Huyện Việt Yên (Bắc Giang) dành hơn 1.400 tỉ đồng hiện đại hóa cơ sở giáo dục

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - UBND huyện Việt Yên đã có quyết định phê duyệt Đề án bổ sung cơ sở vật chất nhằm phát triển, hiện đại cơ sở giáo dục giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030. Tổng số tiền thực hiện hơn 1.400 tỉ đồng

Ngành GD&ĐT huyện Việt Yên tăng cường cơ sở vật chất cho cơ sở giáo dục (Ảnh minh họa).
Ngành GD&ĐT huyện Việt Yên tăng cường cơ sở vật chất cho cơ sở giáo dục (Ảnh minh họa).

Cụ thể, giai đoạn 2022-2030, toàn huyện Việt Yên sẽ đầu tư mở rộng 155.592 m2 đất. Huyện cũng xây mới 646 phòng học, 450 phòng chức năng, 33 nhà đa năng, 7 bể bơi, 19 nhà vệ sinh, 20 bếp ăn, 1 khu nội trú, 40 cổng trường, đồng thời sửa chữa 83 phòng học, 29 phòng chức năng, cải tạo 38 sân.

Hằng năm, UBND huyện Việt Yên, UBND các xã, thị trấn bố trí kinh phí để thực hiện Đề án theo lộ trình song song với huy động xã hội hóa. Tổng kinh phí dự kiến 1.425 tỉ đồng, trong đó hơn 700 tỉ từ ngân sách huyện, còn lại từ ngân sách xã, thị trấn và xã hội hóa.

Đặc biệt, trong đó UBND huyện Việt Yên (Bắc Giang) lên kế hoạch xây dựng trường THCS trọng điểm chất lượng cao Thân Nhân Trung giai đoạn 2022 -2025 với tổng kinh phí thực hiện là 69,503 tỷ đồng.

“Tiếp tục thực hiện Chỉ thị 09-CT/TTg ngày 22/5/2015 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh thực hiện giải quyết vấn đề trường, lớp ở các khu công nghiệp, khu chế xuất, huyện Việt Yên khuyến khích đầu tư xây dựng trường mầm non tư thục, thành lập các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục, nhất là tại các khu, cụm công nghiệp, đông dân cư…”, đề án nêu rõ.

UBND huyện Việt Yên đánh giá cơ sở vật chất, thiết bị dạy học của các trường trên địa bàn đã được đầu tư, nâng cấp cơ bản đảm bảo. Mạng lưới trường lớp từng bước được sắp xếp hợp lý, quy mô các cấp học từng bước hoàn thiện, hệ thống trường lớp đảm bảo, thực hiện theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa.

Mặc dù, tỉ lệ phòng học kiên cố của toàn huyện cao, tuy nhiên nhiều phòng học kiên cố đến nay đã xuống cấp, diện tích không đảm bảo, cần được thay thế. Một số trường chuẩn quốc gia có diện tích không đủ theo quy định. Trang thiết bị, đồ dùng dạy học chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục phổ thông 2018. Đặc biệt, địa bàn huyện còn nhiều phòng học, phòng chức năng và những dãy phòng học xây dựng từ 20 năm trở lên đã xuống cấp, diện tích không đảm bảo.

Cũng theo UBND huyện Việt Yên, các trường Tiểu học dạy ngoại ngữ, tin học bắt buộc theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 cần phải thêm phòng học bộ môn. Các trường THCS thực hiện dạy 2 buổi/ngày nên số phòng học cần xây dựng mới tăng cao. Nhu cầu bán trú của các trường mầm non và tiểu học tăng dần hằng năm nên cần đầu tư sửa chữa và nâng cấp, mở rộng.

Số lớp, số học sinh tăng nhanh qua từng năm học một phần do di dân cơ học đến các khu, cụm công nghiệp đòi hỏi cần có sự đầu tư, bổ sung cơ sở vật chất nhằm đáp ứng nhu cầu học tập con em công nhân sở tại và tại các khu, cụm công nghiệp.

Huyện Việt Yên cũng có trường đạt chuẩn sau 5 năm chưa đủ điều kiện để đề nghị tỉnh kiểm tra công nhận lại, do thiết bị thiếu hoặc xuống cấp nhưng chưa có kinh phí để đầu tư xây mới, nâng cấp, sửa chữa.

Đến năm học 2025-2026, toàn huyện có 65 trường với tổng số 1.635 lớp, 50.743 học sinh. Việt Yên cũng huy động mọi nguồn lực để đầu tư mở rộng diện tích đất, xây mới phòng học, phòng chức năng theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa theo từng giai đoạn góp phần xây dựng huyện Việt Yên thành thị xã vào năm 2025.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ