Hy sinh hay nhịn nhục?

Thà nghèo, thà không danh vọng mà anh thuộc về vợ con, em còn thấy vui vẻ hơn gấp nhiều lần.

Hy sinh hay nhịn nhục?

Chị Hạnh Dung kính mến,

Em lập gia đình 11 năm, có hai con. Bất hạnh của em là phải sống chung với mẹ chồng, nên không thể tự chủ được, việc gì cũng bị mẹ chồng can thiệp, từ cho các cháu ăn uống thế nào, đến chồng em làm gì ở cơ quan, có nên chuyển công việc hay không…

Vừa rồi, em phát hiện chồng em có quan hệ với một đồng nghiệp nữ, em đã nói chuyện thẳng thắn với cả hai, anh thừa nhận, hối lỗi, hứa sẽ chấm dứt, trước mắt là chuyển sang chỗ làm khác.

Đây là chuyện riêng của vợ chồng, nên em cố gắng giữ kín. Nhưng, khi nghe chồng em định thay đổi chỗ làm, mẹ chồng em phản đối, lấy lý do chỗ làm hiện tại rất tốt, có người quen cũ của bố chồng nâng đỡ, không cho anh chuyển việc.

Theo ý của mẹ chồng thì em phải nhịn nhục, phải hy sinh, phải tập trung chăm con để chồng làm việc, lên chức. Em không thể chấp nhận chuyện đó, vì chức tước tiền bạc làm gì khi chồng mình đánh đu với người đàn bà khác?

Thà nghèo, thà không danh vọng mà anh thuộc về vợ con, em còn thấy vui vẻ hơn gấp nhiều lần. Em muốn giữ hạnh phúc gia đình, nhưng trong hoàn cảnh như vậy, em không biết phải xử sự thế nào.

Thanh Loan (TP.HCM)

Hy sinh hay nhin nhuc?
Ảnh mang tính minh họa: Internet

Em Thanh Loan thân mến,

Mỗi thế hệ có quan niệm và cách nhìn nhận khác nhau về gia đình, về hạnh phúc. Mình cần hiểu điều này để dung hòa, để giải quyết những chuyện phát sinh trong gia đình, sao cho không đối đầu nhưng cũng không bị áp chế.

Theo Hạnh Dung, mẹ chồng em có nỗi lo về đường công danh của con trai, mà theo quan niệm của thế hệ trước, các mối quan hệ, sự nâng đỡ… là điều kiện quý giá để phát triển.

Hạnh Dung đồng ý với em là không thể hy sinh theo kiểu mình bưng tai bịt mắt, bỏ qua những chuyện ở cơ quan, chuyện quan hệ của chồng, để rồi cuối cùng đánh đổi bằng chính hạnh phúc của mình.

Em cần nói chuyện thẳng thắn với mẹ về những nguy cơ, về cả sự thật mà chồng em đã thừa nhận, về nguyên do của quyết định chuyển chỗ làm. Nếu đó là quyết định sau rất nhiều cân nhắc, là cách làm tốt nhất trong tình cảnh hiện tại, em phải giải thích cho mẹ rõ.

Có thể, mẹ chồng em sẽ tham gia ý kiến, có cách làm khác hợp lý hơn, đỡ thiệt hại hơn cho chồng em. Mình không thể hy sinh, không nhịn nhục gì trong chuyện này, nhưng cũng không nên khăng khăng khẳng định chỉ có cách mình làm là tốt, là đúng nhất. Hạnh Dung tin, mẹ chồng em cũng muốn con trai thành đạt và hạnh phúc, chứ nếu chỉ thành đạt mà tan vỡ gia đình thì bà sẽ cân nhắc lại.

Qua thư, thấy rõ em đang mang nặng định kiến phải sống chung với mẹ chồng, xem đó là nỗi “bất hạnh”. Có thể vì định kiến nên em đóng kín lòng mình, không tâm sự, không cần sự giúp đỡ từ mẹ. Từ đó, mẹ con không hiểu nhau, dần đi đến sự đối nghịch.

Nhân sự việc này, em cứ thử một lần tâm sự với mẹ, cứ coi như mẹ cũng có một cách giải quyết nào đó. Kết quả có thể không được ngay như em mong đợi, nhưng em có thể đỡ bớt áp lực. Chúc em giải quyết hài hòa, êm thấm sự việc mà không phải mang tâm trạng hy sinh, nhịn nhục.

Theo phunuonline

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ