoàn thành việc học đúng hạn mà không bị chậm trễ”, một nạn nhân tại Semarang cho biết.

Hầu hết các trường ĐH tại Indonesia không có bất kỳ hình thức nào để giúp đỡ những người bị lạm dụng tình dục. Trong một cuộc phỏng vấn với VICE Indonesia vào tháng 2, ông Ismunandar - Tổng Giám đốc Bộ Nghiên cứu, Công nghệ và GDĐH Indonesia nhận định, các trường ĐH là các tổ chức tự chủ. Do đó, những trường hợp lạm dụng tình dục trong trường nên được xử lý nội bộ. Cũng theo ông Ismunandar, Bộ không có bất kỳ kế hoạch nào trong việc ban hành hướng dẫn về việc xóa bỏ lạm dụng tình dục trong khuôn viên trường.

Tuy nhiên, UGM được cho là tổ chức GDĐH đầu tiên tại Indonesia thiết lập chính sách toàn trường. Sau nhiều chỉ trích về cách hiệu trưởng xử lý vụ việc của nữ sinh Agni, UGM đang cân nhắc đưa ra chính sách giúp lãnh đạo nhà trường có thể xử lý các vụ việc triệt để hơn trong tương lai. “Khi còn là SV, một giảng viên từng quấy rối cả tôi và bạn tôi, nhưng chúng tôi không biết phải làm gì hoặc gọi cho ai để được giúp đỡ. Trường học không có bất cứ biện pháp nào giúp giải quyết vấn đề này”, một nạn nhân khác lên tiếng.

Bên cạnh đó, một số nạn nhân chia sẻ, họ không báo cáo vụ việc vì lo ngại rằng, lãnh đạo sẽ quan tâm tới danh tiếng của trường hơn là rắc rối của SV.

Theo CNA

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ