Ảnh minh họa.
Theo báo cáo mới của IEA, khoảng 6,5 triệu trường hợp tử vong mỗi năm trên toàn thế giới có nguyên nhân liên quan tới chất lượng không khí, khiến cho ô nhiễm môi trường trở thành mối đe dọa lớn thứ 4 đối với sức khỏe con người - sau cao huyết áp, chế độ ăn uống và hút thuốc lá.
Chất gây hại như các loại hạt - có thể chứa axit, kim loại, đất và bụi bẩn, sulfur oxit, nitrogen oxit - trong không khí là nguyên nhân gây nên hiện tượng ô nhiễm không khí đang lan rộng hiện nay.
Các loại hạt này có thể gây nên ung thư phổi, đột quỵ và bệnh tim nếu một người tiếp xúc trong khoảng thời gian dài. Và nguyên nhân sản sinh ra các loại chất ô nhiễm này đều liên quan tới việc sử dụng và sản xuất năng lượng, IEA nói trong một báo cáo đặc biệt về năng lượng và ô nhiễm không khí.
Nếu không có biện pháp ứng phó, tỷ lệ số người chết sớm sẽ gia tăng từ 3 triệu lên 4,5 triệu trong năm 2040. Tuy nhiên, số trường hợp chết sớm do ô nhiễm không khí trong nhà sẽ giảm từ 3,5 triệu xuống 2,9 triệu. Khu vực châu Á được cho là sẽ chiếm tới 90% số số người chết sớm tăng lên do ô nhiễm không khí.
Theo IEA, dù lượng khí thải toàn cầu được dự báo sẽ giảm trong năm 2040, nhưng các chính sách năng lượng hiện hành là không đủ để cải thiện chất lượng không khí. Do vậy, khí thải gây hiệu ứng nhà kính độc hại sẽ tiếp tục lan rộng ở các quốc gia công nghiệp phát triển, dự kiến sẽ tăng ở khu vực Đông Nam Á và châu Phi.
IEA nói rằng, nếu tăng khoản đầu tư trên toàn cầu vào năng lượng thêm 7%, hay 4,7 nghìn tỷ USD, từ nay đến năm 2040 thì sẽ góp phần giảm được số người chết sớm do ô nhiễm không khí xuống còn 2,8 triệu người.